Hà Nội đặt mục tiêu gia nhập vào mạng lưới 'Thành phố học tập' của UNESCO

Ngày 16/11, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng ký ban hành Nghị quyết về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn TP Hà Nội từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ảnh minh họa.

Hà Nội luôn ưu tiên cho công tác khuyến học

Theo Nghị quyết, phát huy truyền thống lịch sử ngàn năm văn hiến, anh hùng; truyền thống hiếu học, trọng học, Thành phố Hà Nội luôn dành ưu tiên cao nhất cho công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập và đã thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Thành ủy Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị của Thành phố triển khai, thực hiện cụ thể hóa các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập thành các Kế hoạch, Chương trình công tác của Thành phố, như: Chương trình số 06-CTr/TU ngày 13/7/2021 về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”, Kết luận số 51-KL/TU ngày 07/4/2022 của Hội nghị chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVII về “Kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo của thành phố Hà Nội”...

Thành phố đã hoàn thành cả 4 mục tiêu cơ bản của Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020”, trong đó, nhiều chỉ tiêu cao hơn tỷ lệ chung của cả nước; 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập của một số đơn vị còn thiếu đồng bộ, chưa quyết liệt, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Vẫn còn một số khó khăn của Hội Khuyến học chưa giải quyết được do còn vướng mắc về cơ chế; hoạt động của một số chi hội, ban khuyến học, hội cơ sở còn chung chung, hình thức, chậm đổi mới. Việc vận động, xây dựng quỹ khuyến học còn thấp so với tiềm năng của Thành phố; việc xây dựng tổ chức khuyến học, đơn vị học tập còn nhiều khó khăn ở một số cơ quan, đơn vị.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế chủ yếu là do nhận thức của một số cấp ủy đảng, người đứng đầu của một số cơ quan, đơn vị về khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập còn hạn chế và chưa thống nhất. Sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành của Thành phố, giữa Thành phố với Trung ương có lúc, có việc còn chưa chặt chẽ, một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách chưa được tháo gỡ kịp thời. Tỉ lệ gia tăng dân số cơ học, người nhập cư tăng nhanh hàng năm, nhất là ở các quận nội thành cũng tạo thêm khó khăn, áp lực cho công tác giáo dục và đào tạo của Thành phố.

Xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm lớn về giáo dục

Trước tình hình đó, Thành ủy Hà Nội thống nhất nhận thức việc đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hệ thống chính trị. Qua đó, nhằm thực hiện tốt các chính sách xã hội, phát triển, khơi thông nguồn lực văn hóa, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo động lực mới cho phát triển nhanh, bền vững Thủ đô và đất nước. Đồng thời, phù hợp với yêu cầu chuyển đổi mô hình kinh tế dựa vào tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và xu thế phát triển của thời đại. Thực hiện các mục tiêu theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cụ thể là: “Tập trung xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế...”; Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội đã xác định: “Xây dựng môi trường giáo dục nhân văn, an toàn, lành mạnh, thân thiện, không có bạo lực học đường; chú trọng giáo dục phẩm chất, nhân cách, văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội...”.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên trước hết là người đứng đầu đối với công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Phấn đấu mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, gia đình cán bộ, đảng viên trở thành “Đơn vị học tập”, “Công dân học tập”, “Gia đình học tập” để làm nòng cốt trong việc xây dựng các mô hình học tập trong Nhân dân. Mỗi doanh nghiệp là hạt nhân quan trọng trong việc đào tạo, đào tạo lại người lao động; mỗi người dân có ý thức tự học để nâng cao trình độ bản thân, nhất là năng lực tự học trong kỷ nguyên số để góp phần triển khai thành công phong trào thi đua “Cả nước xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030” mà Thủ tướng Chính phủ đã phát động.

Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đạt 80 - 85%

Mục tiêu tổng quát trong Nghị quyết được đưa ra nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập theo tinh thần Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư (khóa XII) về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030” do Thủ tướng Chính phủ phát động ngày 10/6/2023.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân, các cấp, các ngành tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong Nhân dân. Qua đó nâng cao nhận thức của Nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa chiến lược của chủ trương xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy việc học tập suốt đời cho mọi người dân.

Đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của Nhân dân Thủ đô, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Thủ đô và đất nước; huy động sức mạnh của toàn xã hội tham gia xây dựng và phát triển giáo dục. Phấn đấu Thủ đô Hà Nội gia nhập vào mạng lưới “Thành phố học tập” của UNESCO trong thời gian sớm nhất.

Nghị quyết cũng xác định những mục tiêu cụ thể, như đến năm 2025, xóa mù chữ và phổ cập giáo dục, duy trì kết quả đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; duy trì tỷ lệ người trong độ tuổi từ 15 - 60 tuổi biết chữ đạt 99,5% trở lên; tỷ lệ người mới biết chữ tiếp tục học tập và không tái mù chữ đạt 95%; 100% quận, huyện, thị xã duy trì, giữ vững kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo; duy trì kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 100% quận, huyện, thị xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.

Về năng lực cơ bản và trình độ của người dân: Tỷ lệ lao động được qua đào tạo đạt 75 - 80%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt tỷ lệ 55 - 60%; tỷ lệ người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực thông tin đạt 50%; tỷ lệ người trong độ tuổi lao động được trang bị kỹ năng sống đạt 50%; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật đạt 50%, trong đó, 12% dân số có trình độ đại học trở lên.

100% cán bộ chuyên trách về an toàn thông tin, công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước thuộc Thành phố được đào tạo về kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật an toàn thông tin mạng phù hợp theo yêu cầu nghiệp vụ. 100% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản; 50% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số.

Về hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục: Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trực thuộc triển khai đại học số và xây dựng học liệu số; phấn đấu 80% các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác triển khai hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số; 70% các trung tâm học tập cộng đồng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục; tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đạt 80 - 85%.

Xây dựng các mô hình học tập trong xã hội: Tỷ lệ người dân đạt danh hiệu công dân học tập đạt 50%; tỷ lệ người dân có kỹ năng số đạt 50%; tỷ lệ gia đình, dòng họ, cộng đồng đạt danh hiệu gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập đạt 60%; tỷ lệ đơn vị được công nhận là đơn vị học tập đạt 50%; 40% quận, huyện, thị xã được công nhận danh hiệu huyện học tập theo các tiêu chí do cơ quan có thẩm quyền ban hành; đăng ký danh hiệu “Thành phố học tập” theo tiêu chí do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Thành ủy Hà Nội cũng đặt mục tiêu cao hơn ở những nội dung trên vào năm 2030.

Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong Nghị quyết, Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh yêu cầu tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn Thành phố. Đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục trong Đảng và Nhân dân. Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng xã hội học tập trong phạm vi từng địa phương, đơn vị.

Cấp ủy chính quyền các cấp tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp để đạt được mục tiêu đề ra đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; củng cố, phát triển bền vững các trung tâm học tập cộng đồng cấp xã, phường, thị trấn; tạo thuận lợi cho các trung tâm học tập cộng đồng tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài, đào tạo nghề, xây dựng xã hội học tập thực sự hiệu quả.

Từng bước tổ chức xây dựng mô hình “Đơn vị học tập” ở cấp quận, huyện, ở cơ quan, đơn vị; mô hình “Thành phố học tập”, “Công dân học tập” với những năng lực cốt lõi để có thể sống và làm việc trong điều kiện của nền kinh tế số, xã hội số và chính phủ số.

Ngoài ra, Thành ủy Hà Nội yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và tổ chức xã hội trong phong trào khuyến học, khuyến tài phù hợp với tình hình mới; phát triển tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động và đa dạng các mô hình học tập; hoàn thiện cơ chế, chính sách về xây dựng xã hội học tập.

Đặc biệt, Thành phố sẽ tăng cường hợp tác quốc tế, phấn đấu trở thành “Thành phố học tập” của UNESCO. Đẩy mạnh các hoạt động kết nối, tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là đối với Tổ chức Văn hóa, Khoa học, giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO); nghiên cứu, học tập, chia sẻ kinh nghiệm và tranh thủ sự giúp đỡ của các nước, các tổ chức quốc tế, các cơ quan nghiên cứu quốc tế về công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

Chủ động, tích cực phấn đấu đạt được những tiêu chí cơ bản của “Thành phố học tập” để Thủ đô Hà Nội có thể tham gia mạng lưới “Thành phố học tập” của UNESCO trong thời gian sớm nhất. Nghiên cứu, triển khai các chương trình hợp tác quốc tế về công nghệ đào tạo mở và từ xa trên nền tảng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đẩy mạnh vận động, khuyến khích đội ngũ trí thức tài năng là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đóng góp với hoạt động khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Thành ủy giao Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp của Thành phố tổ chức nghiên cứu, quán triệt, học tập, phổ biến, tuyên truyền và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân Thủ đô.

Hàng năm chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết ở các tổ chức đảng trực thuộc, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị của Thành phố; tổ chức sơ kết đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết.

Việt An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-dat-muc-tieu-gia-nhap-vao-mang-luoi-thanh-pho-hoc-tap-cua-unesco.html