Hà Nội, có quán nước chè…

Điểm nhấn của vỉa hè Hà Nội là gì nhỉ? Thật khó để trả lời câu hỏi này bởi vỉa hè Hà Nội xưa nay vốn được coi là một thế giới của nhân dân anh hùng với lớp lớp mặt người, cuộc đời, số phận chồng lấp và trầm tích. Song, thứ gì tồn tại lâu nhất, nhiều nhất thì xứng đáng là điểm nhấn, là biểu tượng của vỉa hè. Vậy có gì còn xứng đáng hơn cái quán nước chè.

Quán nước chè có lẽ là thứ "sinh vật nguyên sinh cổ đại" đã xuất hiện từ khi người Việt biết nói chuyện, biết giao tiếp với nhau. Có thể lúc đó, quán nước chưa phải là quán nước chè như chúng ta đã từng hình dung, từng biết hay từng ngồi, mà chỉ là khái niệm "gọi nhau râm ran chè xanh" mà thôi.

Những hình thái sơ khai của quán nước của một nền văn minh lúa nước, làng xóm với những lũy tre xanh rào quanh mang dáng dấp một cái đình làng thu nhỏ. Cái đình là không gian cộng đồng quan trọng bậc nhất của làng quê nông thôn, bởi nó tạo nên kết cấu vật chất - tinh thần của làng, thông qua các hoạt động tập thể như tế lễ, hội hè, hội họp, quản trị việc làng…

Nhưng chỉ có việc quan trọng, đại sự lắm thì mới phải gặp nhau ở đình, còn thường nhật, việc quần tụ lại diễn ra ở điếm canh đầu làng, ở mảnh đất trống bên đàng, ở gốc cây giữa đồng hay bất cứ chỗ nào có thể quây quần tụ bạ. Một điểm chung không thể thiếu là tại đó, người ta uống nước chè, hút thuốc lào và trò chuyện, trao đổi thông tin.

Quán nước chè – biểu tượng cho vỉa hè Hà Nội

Không thể nào ngồi uống nước chè suông, hút thuốc lào vặt mà không thể thiếu việc trò chuyện. Chè thuốc và thông tin trở thành 2 thứ keo vật chất và phi vật chất tạo nên thói quen sinh hoạt cộng đồng "chén trà là đầu câu chuyện" của người Việt.

Rồi khi nhu cầu này nâng cao hơn, trở thành một dịch vụ thiết yếu thì quán nước bắt đầu ra đời. Ở đó, chủ quán là người cung cấp không gian quần tụ, các vật liệu phục vụ như ấm nước chè xanh luôn nóng rãy, chiếc điếu cày rít thật kêu, thuốc lào êm say, buồng chuối vừa chín trong vườn, mấy chiếc kẹo bột thô vụng và những câu chuyện để hầu khách.

Quán nước thành không gian quần tụ

Sự hình thành của những đô thị cổ xưa như Hà Nội đã kéo người nông dân bước ra khỏi lũy tre làng đến sinh sống, đồng thời cũng kéo theo cả những tập tục, thói quên sinh hoạt thường nhật và cả những không gian quần tụ quen thuộc là cái quán nước.

Ở phố phường Hà Nội thì không có ruộng, nhưng lại có vỉa hè. Thế nên, "nhân dân anh hùng" đầu tiên của vỉa hè Hà Nội chính là những chủ quán nước. Thật khó có thể hình dung, nếu vỉa hè Hà Nội khiếm khuyết những quán nước thông thống ba bốn bề hay dựng xập xệ thì sẽ thế nào.

Quán nước vỉa hè ở Hà Nội nói riêng và ở miền Bắc gần như có cùng một "nhân dạng", bất chấp thời cuộc lịch sử, hoàn cảnh kinh tế.

Điểm để dựng quán phải là một đoạn vỉa có tính "đầu mối giao thương" như đầu ngõ hay gần các tụ điểm đông người như bến xe, chợ búa, trường học, bệnh viện, công sở… Cứ chỗ nào đông người qua lại, vào ra là y như rằng sẽ có quán nước chè.

Hầu hết các quán nước đều có không gian mở tối đa, tứ bề "thẳng cánh cò bay" vì có xây dựng gì đâu. Phong thủy chuẩn chỉ trong việc dựng quán là lưng dựa vào tường của một ngôi nhà mặt phố, trước mặt nhìn ra mảnh vỉa hè rộng rãi, "tả thanh long" là hàng phở đông khách, "hữu bạch hổ" là quán cơm lừng danh. Hội đủ mọi yếu tố đó thì không bao giờ lo ế ẩm.

Những lúc trời đất yên hàn thái bình thì như thế, còn khi mưa gió, lạnh lùng thì quây bằng tấm liếp, che bằng bạt mưa, tạo thành hình con cóc ngạo nghễ ngồi giữa thế gian. Nếu con cóc là cậu ông trời, thì quán cóc cũng là cậu ông trời chứ kém gì đâu bởi không có gì đủ sức mạnh để dẹp bỏ cả.

Hình dong thượng tầng kiến trúc của quán nước đại khái là như thế, còn kết cấu hạ tầng cơ sở lại đơn giản đến mức đặc trưng hơn. Cái không thể thiếu của quán nước chính là tích nước chè.

Ấm nước chè

Ở quán nước thường có cả tích nước chè lẫn ấm nước trà, chưa kể đến những thứ nước chè phái sinh khác như nụ vối, hoa hòe… thậm chí cả chai rượu quê nút lá chuối xanh như mắt mèo dành cho đám tửu đồ. Và loại nào thì cũng được hãm sẵn trong ấm tích to, đặt trong một cái thùng gỗ được chèn kín các mảnh vải, mảnh giẻ để giữ cho nước luôn nóng hổi.

Hoặc sau này, để giản tiện hơn, các ông bà chủ quán còn pha thẳng phích nước, cổ phích được nút bằng một cái xơ mướp có tác dụng cho nước đi qua, còn bã trà thì ở lại trong phích. Người ta sẽ uống chè bằng chén hoa hồng Hải Dương hay chén thủy tinh gia công màu xanh lơ, trông nhang nhác bản thu nhỏ của vại bia hơi.

Tất cả đều rất nhôm nhoam, dân dã, phủ đầy cát bụi vỉa hè của kiếp nhân sinh. Trà rẻ tiền, pha sẵn theo phong cách “bếp ăn tập thể”, cốc chén thì ố vàng, sứt mẻ nhưng quan trọng gì, có được một chỗ để tạm nghỉ chân, để uống một cái gì nóng nóng nhằm chống cơn lạnh là quá tốt rồi.

Ở đó, từ người già đến người trẻ, kẻ sang cũng như người nghèo cùng dùng chung cái ống điếu đã qua nghìn miệng hút, cùng khật khừ khoan khoái nhả từng bụm khói trắng rồi nâng chén trà lên miệng, hớp một hụm để chiêu khói rồi chép miệng một tiếng rõ to, rõ sung sướng.

Giá trị của quán nước không phải là ở việc bán nước mà là bán một không gian, một địa điểm cho ai đó cần. Cánh cửu vạn đang ngồi chờ việc, vào quán nước. Cánh xích lô, xe ôm đang chờ khách, vào quán nước. Kẻ đợi bạn tan làm, bố mẹ chờ con tan học, vào quán nước. Khách chờ tàu xe, người nhà lên trông thân nhân nằm viện, vào quán nước…

Cùng cảnh, cùng giai tầng nên quán nước đem lại sự kết nối bình dị và thản nhiên. Giữa bà chủ quán với ông khách không phải là mối quan hệ giữa “thợ săn và con mồi” mà là sự cộng sinh. Tôi sống được thì bà mới sống được, bà có dọn hàng thì tôi mới chỗ ngồi. Khó chỗ nào có thể thấy việc khất nợ dễ dàng và nhiều như ở quán nước, để rồi xuất hiện từ mới “cắm quán”.

Xã hội Việt Nam đã biến đổi rất nhanh trong khoảng 30 năm trở lại đây. Vỉa hè của Hà Nội cũng trải qua trên dưới chục lần biến đổi, từ rộng thành hẹp, từ nhiều cây thành ít cây, từ lát đá vuông bê tông sỏi, sang gạch hình sâu, rồi đá xẻ, đá xanh…

Nhưng tựu trung nó vẫn là cái vỉa hè. Trên cái vỉa hè đó vẫn có cái quán nước. Trong cái quán nước đó vẫn duy trì được chức năng nguyên thủy của nó từ 1.000 năm trước là kết nối cộng đồng và chia sẻ thông tin.

Quán nước vỉa hè Hà Nội chính là mạng xã hội đầu tiên của người Việt chứ không phải Facebook. Mỗi một quán nước là một trang mạng, và độ “hot” của nó phụ thuộc vào chính sách thông tin, khả năng săn tin của chủ quán - KOL vĩ đại nhất mà không ai thừa nhận.

Một quán nước ở đầu ngõ có thể bao quát hết thông tin của con phố chứa đựng cái ngõ đó. Tỉ lệ tiếp cận “reach” có thể nói là tuyệt vời mà nếu muốn có được điều đó trên Facebook, người ta phải mất rất nhiều tiền.

Ma chay, cưới hỏi, giỗ chạp, ốm đau, trúng mánh, ngoại tình, con rơi, đánh ghen, bốc bát họ, tìm người bán nhà, hỏi địa chỉ, hàng phở ăn ngon ăn dở… ti tỉ tì ti, cái gì cũng có, cũng biết, cũng chính xác. Rồi cho đến giá dầu thế giới, tình hình bầu cử tổng thống, thử nghiệm đầu đạn hạt nhân… cũng đủ nốt, không thiếu một xu hướng “trend” nào.

Có được điều đó là bởi quán nước vỉa hè chính là một Big Data liên tục dung nạp thông tin đến từ các người dùng “user” sản phẩm trà thuốc để rồi cập nhật là xuất bản tin. Đó chính là mô hình “tòa soạn hội tụ” mà nhiều tờ báo phải thèm khát.

Không phải ngẫu nhiên mà quán nước chính là mắt xích quan trọng nhất trong mạng lưới “thế trận an ninh toàn dân” của ngành công an. Cũng không phải vô cớ mà có cả một “Thông tấn xã vỉa hè”. Tất nhiên, cũng từ nơi đây, rất nhiều tin tức giả, tin vịt tức “fake news” được hình thành và lan truyền.

Thế giới có thể tiến hóa đến thế nào đi chăng nữa, công nghệ thông tin có thể sẽ đi vào kỷ nguyên 10G, 100G nhưng không có cái gì có thể thay thế được mạng xã hội quán nước. Mạng xã hội này không phụ thuộc vào công nghệ mà phụ thuộc vào nhu cầu kết nối giữa con người với nhau. Thế nên, nó mãi mãi trường tồn.

Chúng ta không thể tưởng tượng được chuyện sẽ có một ngày vỉa hè Hà Nội không còn quán nước. Bởi quán nước chính là linh hồn, là điểm nhấn của vỉa hè chứ không phải bất kỳ thứ gì khác. Chính vì thế, Hà Nội có quán nước chè!

Vĩnh Quyên

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn//suy-ngam/ha-noi-co-quan-nuoc-che-c8a60204.html