Hà Nội đẩy mạnh công tác phòng chống bệnh tay chân miệng tại trường học

Để chủ động phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, kiểm soát sự gia tăng số ca mắc mới và không để xảy ra trường hợp tử vong, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, giám sát công tác phòng chống căn bệnh này trên địa bàn huyện Ba Vì và huyện Đông Anh.

Ghi nhận tình hình bệnh tay chân miệng tại xã Phú Châu (huyện Ba Vì), tính đến ngày 9/4 có 19 ca mắc (phân độ 1) và 2 ổ dịch, trong đó 1 ổ dịch cộng đồng và 1 ổ dịch tại Trường Mầm non Phú Châu. Các ca bệnh phân bố tại 3 thôn: Phú Xuyên 1 (10 ca); Phú Xuyên 2 (3 ca) và Phú Xuyên 3 (6 ca).

Tủ hấp sấy bát đĩa của học sinh Trường Mầm non Hồng Phúc đảm bảo an toàn, sạch sẽ.

Đoàn kiểm tra đã tới giám sát ổ dịch tay chân miệng tại Trường Mầm non Phú Châu. Đến ngày 9/4, ghi nhận 17 ca mắc và 3 trường hợp nghi ngờ. Các ca bệnh phân bố ở 5 lớp học, trong đó nhóm tuổi có nhiều trường hợp mắc nhất 24 - 36 tháng, với 13 ca mắc. Tất cả các trường hợp mắc hiện đang được điều trị và theo dõi tại nhà.

Trung tâm Y tế huyện Ba Vì cùng Trạm Y tế xã Phú Châu đã tiến hành điều tra, khử khuẩn tại trường học 2 lần bằng Cloramin B. Nhà trường cũng chủ động mua hóa chất khử khuẩn và tiến hành vệ sinh lớp học, dụng cụ học tập, đồ chơi hàng ngày từ khi ghi nhận ổ dịch. Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch hàng ngày trên hệ thống loa truyền thanh.

Còn tại xã Mai Lâm (huyện Đông Anh), tính đến ngày 12/4, toàn huyện Đông Anh ghi nhận 27 trường hợp mắc tay chân miệng. Trong đó xã Mai Lâm ghi nhận 2 trường hợp mắc và 1 ổ dịch tại Trường Mầm non tư thục Hồng Phúc. Ổ dịch tại Trường Mầm non tư thục Hồng Phúc ghi nhận ngày 28/3, ổ dịch gồm 4 bệnh nhân đều là trẻ cùng 1 lớp (lớp trẻ từ 12 - 24 tháng tuổi) trong đó 2 trẻ tại xã Mai Lâm và 2 trẻ tại xã Dục Tú.

Ngay sau khi các trẻ trong lớp có biểu hiện nổi mụn nước ở tay, chân, Trường Mầm non Hồng Phúc đã thông báo cho Trạm Y tế xã Mai Lâm để được hướng dẫn thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch. Sau đó, Trạm Y tế xã Mai Lâm đã cử cán bộ chuyên trách phòng, chống dịch trực tiếp xuống phối hợp với nhà trường tổ chức thực hiện các biện pháp xử lý dịch. Trạm đã cấp phát Cloramin B cho nhà trường và hướng dẫn cách pha dung dịch Cloramin B để thực hiện khử khuẩn.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn công tác ghi nhận có tổng cộng 82/90 học sinh đang học, có 8 học sinh nghỉ học rải rác tại các lớp. Nhà trường sử dụng hệ thống nước sạch của chi nhánh Nhà máy nước Sóc Sơn cấp phát. Nhà trường có khu bếp ăn bán trú bố trí riêng và theo nguyên tắc một chiều (có đầy đủ tủ lưu mẫu thức ăn và tủ hấp sấy bát đĩa của học sinh). Nước uống của trẻ là nước đun sôi để nguội, được thay hàng ngày.

Các lớp học đều có nhà vệ sinh tự hoại khép kín trong lớp, có cốc và khăn rửa mặt riêng cho trẻ. Nhà trường có 1 khu vui chơi chung ở ngoài sân trường gồm 2 cầu trượt. Các trẻ mắc bệnh đều học tại lớp trẻ 12 - 24 tháng, hiện tại các trẻ đã đi học trở lại sau khi nghỉ học đủ 10 ngày (kiểm tra trẻ đã hết các nốt phỏng nước), chưa ghi nhận thêm các trẻ khác mắc bệnh.

Nhà trường đã được Trạm Y tế xã Mai Lâm phát bột Cloramin B và hướng dẫn cách pha để khử khuẩn lớp học hàng ngày (sau giờ tan học) và ngâm rửa đồ chơi của trẻ, ngay sau khi ghi nhận ổ dịch và hàng tuần. Công tác xử lý ổ dịch tại trường mầm non cơ bản được thực hiện đúng theo quy định.

Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại như: Trung tâm Y tế chưa có cán bộ xuống kiểm tra, giám sát công tác xử lý tại ổ dịch, chưa đánh giá công tác xử lý ổ dịch ngoài cộng đồng của Trạm Y tế. Nhà trường thiếu khu vực rửa tay với xà phòng cho các trẻ, mỗi lớp chỉ có 1 bồn rửa tay trong nhà vệ sinh cho trẻ. Kiến thức về phòng chống tay chân miệng của cô giáo trong trường chưa đầy đủ...

Qua kiểm tra thực tế tại các trường học trên địa bàn huyện Ba Vì và Đông Anh, đoàn kiểm tra Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đề nghị Trung tâm Y tế huyện Ba Vì và Trung tâm Y tế huyện Đông Anh chú trọng thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng hiệu quả. Trong đó, các trung tâm y tế cần cử cán bộ theo dõi tình hình dịch, tăng cường giám sát, chủ động phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng và tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn; tổ chức điều tra và xử lý ca bệnh theo quy định.

Trạm Y tế các địa phương thực hiện việc điều tra, lập danh sách các trẻ tiếp xúc gần với bệnh nhân để theo dõi sức khỏe theo quy định. Thực hiện công tác giám sát, hướng dẫn và hỗ trợ công tác vệ sinh, khử khuẩn tại các cơ sở giáo dục có ổ dịch tay chân miệng đang hoạt động.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng bằng nhiều hình thức như: Phát thanh trên hệ thống truyền thanh; sử dụng loa lưu động; treo băng rôn, khẩu hiệu; sử dụng nhóm zalo; phát từ rơi tuyên truyền trực tiếp tại hộ gia đình... để nâng cao nhận thức và ý thức tự giác của người dân trong việc chủ động phòng, chống dịch. Ngoài ra, thực hiện công tác thống kê, báo cáo tình hình dịch bệnh và các hoạt động triển khai theo đúng quy định.

Minh Khuê - Việt Nam

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ha-noi-day-manh-cong-tac-phong-chong-benh-tay-chan-mieng-tai-truong-hoc-169156.html