Hà Nội di dời 63 hộ dân để tu bổ di tích Gò Đống Thây

63 hộ dân sinh sống tại dự án Tu bổ di tích lịch sử Gò Đống Thây trên địa bàn phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội sẽ phải di dời.

Nhiều hộ dân xây dựng nhà tạm, sinh sống xung quanh di tích Gò Đống Thây

UBND quận Thanh Xuân vừa ban hành Kế hoạch số 84 về tổ chức cưỡng chế thu hồi đất giải phóng mặt bằng thực hiện dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây (phường Thanh Xuân Trung).

Theo đó, mục đích của Kế hoạch nhằm tổ chức hiện cưỡng chế thu hồi đất GPMB và bàn giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận để thực hiện dự án theo quy định.

Đối tượng cưỡng chế: 58 hộ gia đình, cá nhân không đồng thuận nhận tiền và bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây.

Di tích lịch sử Gò Đống Thây

Thời gian cưỡng chế bắt đầu từ ngày 25/3/2024 đến hết ngày 27/3/2024.

Thông tin về dự án, đại diện UBND quận Thanh Xuân cho biết, do những giá trị đặc biệt của một địa danh lịch sử, di tích đã được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL) xếp hạng vào năm 1990. Năm 1997, UBND thành phố Hà Nội đã giao cho Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội quản lý 2,672 ha khu vực này.

Sau quá trình chuyển đổi đơn vị quản lý, năm 2016, Bộ VHTT&DL đã thống nhất điều chỉnh khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích với diện tích giảm xuống còn 15.336 m2.

Đại diện quận Thanh Xuân cho rằng không có cơ sở xác định người dân sinh sống trước năm 1993 để đền bù giải phóng mặt bằng

Đến ngày 30/3/2017, HĐND quận Thanh Xuân phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Tu bổ di tích lịch sử Gò Đống Thây. Dự án hướng tới mục tiêu xây dựng khu di tích Gò Đống Thây thành Công viên văn hóa lịch sử, đưa di tích trở thành không gian văn hóa với các thành phần tiêu biểu có giá trị về mặt kiến trúc, nghệ thuật, bổ sung điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Dự án chia làm 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư hơn 233 tỷ đồng.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đặng Hoàng Linh - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân (chủ đầu tư dự án) cho biết, đơn vị đã rà soát tất cả 63 trường hợp và có đầy đủ cơ sở pháp lý của từng hộ. Hệ thống bản đồ qua các thời kỳ đã được thu thập đầy đủ từ bản đồ năm 1993 do Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội bàn giao, bản đồ địa chính 1996, bản đồ hiện trạng năm 1998 (do Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân lập), Bản đồ hiện trạng năm 2013 của quận Thanh Xuân...

Theo Phòng Văn hóa Thông tin quận Thanh Xuân, Khu di tích Gò Đống Thây gắn liền với cuộc kháng chiến chống quân Minh vào thế kỷ XV của nghĩa quân Lê Lợi. Trong những trận đánh nhằm bao vây, giải phóng thành Đông Quan (Hà Nội ngày nay) thì hai trận mở màn thắng lợi tại cầu Nhân Mục (cuối năm 1426) đã tiêu diệt được lực lượng lớn quân Minh đóng tại đây. Sau hai trận đánh oanh liệt kể trên, nhân dân địa phương đã lưu truyền đến ngày nay là “Gò Thất Tinh”, “Khu mả Thất Tinh” và dần trở thành cái tên thông dụng như ngày nay: “Gò Đống Thây” - ý nói thây giặc chất nhiều thành đống, thành gò.

Trần Hoàng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ha-noi-di-doi-63-ho-dan-de-tu-bo-di-tich-go-dong-thay-post1615168.tpo