Hà Nội: Các quận cùng nhiều huyện ngoại thành 'vượt khó'

Các quận ở trung tâm có điều kiện ngân sách tốt hơn hỗ trợ các huyện nghèo xây dựng cơ sở vật chất, phong trào trường giúp trường đã được triển khai rộng khắp với mục tiêu nâng cao chất lượng dạy học, xóa đói giảm nghèo, cung cấp thêm nguồn lực để hoàn thiện các thiết chế nông thôn là mô hình sáng tạo và riêng có của Hà Nội để chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới (NTM).

Đại diện ngành giáo dục quận Nam Từ Liêm tặng quà đỡ đầu các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn huyện Mỹ Đức với số tiền 240 triệu đồng. Ảnh: Ngọc Minh

“Trường giúp trường”

Phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển, thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” giai đoạn 2023-2025 do Sở GD&ĐT Hà Nội phát động với mục đích tăng cường kết nối trao đổi chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý các hoạt động giáo dục nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dạy học, thu hẹp khoảng cách chất lượng giáo dục giữa quận và huyện, giữa các trường nội thành với các trường ngoại thành.

Giai đoạn 2022 - 2025, ngành giáo dục quận Nam Từ Liêm đã dành số tiền 240 triệu đồng đỡ đầu học sinh hoàn cảnh khó khăn huyện Mỹ Đức; tặng 2 suất quà cho giáo viên và học sinh đặc biệt khó khăn huyện Mỹ Đức mỗi suất 10 triệu đồng; đỡ đầu học sinh hoàn cảnh khó khăn quận Nam Từ Liêm với tổng số tiền 129 triệu đồng.

Nhằm phối hợp tổ chức phong trào, hai đơn vị cũng thành lập tổ công tác xây dựng thực hiện kế hoạch hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn cho các đơn vị nhà trường gặp khó khăn về đội ngũ và chất lượng chuyên môn.

Mỗi cấp học tại quận Nam Từ Liêm và huyện Mỹ Đức thành lập 1 tổ công tác có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, giao việc cho các thành viên để thực hiện tốt khâu phối hợp, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm quản lý cho các đơn vị bạn gặp khó khăn về đội ngũ và chất lượng chuyên môn.

Cùng với đó, Phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm chỉ đạo các trường trên địa bàn rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; tham mưu UBND quận Nam Từ Liêm và UBND huyện Mỹ Đức đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các nhà trường; Huy động nguồn lực trong và ngoài trường để hỗ trợ các trường khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học...

Tính đến nay, đã có 28 đơn vị Phòng GD&ĐT trên địa bàn TP Hà Nội chủ động kết nối và ký kết biên bản ghi nhớ thực hiện phong trào. Qua các sự kết nối này, chắn chắn sẽ có nhiều kinh nghiệm hay, mô hình tốt được trao đổi, nhân rộng và người thụ hưởng chính là các thầy cô giáo, các em học sinh.

Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Tây Hồ trao tặng quà và kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà với gia đình chị Nguyễn Thị Tuyến (thôn Vân Đình, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa). Ảnh: Ngọc Anh

Thay đổi diện mạo nhiều xã khó khăn của Thủ đô

Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025, trong những năm qua, quận Tây Hồ luôn dành nguồn ngân sách lớn để hỗ trợ các địa phương gặp khó khăn trong việc đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng NTM.

Từ năm 2011 đến nay, quận Tây Hồ đã dành gần 400 tỷ đồng hỗ trợ các huyện ngoại thành của Thủ đô. Đặc biệt, riêng từ năm 2021 đến nay, quận Tây Hồ đã đóng góp hỗ trợ tới 210,8 tỷ đồng. Đây là quận dành nhiều kinh phí nhất (chiếm gần 50% trong tổng số 444,5 tỷ đồng tổng nguồn hỗ trợ của các quận) cho 6 huyện ngoại thành gồm: Mỹ Đức, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Mê Linh, Phú Xuyên và Phúc Thọ thực hiện mục tiêu xây dựng NTM.

Trước đó, trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2020, quận Tây Hồ đã trích ngân sách gần 100 tỷ đồng để hỗ trợ các huyện như Quốc Oai, Ứng Hòa… phát triển hạ tầng xây dựng NTM. Trong đó, huyện Quốc Oai là hơn 34 tỷ đồng, Ứng Hòa là 35 tỷ đồng…

Ngày 5/8 vừa qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Tây Hồ phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ứng Hòa tổ chức lễ khánh thành và trao tặng kinh phí hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết trên địa bàn thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa.

Theo đồng chí Cao Mạnh Đồng - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ứng Hòa, thời gian qua, huyện Ứng Hòa đã nhận được sự chung tay giúp sức của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là quận Tây Hồ trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng NTM.

Trước năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của huyện lên đến 13%, tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,08% (46 hộ nghèo). Dẫu vậy, số lượng hộ cận nghèo của huyện vẫn còn xấp xỉ 2.000 hộ, với trên 300 ngôi nhà cần được xây sửa. Theo tính toán sơ bộ, huyện sẽ cần từ 8 đến 10 năm nữa để hoàn thành việc xây sửa các ngôi nhà bị xuống cấp cho các hộ nghèo và cận nghèo. Do đó, sự hỗ trợ quan tâm, sẻ chia khó khăn, hỗ trợ nguồn lực của các đơn vị đối với huyện để nâng cấp hạ tầng kinh tế - văn hóa - xã hội là điều vô cùng trân quý...

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Tây Hồ Trần Quang Đạo cho biết, ngôi nhà là món quà thể hiện sự quan tâm, đồng hành hỗ trợ của lãnh đạo huyện Ứng Hòa, thị trấn Vân Đình, bà con thôn, xóm đối với gia đình chị Nguyễn Thị Tuyến. Đây cũng là minh chứng của sự kết nghĩa chân thành, tình cảm nhiều năm qua giữa quận Tây Hồ và huyện Ứng Hòa, đồng thời thể hiện nỗ lực của quận Tây Hồ “vượt khó” cùng các huyện ngoại thành. Với sự giúp sức này, gia đình chị Nguyễn Thị Tuyến sẽ ổn định, an cư lạc nghiệp, phấn đấu vươn lên thoát nghèo.

Tại huyện Phúc Thọ, từ đầu năm 2023 đến nay, số bệnh nhân đến khám ở Trạm y tế xã Thanh Đa, đã đông gấp đôi so với trước. Lý do là bởi cơ sở này vừa được xây mới và nâng cấp với nguồn kinh phí được hỗ trợ từ quận Hà Đông. Trang thiết bị đầy đủ hơn lại có thêm bác sĩ y học cổ truyền mới về. Ngoài trạm y tế xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ còn nhận được sự hỗ trợ hơn 60 tỷ đồng từ các quận Long Biên, Tây Hồ để xây dựng 2 trường mầm non Tam Hiệp và Phụng Thượng. Hơn 10 năm kể từ ngày chương trình bắt đầu, đến nay, đã có 8 quận tham gia giúp đỡ các huyện khó khăn với tổng kinh phí gần 1.300 tỷ đồng.

Nhờ có thêm sự hỗ trợ ấy, 100% xã của Hà Nội đã đạt chuẩn NTM. Những nhà văn hóa, nơi sinh hoạt của cộng đồng được xây mới, điện đường trường trạm ngày càng hoàn thiện hơn. Người dân được thực sự thụ hưởng những thành quả của NTM. Đó cũng là cơ sở để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các địa phương trong cùng một TP.

Các quận ở trung tâm có điều kiện ngân sách tốt hơn hỗ trợ các huyện nghèo xây dựng cơ sở vật chất, cung cấp thêm nguồn lực để hoàn thiện các thiết chế nông thôn là mô hình sáng tạo và riêng có của Hà Nội để chung tay, góp sức xây dựng NTM. Từ một mô hình, đến nay, phong trào này đã góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo nhiều xã khó khăn của Thủ đô.

Thái Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-cac-quan-cung-nhieu-huyen-ngoai-thanh-vuot-kho-347258.html