Hà Nội chật vật với ùn tắc giao thông cận Tết

Thời điểm gần Tết Nguyên đán, lưu lượng người và hàng hóa dồn về Hà Nội khiến hạ tầng giao thông trở nên quá tải. Ùn tắc giao thông trở thành nỗi ám ảnh.

"Điểm mặt" nguyên nhân gia tăng ùn tắc

Bước vào thời điểm gần Tết Nguyên đán, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh trên các tuyến đường ở Hà Nội, nhất là các cửa ngõ ra, vào thành phố, các trục đường hướng tâm... khiến tình trạng ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp hơn.

Theo ghi nhận của Báo Công Thương, nếu như trước đây, tình trạng ùn tắc cục bộ chỉ xảy ra vào giờ cao điểm, thì những ngày này có thể xảy ra tại mọi thời điểm. Nhất là tại các tuyến đường như: Lê Văn Lương (đoạn hầm chui Lê Văn Lương); Nguyễn Trãi (đoạn từ đối diện Trường Đại học Hà Nội đến lối xuống hầm chui Thanh Xuân), Phạm Hùng (đoạn bến xe Mỹ Đình); Nguyễn Xiển (đoạn từ nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển đến nút giao Đại lộ Chu Văn An), đường dẫn lên cầu vượt Ngã Tư Sở, Trường Chinh...

Ô tô, xe máy ''nêm cứng'' trên cả làn dành cho BRT tại đường Lê Văn Lương

Tại họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội Hà Nội ngày 19/1, làm rõ bức tranh toàn cảnh về giao thông, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo cho biết, dân số của Hà Nội là gần 10 triệu người. Đồng thời Hà Nội có trên 8 triệu phương tiện đăng ký, gồm 1,1 triệu ô tô, hơn 6,7 triệu xe máy, 200.000 xe đạp điện và chưa kể 1,2 triệu phương tiện của tỉnh thành khác lưu thông trên địa bàn.

Trong khi đó, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên đất xây dựng đô thị mới đạt được 10,35% và diện tích đất dành cho giao thông tĩnh dưới 1%.

Bên cạnh đó, tốc độ phát triển của kết cấu hạ tầng giao thông không theo kịp tốc độ phát triển phương tiện gây áp lực rất lớn hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, đặc biệt là mạng lưới giao thông tĩnh (bãi đỗ xe, điểm đỗ xe…).

Số lượng phương tiện và mật độ người sinh sống, làm việc tham gia giao thông trên địa bàn Hà Nội là rất lớn, gây áp lực lên hạ tầng, không chỉ giao thông mà còn hạ tầng xã hội khác như y tế, giáo dục.

"Từ nay đến Tết Nguyên đán ùn tắc giao thông dự báo sẽ còn diễn biến khó lường nữa do cả người dân tỉnh thành khác đổ về Thủ đô, nhu cầu đi lại, sắm Tết, vận chuyển hàng hóa… của người dân tăng cao đột biến", Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải khẳng định.

Tuyến đường Nguyễn Trãi lưu lượng phương tiện vượt thiết kế vượt từ 3,3 đến 5,6 lần

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hiện nay thành phố triển khai nhiều công trình trọng điểm dẫn đến rào chắn tuyến đường làm thu hẹp mặt cắt tuyến đường. Thêm vào đó ý thức tham gia giao thông người dân chưa cao, không tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, dẫn tới tình trạng các loại xe thi nhau "điền vào chỗ trống" mạnh ai nấy đi, không theo hàng lối... là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông vẫn còn tồn tại kéo dài.

Chủ động phân luồng, hạn chế ùn tắc

Nhìn nhận một cách khách quan, tình trạng ùn tắc giao thông gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội, gây áp lực cho mỗi người dân, mỗi gia đình. Thời gian qua, các ngành chức năng Thủ đô cũng đã triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp nhằm khắc phục tình trạng này.

Nỗ lực phân luồng của cảnh sát giao thông.

Về giải pháp cụ thể, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Hữu Bảo cho biết, Hà Nội đã và đang kiên trì thực hiện các nhóm giải pháp chủ yếu trong việc giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, đó là: Đầu tư kết cấu hạ tầng theo quy hoạch; tăng cường vận tải hành khách công cộng để giảm thiểu phương tiện cá nhân; tăng cường tổ chức giải pháp giao thông khoa học, hợp lý để phát huy hiệu quả của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện có; ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành thông tin để linh hoạt, phù hợp với tình hình giao thông thực tiễn…

Các đơn vị liên ngành đã báo cáo UBND TP, hiện nay còn 324 điểm cần bố trí lực lượng hướng dẫn điều hành giao thông để giảm thiểu ùn tắc giao thông từ nay đến Tết. Sở cũng đã báo cáo UBND thành phố trình ban hành quy chế phối hợp giữa các lực lượng: Thanh tra giao thông, Công an, lực lượng các quận, huyện, thị xã… vào cuộc, phối hợp thực hiện.

Theo Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an TP. Hà Nội, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô, phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán, Lễ hội đầu năm an toàn, lãnh đạo Công an TP. Hà Nội đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội chủ trì, phối hợp với các phòng nghiệp vụ, công an quận, huyện huy động lực lượng, phương tiện triển khai quyết liệt Phương án 04 về chỉ huy giao thông, điều khiển giao thông, chống ùn tắc giao thông và phòng ngừa tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô.

"Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng công an cũng cần sự hỗ trợ của các lực lượng khác, đặc biệt là ý thức của người tham giao thông là nhân tố quyết định giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông".

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky

Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội

Trong công tác chống ùn tắc, Công an TP. Hà Nội và Sở Giao thông vận tải đang phối hợp chặt chẽ giải quyết căn cơ các vấn đề tồn tại về giao thông. Duy trì lực lượng tại hơn 200 điểm nút được xác định thường xuyên xảy ra ùn tắc.

Hàng ngày công an bố trí lực lượng 3.000 cán bộ chiến sĩ, người dân vào khung giờ cao điểm sáng, chiều song hành cùng VOV Giao thông hướng dẫn, xử lý kịp thời các sự cố ùn tắc giao thông.

Bên cạnh đó, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc trong dịp cao điểm Tết, Đội Thanh tra giao thông đường bộ (trực thuộc Thanh tra Sở Giao thông vận tại Hà Nội) đã bố trí 5 chốt trực chống ùn tắc; 1 tổ phối hợp liên ngành với Cảnh sát giao thông nhằm tuần tra, kiểm soát các điểm "nóng", các tuyến đường xung quanh Bến xe Mỹ Đình, xử lý nghiêm các tụ điểm "bến cóc", "xe dù", xe khách trá hình.

Hiện tại, ngoài lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, công an các quận, huyện, thị xã cũng chủ động tăng cường giải quyết ùn tắc, xử lý nghiêm những vi phạm là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông.

Chí Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ha-noi-chat-vat-voi-un-tac-giao-thong-can-tet-299848.html