Hà Nội: Cần tăng cường công tác quản lý tại di tích Đền Rừng

Câu chuyện mất tiền công đức sau gần một năm vẫn không tìm được tung tích, hàng quán lộn xộn trong khuôn viên đền… khiến người dân địa phương thuộc làng Gia Thượng (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội), nơi có di tích Đền Rừng không khỏi bức xúc. Mong mỏi những vấn đề xung quanh việc quản lý tiền công đức được giải quyết, người dân cũng mong mỏi công tác quản lý tại di tích sớm đi vào nền nếp, góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng trên địa bàn.

Gần 6 tỉ đồng công đức "bốc hơi"

Gần một năm trôi qua, vụ việc mất tiền công đức tại di tích Đền Rừng vẫn chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng. Số tiền 5.6 tỉ đồng vẫn chưa biết số phận ra sao khiến người dân vô cùng bức xúc vì sự chậm trễ này.

Di tích Đền Rừng

Đền Rừng còn được biết đến với tên gọi Gia Thượng Linh từ và Tứ vị phủ. Như chúng tôi đã đưa tin, vào 12.2022, tại Đền Rừng đã xảy ra sự việc hy hữu. Theo đó, thủ quỹ Tiểu ban cụm di tích Gia Thượng (Hà Nội) là bà Dương Thị Du, đã trình báo công an việc mình bị lừa toàn bộ số tiền công đức của Đền.

Trong đơn trình báo, bà Du nói bị một đối tượng giả danh đại tá công an gọi điện đến đe dọa khiến bà sợ hãi. Bà Du đã ra ngân hàng rút các sổ tiết kiệm, vốn là tiền công đức của cụm di tích Gia Thượng trị giá 5.6 tỉ đồng rồi chuyển vào tài khoản cá nhân, dẫn đến bị lừa toàn bộ số tiền này.

Sự việc đã được ông Lê Đình Hải, Tổ trưởng tổ dân phố 20 kiêm Trưởng tiểu Ban quản lý cụm di tích Đình – Đền – Chùa Gia Thượng (trong đó có Đền Rừng) xác nhận. Ông Lê Đình Hải cũng đã làm đơn trình báo gửi đến Công an phường Ngọc Thụy. Thế nhưng, đến nay đã gần một năm trôi qua, số tiền bị mất vẫn bặt vô âm tín.

Người dân bức xúc bởi đây là số tiền công đức đáng ra cần được quản lý và sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch, nhưng thực tế lại bị quản lý lỏng lẻo một cách khó hiểu. Điều đáng nói, tiểu BQL cụm di tích Đình – Đền – Chùa Gia Thượng có trưởng tiểu ban quản lý, có quản lý Đền, kế toán, thủ quỹ quản lý việc thu chi của đền nhưng khi mang một số tiền lớn như vậy gửi ngân hàng thì lại chỉ một mình bà Dương Thị Du đứng tên tất cả các sổ tiết kiệm.

Sau sự việc này, ông Lê Đình Hải thừa nhận đây là thiếu sót của tiểu BQL cụm di tích Gia Thượng cũng như của BQL Đền Rừng. UBND Phường Ngọc Thụy đã có quyết định đình chỉ công tác đối với ông Lê Đình Hải Trưởng tiểu Ban quản lý cụm di tích Đình – Đền – Chùa Gia Thượng (trong đó có Đền Rừng) vì đã quản lý lỏng lẻo, dẫn đến việc để bà Dương Thị Du dễ dàng rút số tiền công đức ở ngân hàng. Điều khiến dư luận quan tâm, khiến người dân địa phương và những thành viên gắn bó với ngôi đền bức xúc là đã gần một năm trôi qua, vụ việc để mất số tiền công đức bị mất vẫn chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng.

Bà Trần Đức Thịnh (73 tuổi, số nhà 17, tổ 17 phường Ngọc Thụy), là người có 33 năm làm thanh đồng, có nhiều công lao trong việc phát tâm, tu sửa, tôn tạo Đền Rừng từ khi nơi này vẫn còn là ngôi đền nhỏ. Chính vì vậy, bà không khỏi bức xúc và buồn lòng khi BQL cũ để mất số tiền công đức không hề nhỏ. "Đây là tiền phát tâm của du khách thập phương chứ không chỉ riêng của người Gia Thượng và là số tiền lớn nhưng sự vào cuộc của cơ quan chức năng khá chậm trễ, để kéo dài gây bức xúc dư luận, làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân và du khách", bà Thịnh nói.

Người dân không đồng tình với việc có quán nước trong khuôn viên Đền Rừng

Cần thủ nhang có uy tín

Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người dân sống quanh khu vực đền Rừng bày tỏ mong muốn chính quyền, cơ quan chức năng có động thái mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để sớm làm rõ câu chuyện và tìm lại số tiền công đức bị mất.

Bên cạnh đó, theo phản ánh của người dân, vấn đề quản lý tại di tích đền Rừng hiện có nhiều bất cập. Bà Trần Đức Thịnh bức xúc khi không gian thiêng của đền đang bị ảnh hưởng bởi trong khuôn viên đền còn có cả hàng quán bán nước, đồ ăn vặt. Trước đây còn xảy ra hiện tượng bói bài, người vào bói bài phải đóng phí… "Những hành vi này làm ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm ở ngôi đền, cần sớm chấn chỉnh", bà Thịnh nói.

Mong muốn siết chặt công tác quản lý tại di tích Đền Rừng, đưa các hoạt động phục vụ nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng ở đây đi vào nề nếp, người dân sống quanh khu vực đền và những thành viên gắn bó lâu năm, có nhiều công lao trong tu sửa, tôn tạo đền bày tỏ nguyện vọng di tích sẽ được quản lý bởi những cá nhân tâm huyết, trách nhiệm. Tuy nhiên, ngoài câu chuyện để mất tiền công đức, hiện nay, dư luận còn đặt nhiều dấu hỏi xung quanh chuyện bầu thủ nhang Đền Rừng.

Thủ nhang trước đây của Đền Rừng là cụ Đặng Thị Nhiễu, từ ngày 19.4.2020, cụ Nhiễu đã xin nghỉ. Khi đó, đại diện tiểu BQL di tích có ý kiến rằng Đền Rừng không thể thiếu thủ nhang và người hầu chứng.

Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, từ trước đến nay, thủ nhang Đền Rừng thường là người được người dân tín nhiệm, chỉ định, chưa tổ chức bầu thủ nhang như vừa qua.

Bà Lê Thị Bạch Liên mong mỏi Đền Rừng có thủ nhang có tâm, có tầm

Ông Trần Quang Bình, Phó trưởng Tiểu ban thường trực BQL Đền Rừng cho biết, việc bầu thủ nhang ở di tích Đền Rừng từ trước đến nay không có, tuy nhiên vì có những phức tạp nhất định nên phải tổ chức cuộc họp để 4 tổ dân phố 17, 18, 19, 20 giới thiệu ứng viên. Kết quả bầu lần thứ nhất được cho rằng chưa đúng quy trình nên được tổ chức lại, hiện vẫn chưa công bố kết quả.

Theo bà Trần Đức Thịnh, trong bối cảnh công tác quản lý tại di tích Đền Rừng đang có nhiều sự lộn xộn, việc tổ chức bầu để chọn thủ nhang là không phù hợp. Người được tin tưởng cử giữ vị trí thủ nhang của ngôi đền cần nhất thiết phải am hiểu tín ngưỡng, có uy tín, hợp lòng dân để tránh xảy ra những bất ổn sau này.

Bà Thịnh kiến nghị: "Khi vấn đề nổi cộm là mất tiền công đức chưa được giải quyết thì chính quyền phải chấn chỉnh, can thiệp cho ổn định. Có thể chỉ định người am hiểu về tín ngưỡng, có khả năng quản lý, có công với đền thực hiện nhiệm vụ của thủ nhang, nếu không làm tốt có thể cho nghỉ".

Bà Lê Thị Bạch Liên- 84 tuổi, tổ 17 Gia Thượng chia sẻ: "Nguyện vọng của người dân chúng tôi là Đền Rừng tìm được người có tâm, hiểu về đạo mẫu làm thủ nhang của Đền. Phải là người nói được, làm được, có uy tín, có tâm huyết giúp cho Đền, cho nhân dân".

Thực tiễn đang diễn ra tại di tích Đền Rừng cho thấy nguyện vọng của người dân về việc cần có sự chỉ đạo, sát sao hơn từ phía chính quyền nhằm đưa công tác quản lý tại di tích vào nề nếp là điều cần thiết. Việc lựa chọn đúng người giữ vị trí thủ nhang của ngôi đền, đóng góp công sức và huy động nhân lực, vật lực vì sự phát triển của ngôi đền, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân và du khách là điều hết sức cần thiết trong thời điểm hiện nay./.

Hồng Hà

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/ha-noi-can-tang-cuong-cong-tac-quan-ly-tai-di-tich-den-rung-20231120134421149.htm