Hà Nội đã sẵn sàng cho Đại lễ

(Toquoc) – Các nhóm công nhân, kỹ thuật vẫn miệt mài ngày đêm để hoàn thiện các công việc còn dang dở. Hàng loạt các công trình đã và sẽ được gắn biển công trình chào mừng TP ngàn năm tuổi. Công việc tập duyệt, chỉnh trang cho đại lễ cũng đã cơ bản hoàn thành…

Hà Nội đã sẵn sàng “mở cửa mời khách” cùng chung vui. Cả Hà Nội sáng rực đèn hoa (Ảnh: Ngọc Đào) Tự hào các công trình dấu ấn Dõi tầm mắt ra xa nhìn những dòng xe tấp nập, ngược xuôi trên các cung đường gom lên cầu Vĩnh Tuy, khuôn mặt của Giám đốc Ban quản lý dự án hạ tầng Tả ngạn TP Hà Nội Đặng Vũ Nhật Thăng dường như dãn ra sau bao ngày lăn lộn cùng công trình. Theo ông Thăng, bao khó khăn từ lúc dự án được phê duyệt vào năm 2005 đã dần qua, để tới tháng 9 năm 2009 đã đưa vào khai thác sử dụng một phần của dự án và ngày hôm qua, công trình đã chính thức hoàn thành cho kịp kỉ niệm TP Hà Nội 1.000 tuổi. “Đây là tuyến giao thông quan trọng của TP trong việc giải quyết những bức xúc của giao thông đô thị. Cầu Vĩnh Tuy được đưa vào khai thác đã mang lại đột phá cho giao thông Thủ đô trong thời điểm khó khăn: khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông nội đô qua cầu Chương Dương và các tuyến đường liên quan” – ông Thăng tâm sự. Mỗi ngày có khoảng 34.000 lượt xe qua lại, cầu Vĩnh Tuy không chỉ có tác dụng nối tả ngạn và hữu ngạn sông Hồng mà còn tạo thuận lợi cho việc phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp phía Bắc sông Hồng, góp phần tăng cường giao lưu, phát triển kinh tế giữa Hà Nội và các tỉnh, TP khác trong vùng kinh tế trọng điểm. Ý thức được tầm quan trọng của cây cầu, lại là một trong những công trình trọng điểm hoàn thành chào mừng đúng dịp kỉ niệm Thăng Long – Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi, ông Thăng cho hay những ngày qua, Ban quản lý, nhà thầu, thi công… đều làm việc ba ca để nhanh chóng hoàn thiện các hạng mục nhỏ cuối cùng. Đặc biệt, với giọng đầy tự hào, ông Thăng cho biết, đây là công trình lớn đầu tiên do Hà Nội tự thực hiện, quản lý thi công, thiết kế, xây dựng, giám sát, vốn… “Là cầu lớn do TP làm chủ đầu tư, tôi có thể khẳng định, cán bộ Hà Nội đủ năng lực, trí tuệ để có thể làm nhiều cây cầu tiếp theo. Tôi tự hào là một trong những người góp phần làm nên cây cầu – nút giao thông vô cùng quan trọng của Thủ đô dịp này” – ông Thăng nói. Để hoàn thành một công trình cầu với mặt cắt 19,25 m, có hệ thống cầu dẫn, nút giao, đường gom và đang hoàn thiện nút giao thông nối với quốc lộ 5, ông Thăng cho biết những ngày qua, cán bộ, công nhân ở công trình này đã làm hết các giờ trong ngày, làm cả chủ nhật, các bộ phận giao ban tại hiện trường và mới đây đại diện Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã đánh giá công trình đảm bảo các yếu tố kỹ thuật. Những khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng, những kỹ thuật khó của một công trình cầu đường lớn, lại thi công trong điều kiện mật độ phương tiện giao thông dày đặc, vừa làm vừa phân luồng… đang lùi xa để công trình bước vào giai đoạn hai của dự án hoàn thiện cầu theo quy hoạch. Vậy là, hàng ngàn tỉ đồng cùng trí tuệ, công sức của người Hà Nội đã làm lên công trình nối hai bờ sông Hồng. Cùng với 7 cây cầu khác sẽ bắc qua sông trong tương lai, cầu Vĩnh Tuy đã góp phần đưa mong ước của người dân hai bên bờ sông về một sự thuận lợi cho đi lại, phát triển kinh tế xã hội, sự bề thế của một TP đang lớn mạnh trở thành hiện hữu. Trong khi đó, nhiều công trình khác cũng đang hối hả làm việc để hoàn thiện nốt các hạng mục cuối cùng để kịp báo công trước ngày đại lễ. Hà Nội đang khoác lên mình một diện mạo mới trong bước tiến phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội. Chúng tôi có mặt tại hiện trường xây dựng tượng đài Thánh Dóng trên đỉnh núi Đá Chồng, đỉnh cao nhất tại khu du lịch tâm linh Đền Sóc, Chùa Non, Học viện Phật giáo Việt Nam. Đường lên đỉnh núi còn mới tinh lớp thảm nhựa đường, hai bên đường, các nhóm công nhân đang tất bật trồng những hàng keo tạo bóng mát. Tượng Thánh Dóng hiện lên mờ ảo trong sương núi sớm vừa uyển chuyển vừa hùng dũng, cường tráng. Rất nhiều người đã phải thốt lên ngỡ ngàng trước một khu tượng thật có hồn với những khuôn đúc đồng hài hòa. Từ 26 mẫu tượng dự thi, sản phẩm được trang trọng đặt trên đỉnh núi Đá Chồng này thuộc về mẫu thiết kế của nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân. Công trình tượng cao 11,7 m với 87,3 tấn đồng hợp kim sẽ được khánh thành thành vào ngày 5/10 tới để đón du khách lên thăm. “Chúng tôi tự hào vì cụm công trình này đã kịp hoàn thành vào đúng dịp Đại lễ. Đây cũng là một điểm đến, một cơ hội hưởng thụ văn hóa không chỉ với người dân Sóc Sơn mà với khách du lịch nói chung” – Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Nguyễn Văn Phong hào hứng. Cùng với Tượng Thánh Dóng, Sóc Sơn đang kỳ vọng cụm quần thể tâm linh này sẽ được UNESCO công nhận là công trình văn hóa phi vật thể để người dân Sóc Sơn sẽ có thêm một ngành kinh doanh mới – phát triển công nghiệp không khói, phát triển du lịch, góp phần cải thiện đời sống của một trong những huyện nghèo của TP. Những công trình dấu ấn đã hoàn thành (Ảnh: S.Đào) Những việc không tưởng đã thành hiện thực Dù chưa tới Đại lễ, xong các khu vực như Hồ Gươm, Nhà Hát Lớn… những ngày qua lúc nào cũng đông vui, nhộn nhịp. Người dân Hà Nội cũng như khách du lịch bốn phương đã tranh thủ ngắm phố phường lộng lẫy, rực sang ngay trước thềm Đại lễ. Khu vực Hồ Gươm sớm thu những ngày cuối tháng 9 trở lên duyên dáng, bảng lảng hơn bao giờ hết. Những mảng hoa được trang trí quanh hồ, các tuyến hè phố dẫn về trung tâm Hồ Gươm cũng được trang trí những bồn hoa nhỏ, xinh xắn trên hè. Khách du lịch thảnh thơi dạo bước thưởng thức mùa thu Hà Nội ngàn năm có một. Bác Dương Văn Nguyên, cán bộ hưu trí ở phố Lò Sũ ngồi bên ghế đá bờ Hồ chậm rãi hồi tưởng với tôi về sự thay đổi của Hà Nội từ lúc bác còn là một cậu bé chạy loăng quăng nhặt sấu đá trên phố. Giờ đây, Hà Nội đã thật khác và năm nay thì Thủ đô còn rạng rỡ hơn. “Tôi đi qua nhiều tuyến phố chính, nếu không nhìn tên phố thì có thể đã không nhận ra. Dù bằng hình thức nào, sử dụng công nghệ như hệ thống đèn điện được kết thành dàn trang trí trên các tuyến phố khu vực trung tâm, tuyến phố Hàng Bông có đèn lồng hay hình chim hạc, trống đồng… đều khiến các tuyến phố lạ kỳ hơn bao giờ hết” – Bác Nguyên tâm sự. Cũng có nhiều người cùng quan điểm với bác Nguyên khi cho rằng, Hà Nội thời gian qua đã làm được những việc tưởng như không thể, như việc hạ cáp ngầm cho hàng chục tuyến phố chẳng hạn. Để có các tuyến phố phong quang, thoáng đãng như hiện nay, từ cuối năm ngoái, đặc biệt những tháng đầu năm nay, TP đã phải có hàng loạt văn bản liên tiếp chỉ đạo các đơn vị thực hiện “quét” mạng nhện trên trời trên hơn 10 tuyến phố, các cuộc họp giao ban và kiểm tra hiện trạng chỉnh trang giữa lãnh đạo TP với các chủ dự án diễn ra hàng tuần. Những “hạn chót” cho chỉnh trang được điều chỉnh từ cuối tháng 6, lại phải dời sang cuối tháng 7, rồi giữa tháng 8 để cuối cùng, các tuyến phố mới quét được “mạng nhện”. “Hà Nội đẹp, nhưng không thể không thấy tức mắt khi trên đầu dây điện búi thành từng cột lớn, thậm chí lòng thòng, ảnh hưởng tới mạng sống người dân, nhưng nay đã được dẹp, tôi rất hài lòng và mong muốn được triển khai trên khắp TP” – bác Nguyên tâm sự. Trong mắt người dân Hà Nội và du khách, mùa thu này hấp dẫn không chỉ ở việc tân trang, chỉnh trang phố phường mà còn, Đại lễ đã tới gần, Thủ đô đang nỗ lực hết sức mình để chuẩn bị “những bữa tiệc” thịnh soạn với nhiều chương trình, sự kiện văn hóa, chương trình nghệ thuật, ẩm thực, du lịch, lễ khai mạc, duyệt binh… Tất cả đang trong những khâu ráp nối hoàn thiện. Tới thời điểm này, các khách sạn Hà Nội đã không còn chỗ trống, có lẽ, chưa bao giờ Thủ đô Hà Nội lại có dịp rộng mở để chào đón khách quốc tế và trong nước đến như vậy. Thời gian tới Đại lễ đã cận kề. Đồng hồ đếm ngược có lẽ đang chờ đợi từng khoảnh khắc chứ không còn tính bằng ngày nữa. Và mỗi khoảnh khắc qua đi, Hà Nội lại thêm lớn mạnh, các công trình nhộn nhịp hoàn thành, các tuyến phố khang trang, người Thủ đô thêm rạng rỡ, Việt kiều, quan khách các nơi trên thế giới hội tụ về đây. Hà Nội đã thực sự chuyển mình để cùng tận hưởng những dư âm của ngàn năm vọng lại…/. Song Đào

Nguồn Tổ Quốc: http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/Thoi-Su/Ha-Noi-Da-San-Sang-Cho-Dai-Le.html