Hà Nội: Đào tạo nghề gắn với bảo tồn, phát triển các nghề truyền thống

Trên địa bàn thành phố Hà Nội có 1.300 làng nghề và làng có nghề. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng, đây là nguồn lực lớn để Thành phố vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa. Do vậy trường nghề cần có vai trò quan trọng trong việc vừa đào tạo nghề vừa góp phần bảo tồn, phát triển các nghề truyền thống của Hà Nội.

Tuyển sinh đào tạo nghề cho 237.000 lượt người/năm

Căn cứ Chương trình 06-CTr/TU và Kế hoạch số 176/KH-UBND ngày 30/7/2021 của Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội về triển khai thực hiện Chương trình 06-CTr/TU, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND Thành phố ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái, đến nay, trên địa bàn Hà Nội có 352 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong đó chia theo loại hình đơn vị, với 69 trường cao đẳng, 83 trường trung cấp, 48 trung tâm giáo dục nghề nghiệp/dạy nghề, 18 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 134 doanh nghiệp, loại hình khác. Thành phố có 19 trường trung cấp, cao đẳng công lập trực thuộc, (10 trường cao đẳng, 9 trường trung cấp).

Thi thực hành nghề tại Trường cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội

“Chất lượng giáo dục nghề nghiệp Thủ đô đã có những bước phát triển mạnh, khẳng định được chất lượng giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với cả nước, đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực cho thị trường lao động. Theo thống kê, điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam được thực hiện thường niên hằng năm về “Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI”, trong đó có chỉ số thành phần là “Chỉ số đào tạo lao động” được các doanh nghiệp đánh giá cao trong những năm qua”, ông Hoàng Thành Thái thông tin.

Cũng theo ông Thái, công tác đào tạo gắn với doanh nghiệp luôn được Thành phố quan tâm chú trọng, coi đây là một giải pháp thúc đẩy mạnh kết quả tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo nghề.

Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội nhìn nhận, công tác tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đạt được kết quả như mong muốn. Tâm lý trọng bằng cấp vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ của một số người dân.

Đa số học sinh sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông đều đặt mục tiêu vào đại học, không muốn đi học nghề. Trong khi đó, Thủ đô là nơi tập trung nhiều trường đại học, các trường đại học có chỉ tiêu tuyển sinh lớn, tiêu chí xét tuyển thấp. Do vậy, các trường trung cấp, cao đẳng rất khó để cạnh tranh tuyển sinh với các trường đại học…

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho đào tạo nghề

Trao đổi về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, cần quan tâm đến công tác tuyển sinh, đào tạo và phân luồng học sinh tham gia học giáo dục nghề nghiệp; vấn đề đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng phát triển trường chất lượng cao, nghề trọng điểm; công tác tự chủ theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, cần chú trọng đến vấn đề hợp tác công tư; tiếp cận và tiếp nhận các nguồn tài trợ của doanh nghiệp trong và ngoài nước cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp…

Tiến sĩ Trịnh Thị Thu Hà, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội cho biết, do tuyển sinh cao đẳng chưa được đưa vào hệ thống tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên số lượng các thí sinh có nguyện vọng đăng ký vào các trường cao đẳng giảm theo từng năm. Ngân sách dành cho công tác tuyển sinh ngày càng hạn hẹp vì các trường tự chủ, học phí đến năm thứ 4 không được tăng.

Ngoài ra, hoạt động quảng bá, tư vấn tuyển sinh được thực hiện theo mùa vụ, thiếu tính thường xuyên, chuyên nghiệp. Tâm lý e ngại học nghề khó kiếm việc làm, việc làm vất vả, lương thấp dẫn tới tuyển sinh học nghề khó khăn. Không có kinh phí để xây dựng nền tảng số phục vụ công tác tuyển sinh nên hiệu quả không cao.

“Nhà trường thiếu các phần mềm, các nền tảng, hạ tầng công nghệ thông tin đào tạo chuyên môn nên không đáp ứng được yêu cầu của xã hội; không đáp ứng được chủ trương đa dạng hóa hình thức đào tạo…”, Tiến sĩ Trịnh Thị Thu Hà bày tỏ.

Công tác đào tạo đã gắn với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Từ thực tiễn của đơn vị, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội kiến nghị Thành phố quan tâm tuyên truyền sâu rộng nâng cao nhận thức về học nghề, hướng nghiệp hiệu quả có sự tham gia trực tiếp của các trường nghề tại các trường Trung học phổ thông.

Đồng thời bố trí kinh phí cho các trường đầu tư xây dựng số hóa trong công tác tuyển sinh, đào tạo. Đẩy mạnh công tác truyền thông trên hệ thống báo chí để thu hút tuyển sinh. Có cơ chế vinh danh, khen thưởng đối với các doanh nghiệp khi tham gia hỗ trợ, hợp tác với các trường. Các sở, ngành cung cấp, xây dựng định hướng giúp các trường làm tốt công tác đào tạo…

Lãnh đạo cơ quan quản lý giáo dục và một số trường cao đẳng, trung cấp nghề Thành phố cũng kiến nghị, đẩy mạnh số lần hội nghị tư vấn hướng nghiệp hằng năm thay vì tổ chức 1 lần/năm có thể tổ chức nhiều lần/năm tại các quận huyện khác nhau. Thành phố có cơ chế hỗ trợ mức học phí đối với người học trình độ cao đẳng nhằm thu hút được các em học sinh tốt nghiệp THPT tham gia vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp…

Hà Nội có 1.300 làng nghề và làng có nghề là nguồn lực lớn để vừa phát triển kinh tế-xã hội vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, lãnh đạo Thành phố luôn lắng nghe, chia sẻ và qua đó đánh giá toàn diện về công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực theo các Nghị quyết của Trung ương và Thành phố. Trong đó, việc phát triển của Thủ đô trong giai đoạn tới cần được đẩy mạnh trên 3 trụ cột quan trọng gồm: Văn hiến, văn hóa Hà Nội; nguồn nhân lực chất lượng cao; đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và chuyển đổi số.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, các đơn vị liên quan cần phải thay đổi nhận thức rằng, giáo dục nghề nghiệp cùng với giáo dục phổ thông hình thành nên hệ thống giáo dục hoàn chỉnh và mỗi loại hình có vai trò, vị trí quan trọng khác nhau nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thủ đô. Theo xu hướng của thế giới là phải phân luồng học sinh từ sớm, vì thế hệ thống trường nghề có vai trò quan trọng trong đào tạo nghề, bổ cập kiến thức nghề và đào tạo nghề ngắn hạn… phục vụ nhu cầu của xã hội. Các trường nghề cần có vai trò quan trọng hơn trong việc vừa đào tạo nghề vừa góp phần bảo tồn, phát triển các nghề truyền thống của Hà Nội.

Hoàng Phúc

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ha-noi-dao-tao-nghe-gan-voi-bao-ton-phat-trien-cac-nghe-truyen-thong-162720.html