Hà Nam: Trạm trộn bê tông Tuấn Hùng hoạt động sai phép

Mặc dù có lệnh tháo dỡ di dời trạm trộn bê tông xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp ở xã Kim Bình từ năm 2018, nhưng không hiểu vì lý di gì đến, nay trạm trộn bê tông của Công ty Tuấn Hùng vẫn ngang nhiên tồn tại.

Theo tìm hiểu của PV, trạm trộn bê tông Tuấn Hùng thuộc Công ty TNHH bê tông Tuấn Hùng có địa chỉ tại thôn Kim Thượng, xã Kim Bình, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam do bà Mai Thị Chung làm Giám đốc.

Được biết, trạm trộn bê tông Thịnh Cường được xây dựng trên địa bàn thị trấn Quế và đi vào hoạt động từ đầu năm 2017 trên diện tích hàng nghìn m2 đất nông nghiệp.

Trạm trộn bê tông của Công ty Tuấn Hùng hoạt động trái phép trên đất nông nghiệp mặc dù có lệnh tháo dỡ, nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động.

Trao đổi với PV, một người dân địa phương cho biết: “Trạm trộn bê tông này hoạt động từ đầu năm 2017 đến nay, xe ra vào tấp nập chở vật liệu như đá, cát xi măng phục vụ người dân trong địa bàn TP Phủ Lý và huyện Kim Bảng khi có nhu cầu.

Tuy nhiên quá trình hoạt động trạm trộn bê tông này đã để lại nhiều hệ luy khiến hệ thống đường giao thông có dấu hiệu xuống cấp, khi xe bồn chở xi măng tươi, xe chở cát, chở đá ra vào trạm như một đại công trường, che chắn sơ sài khiến cho bê tông tươi, cát, sỏi rơi vãi, trời nắng thì bụi bay mù mịt, ngày mưa thì bùn đất lầy lội”.

Tuyến đường đê sông Đáy mặc dù được đổ bê tông, nhưng cũng có dấu hiệu xuống cấp vì phải gánh chịu hàng trăm lượt xe từ trạm trộn bê tông Tuấn Hùng.

Theo quan sát của PV, trạm trộn bê tông này được xây dựng ngay sát đường tránh, nơi có lượng xe tải lưu thông lớn.

Lượng xe ra vào trạm trộn rất nhộn nhịp. Do đường đi vào trạm trộn không được đổ bê tông nên mỗi khi xe lưu thông ra vào trạm trộn là kéo theo đất cát ra đường gây bụi mù mịt, mưa thì lầy lội, cát phủ trắng từng con đường và cây cối xung quanh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và môi trường xung quanh.

Chưa hết, theo quan sát, bên trong trạm trộn không hề có các bể lắng lọc nước thải, phế thải bê tông được đổ tràn lan ra khu vực xung quanh, thậm chí đổ sát ra cả đường, ra ruộng của người dân.

Nước thải lẫn xi măng chảy tràn lan quanh khu vực trạm trộn và ra ngoài môi trường mà không được xử lý, gây ô nhiễm cho khu vực này.

Trạm trộn bê tông này xả thải trực tiếp ra môi trường bề mặt của trạm trộn.

Tìm hiểu của PV được biết, ngày 16/2/2017, UBND xã Kim Bình đã ký hợp đồng giao thầu khoán số 06 cho bà Mai Thị Kim Chung, Giám đốc Công ty TNHH Bê tông Tuấn Hùng thuê diện tích 36,2 sào đất nông nghiệp có nguồn gốc ao bể có thời hạn 5 năm đến ngày 24/11/2021 với mục đích để làm trang trại chăn nuôi.

Mục đích thuê để làm trang trại chăn nuôi nhưng Công ty TNHH Bê tông Tuấn Hùng lại xây dựng trạm trộn bê tông khiến cho người dân địa phương bức xúc.

Sau đó, đến ngày 06/11/2018, UBND xã Kim Bình đã ra văn bản yêu cầu Công ty TNHH Bê tông Tuấn Hùng thực hiện giải phóng mặt bằng khu ao bể, trả lại hiện trạng ban đầu thời gian chậm nhất đến ngày 30/6/2019.

Nếu sau thời gian trên, công ty TNHH bê tông Tuấn Hùng cố tính không giải tỏa, UBND xã sẽ cưỡng chế và công ty phải chịu trách nhiệm, xử lý theo quy định của pháp luật.

Mặc dù có “trát” yêu cầu Công ty TNHH bê tông Tuấn Hùng tiến hành tháo dỡ thiết bị máy móc để trả lại hiện trạng ban đầu, nhưng không hiểu vì lý do gì suốt từ năm 2018 đến nay, Công ty TNHH Bê tông Tuấn Hùng vẫn ngang nhiên hoạt động, xả thải trực tiếp ra môi trường.

Trụ sở UBND xã Kim Bình, TP Phủ Lý

PV Báo Pháp luật Việt Nam đã làm việc với ông Dương Bình Minh, Trưởng trạm trộn bê tông Tuấn Hùng.

Tại buổi làm việc ông Minh cho biết: “Hiện Công ty đang làm thủ tục di dời trạm để chuyển ra gần chỗ trạm trộn Thịnh Cường thuộc địa bàn Thị trấn Quế, huyện Kim Bảng.

Trạm trộn bê tông của Công ty chúng tôi hoạt động đến nay được 7 năm, chủ yếu phục vụ các khu công nghiệp và người dân địa phương.

Dự kiến trong khoảng tháng tới Công ty sẽ chuyển hẳn lên chỗ Thịnh Cường cách trạm này khoảng 1,5km.”

Khu nhà điều hành 2 tầng tại vị trí mới của Công ty TNHH bê tông Tuấn Hùng.

Quốc Bảo

Nguồn Pháp Luật Plus: https://phapluatplus.vn/ha-nam-bat-chap-lenh-thao-do-tram-tron-be-tong-cua-cong-ty-tuan-hung-van-ngang-nhien-hoat-dong-197307.html