Hà Nội: Công sở không đổi giờ làm

ANTĐ - Chiều 1-11, Thành ủy Hà Nội đã có Thông báo kết luận của Thường trực Thành ủy về điều chỉnh giờ làm, giờ học trên địa bàn thành phố để góp phần hạn chế ùn tắc giao thông. Theo đó, phương án thành phố nêu có khác với phương án của Bộ GT-VT đã trình Chính phủ.

Ùn tắc không thể được giải quyết chỉ với một giải pháp đổi giờ làm, giờ học

Siêu thị mở cửa từ 9h

Về đối tượng điều chỉnh, Thành ủy Hà Nội đồng ý với đề xuất của UBND TP, xác định 3 nhóm đối tượng chủ yếu để điều chỉnh là hợp lý. Đồng thời kết hợp các biện pháp tăng cường công tác tổ chức, quản lý, điều hành giao thông một cách khoa học, hợp lý, tạo thuận lợi cho việc đi lại, làm việc và sinh hoạt của nhân dân.

Cụ thể, nhóm sinh viên, học viên các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, học sinh các trường THPT sẽ bắt đầu ca học sáng từ 7h và tan học chiều vào 18h. Nhóm các trung tâm thương mại, dịch vụ, tài chính ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm... thời gian mở cửa sẽ bắt đầu từ 9h và đóng cửa vào 22h. Nhóm công chức, viên chức các cơ quan Trung ương và Hà Nội, học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS... thời gian làm việc và học tập giữ nguyên khung giờ như hiện nay, thời gian từ 8h đến 17h. Thường trực Thành ủy cũng nhận định, tình trạng ùn tắc chủ yếu diễn ra ở khu vực các quận và một, hai huyện giáp các quận. Do đó, thành phố đề xuất điều chỉnh giờ làm việc, giờ học tập chỉ thực hiện trong 10 quận nội thành và 2 huyện Từ Liêm, Thanh Trì.

Thành ủy Hà Nội yêu cầu UBND TP cần khẩn trương hoàn chỉnh phương án, mời các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan để lấy ý kiến. Đồng thời, thông tin rộng rãi để nhân dân biết và có ý kiến. Nếu hoàn thành sớm, đề nghị Chính phủ cho thực hiện từ 1-12-2011. Nếu cần hoàn thiện thêm, sẽ thực hiện từ 1-1-2012. Cùng với điều chỉnh khung trên, UBND TP chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm ùn tắc giao thông. Đối với những biện pháp khả thi, cần tổ chức thực hiện ngay.

Còn với những biện pháp mang tính lâu dài, đòi hỏi nhiều nguồn lực, cần có lộ trình cụ thể để thực hiện. UBND TP Hà Nội cũng sẽ tiếp tục đề xuất với Trung ương về các giải pháp hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, nhất là ô tô cũng như vấn đề nhập cư, tăng mức xử phạt vi phạm, mức phí giao thông... Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu các cấp, các ngành đẩy mạnh, tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

Khác với phương án của Bộ GT-VT

Như vậy, phương án điều chỉnh giờ học, giờ làm được Thường trực Thành ủy Hà Nội nhất trí thông qua đã có những điểm khác với phương án của Bộ GT-VT trình Chính phủ. Cụ thể, ở phương án thứ nhất do Bộ GT-VT đưa ra, cơ quan Trung ương sáng làm việc từ 9h-12h, chiều từ 13h-18h; công chức Hà Nội sáng từ 8h30 - 12h, chiều từ 13h-17h30; Học sinh mầm non, tiểu học, THCS học từ 8h sáng đến 17h30 chiều; Học sinh THPT sáng từ 7h - 11h, chiều từ 12h30-16h30; Sinh viên đại học khu vực quận Cầu Giấy và Thanh Xuân học sáng từ 6h-11h, chiều từ 12h-17h; Sinh viên đại học khu vực quận Đống Đa, Hai Bà Trưng sáng học từ 7h-12h, chiều từ 13h-18h; các Trung tâm thương mại mở cửa từ 9h30 - 23h. Còn ở phương án 2, riêng đối tượng sinh viên đại học 4 quận nội thành được điều chỉnh như sau: Cầu Giấy và Thanh Xuân sáng từ 7h-12h, chiều từ 13h-18h; Đống Đa và Hai Bà Trưng sáng từ 8h-13h, chiều từ 14h -19h.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Đăng Long cho biết, nếu giờ học, giờ làm của các nhóm đối tượng trên chỉ chênh nhau nửa tiếng sẽ không giải quyết được vấn đề. Ông Phan Đăng Long phân tích thêm: “Nếu giờ làm việc của khối công nhân, viên chức và khối học sinh mầm non, tiểu học chênh nhau nhiều quá khi đưa con đến trường lớp, bố mẹ không biết đi đâu, làm gì cho đến 9h để vào làm? Do vậy, Hà Nội mới tính phương án đưa nhóm này vào làm, vào học cùng một giờ. Với giờ giấc như hiện tại, bố mẹ đưa con đến trường vẫn thường đi sớm hơn một chút rồi đến cơ quan làm việc là hợp lý”.

Ông Phan Đăng Long cũng cho rằng, Hà Nội đồng tình với phương án thay đổi giờ học, giờ làm để giảm ùn tắc giao thông, chứ không phải không muốn làm. Ông thẳng thắn: “Song nếu làm thì phải làm đồng bộ, bởi tất cả là một thể thống nhất, liên quan phối hợp với nhau. Khi có việc cần phối hợp thực hiện, không thể chờ nhau đến giờ làm việc được. Thay đổi giờ làm chỉ là một trong rất nhiều giải pháp, chứ không phải giải pháp tuyệt đối để giải quyết ùn tắc giao thông hiện nay...”.

Đề nghị thu phí giao thông phương tiện cá nhân

Ngày 1-11, UBND TP Hà Nội đã có báo cáo kết quả 3 năm thực hiện nghị quyết của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đó, Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả để từng bước hạn chế tiến tới loại bỏ một số phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn Thủ đô và một số TP lớn khác. TP Hà Nội cũng đề nghị tăng mức phí trước bạ, thu phí giao thông đối với các phương tiện giao thông cá nhân lưu hành trên địa bàn các TP lớn để góp phần hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, tạo thêm nguồn thu đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đô thị...

Chính Trung - Ngân Tuyền

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/thoi-su/ha-noi-cong-so-khong-doi-gio-lam/421926.antd