Hà Nội: Cần tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về môi trường

Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền ký ban hành Kế hoạch 305/KH-UBND về việc triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương Hà Nội năm 2024.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến công tác bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ của kế hoạch.

Để thực hiện theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Quyết định số 1375/QĐ-TTg ngày 08/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương giai đoạn 2020-2025; Kế hoạch số 128/KH-UBND ngày 20/4/2023 của UBND Thành phố Hà Nội về công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương Hà Nội đến năm 2025, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương Hà Nội năm 2024. Kế hoạch đã được Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền ký ban hành.

Kế hoạch được ban hành với mục tiêu triển khai có hiệu quả, thiết thực các nhiệm vụ của ngành Công Thương trong công tác bảo vệ môi trường năm 2024 theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành; Quyết định số 1375/QĐ-TTg ngày 08/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương giai đoạn 2020-2025; Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 15/7/2019 của Bộ Công Thương về tăng cường các biện pháp giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Công Thương.

Đồng thời, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ngành Công Thương để ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu, khai thác, sử dụng của con người làm nguồn tài nguyên hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, các bên cũng chủ động triển khai các hành động thiết thực hưởng ứng việc bảo vệ môi trường ngành Công Thương trên các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, phát triển hệ thống hạ tầng công nghiệp, kinh doanh thương mại... Khuyến khích các doanh nghiệp ngành Công Thương triển khai các hoạt động phát triển công nghiệp môi trường, kinh tế tuần hoàn cụ thể nhằm giảm thiểu tác động về môi trường trong hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Tiếp đó, chủ động triển khai các cơ chế, chính sách liên quan nhằm tạo điều kiện, khuyến khích tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực Công Thương tham gia thực hiện đầy đủ các quy định liên quan đến công tác bảo vệ môi trường.

Với những mục tiêu đặt ra ở trên, kế hoạch lần này ban hành nội dụng nhiệm vụ như sau: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến công tác bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành, các chương trình, đề án, chỉ thị, kế hoạch của Chính phủ, Bộ Công Thương, Thành phố có liên quan đến công nghiệp môi trường, kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực Công Thương trên địa bàn Thành phố thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các lớp tập huấn phổ biến, giáo dục pháp luật về công nghiệp môi trường, kinh tế tuần hoàn gắn với công tác bảo vệ môi trường; Tăng cường trao đổi học tập kinh nghiệm công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực Công Thương với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước.

Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cụm công nghiệp sản xuất, lưu giữ hóa chất tập trung bảo đảm an toàn trong hoạt động hóa chất và các quy định bảo vệ môi trường; tiếp tục xây dựng các cụm công nghiệp để tách các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi các làng, khu dân cư; xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường ở các khu, cụm công nghiệp và làng nghề theo Kế hoạch số 307/KH-UBND ngày 27/12/2021 của UBND Thành phố Hà Nội về tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, các khu, cụm công nghiệp giai đoạn 2021-2025.

Các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác ứng dụng, chuyển giao các công nghệ tiên tiến, phù hợp phục vụ công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương; hạn chế việc sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học từ các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ... Từng bước vận động thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa, góp phần giảm thiểu chất thải nhựa ra môi trường.

Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý môi trường, giảm nhẹ phát thải nhà kính trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại.

Tham gia đánh giá hiện trạng công nghệ sản xuất, nguồn phát thải, rủi ro, sự cố môi trường của một số loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường... để xây dựng chính sách quản lý, kiểm soát phù hợp.

Thành phố cũng chỉ đạo, cần tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về môi trường tại các làng nghề, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; kiểm soát các nguồn chất thải nguy hiểm.

Thực hiện hiệu quả công tác thống kê, khai báo, quản lý và sử dụng cơ sở dữ liệu môi trường ngành Công Thương theo quy định; Trao đổi học tập kinh nghiệm công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực Công Thương tại các tỉnh, thành phố.

Thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện đến các Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các ngành có liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường đối với tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại và công nghiệp theo thẩm quyền. Trong đó, Sở Công Thương có vai trò chủ trì, phối hợp cùng các Sở, ban, ngành khác trong kế hoạch lần này.

Vũ Trung

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/ha-noi-can-tang-cuong-cong-tac-phoi-hop-thanh-tra-kiem-tra-xu-ly-vi-pham-ve-moi-truong-367124.html