Hà Nội đào tạo miễn phí cho giáo viên tiếng Anh

Từ ngày 18-6 đến 5-7-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức rà soát, kiểm tra đối với 100% giáo viên tiếng Anh đã đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam. Để hiểu rõ thêm về mục đích và việc triển khai nội dung này, phóng viên Báo Hànôịmới đã phỏng vấn ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

- Khá nhiều giáo viên bày tỏ sự lo lắng khi tham dự kỳ kiểm tra. Ông có thể nói rõ hơn về mục đích của việc này?

- Như nội dung đã được thông báo tới các đơn vị, trường học trên toàn thành phố, mục đích của việc tổ chức kiểm tra đối với giáo viên tiếng Anh của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội là để có căn cứ xếp lớp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ cho các thầy giáo, cô giáo dạy môn học này.

Việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ giáo viên tiếng Anh là cần thiết trong bối cảnh hiện nay khi mà học sinh có rất nhiều cơ hội học tiếng Anh ở bên ngoài nhà trường; số lượng giáo viên bản ngữ có chất lượng tham gia dạy tiếng Anh ngày càng tăng.

Nếu các thầy, cô giáo không kịp thời được đào tạo nâng chuẩn thì sẽ lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ dạy học ở các nhà trường và mong muốn của phụ huynh.

Bên cạnh đó, việc thực hiện đào tạo, nâng chuẩn trình độ tiếng Anh của Hà Nội cũng là nội dung nằm trong Kế hoạch số 28/KH-UBND ngày 23-1-2019 của UBND thành phố Hà Nội về việc “Dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020”.

- Chủ trương này có được thông báo đến các nhà trường không, thưa ông?

- Toàn bộ thông tin về đợt kiểm tra này đã được triển khai tới các đơn vị, trường học trên toàn thành phố. Cụ thể, ngày 29-5-2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có công văn đề nghị các nhà trường rà soát theo chuẩn quốc tế đối với đội ngũ giáo viên tiếng Anh của đơn vị mình; thông báo tới toàn thể đội ngũ giáo viên tiếng Anh của các trường phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên chuẩn bị tham dự kiểm tra năng lực theo chuẩn quốc tế IELTS.

Ngày 24-9-2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có công văn gửi các nhà trường đề nghị gửi danh sách giáo viên tiếng Anh chuẩn bị tham gia đợt kiểm tra để được đào tạo, nâng cao trình độ. Sau đó, Sở đã thông báo danh sách rà soát đến các trường và đề nghị nhà trường chốt danh sách vào tháng 3-2020.

Tuy nhiên, kế hoạch khảo sát theo dự kiến phải thay đổi do các trường học, trung tâm khảo thí trên địa bàn thành phố tạm nghỉ để phòng, chống dịch Covid-19.

- Có ý kiến cho rằng, việc tổ chức kiểm tra vào thời điểm này - khi học sinh chưa nghỉ hè là chưa hợp lý, có thể ảnh hưởng đến việc dạy học. Ý kiến của ông về việc này như thế nào?

- Căn cứ vào số lượng giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội dự kiến kế hoạch tổ chức kiểm tra kéo dài từ ngày 18-6 đến ngày 5-7-2020. Tuy nhiên, mỗi giáo viên chỉ cần dành tối đa 1 ngày để thực hiện các yêu cầu của bài kiểm tra theo chuẩn quốc tế IELTS với các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

Tôi xin nhấn mạnh lại rằng, thông tin được truyền tải đến các nhà trường, giáo viên đều nêu rõ: Mục đích của việc kiểm tra là để xếp lớp đào tạo sao cho phù hợp với năng lực của từng nhóm giáo viên, từ đó phát huy hiệu quả cao nhất của quá trình đào tạo.

Vì vậy, giáo viên không cần phải tham gia các lớp luyện thi IELTS trước khi làm bài kiểm tra. Các nhà trường đều hiểu rõ mục đích, ý nghĩa về chủ trương này nên tạo điều kiện tối đa về mọi mặt, sắp xếp thời khóa biểu hợp lý để giáo viên tiếng Anh của đơn vị mình được tham gia kiểm tra.

Các thầy, cô giáo dạy môn học này cũng nhận thức rõ trách nhiệm, quyền lợi của mình khi được tham dự kiểm tra để được đào tạo, nâng cao trình độ. Việc này không gây ra áp lực nào cho giáo viên, cũng không ảnh hưởng đến việc dạy học.

- Vậy sau đợt kiểm tra, kế hoạch đào tạo, nâng cao trình độ theo chuẩn quốc tế cho giáo viên tiếng Anh tại Hà Nội sẽ được triển khai ra sao, thưa ông?

- Căn cứ kết quả kiểm tra, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tổ chức phân loại, xếp lớp cho từng nhóm giáo viên có trình độ tương đương để tổ chức đào tạo nâng chuẩn tiếng Anh theo chuẩn quốc tế. Thời điểm tổ chức đào tạo sẽ được thông báo cụ thể tới các nhà trường và giáo viên.

Theo kế hoạch, lớp đào tạo sẽ được chia làm nhiều đợt. Từ nay tới năm 2025, trung bình cứ cách một năm giáo viên lại được tham gia một đợt bồi dưỡng để tiếp tục nâng chuẩn trình độ. Giáo viên tham gia đào tạo đều được hỗ trợ toàn bộ kinh phí, bao gồm cả công tác phí trong quá trình tham gia đào tạo, được giảm thời gian giảng dạy tại trường.

Mục tiêu của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đặt ra tới năm 2025 là có hơn 50% số giáo viên ở các cấp học có trình độ nghe nói tiếng Anh từ 6.5 IELTS trở lên.

- Xin cảm ơn ông!

Thống Nhất

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-duc/970444/ha-noi-dao-tao-mien-phi-cho-giao-vien-tieng-anh