Hà Nam sẽ thông qua 23 nghị quyết tại kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh

Sáng 4.7, HĐND tỉnh Hà Nam khai mạc Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Khóa XIX. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Thủy dự và chỉ đạo kỳ họp. Cùng dự có: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đinh Thị Lụa; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy...

Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,2%

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam Lê Thị Thủy nhấn mạnh, 6 tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ủng hộ của Trung ương và sự nỗ lực, cố gắng của các ngành, các cấp, của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Nam cơ bản giữ được ổn định. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,2%; các lĩnh vực công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch tiếp tục phục hồi, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng; công tác quy hoạch, quản lý đô thị có nhiều chuyển biến; các dự án trọng điểm được tập trung hoàn thiện thủ tục để khởi công xây dựng và khánh thành. Văn hóa - xã hội có nhiều hoạt động sôi nổi; chất lượng giáo dục được nâng lên, đã tổ chức các kỳ thi an toàn; an sinh xã hội được bảo đảm; trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống của Nhân dân ổn định.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam Lê Thị Thủy phát biểu khai mạc kỳ họp

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam Lê Thị Thủy phát biểu khai mạc kỳ họp

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: một số chỉ tiêu chưa đạt 50% kế hoạch đề ra; sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn; hiệu quả hoạt động thấp; số doanh nghiệp dừng hoạt động, giải thể tăng; thu hút đầu tư giảm so với cùng kỳ; một số nguồn thu rất khó khăn; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp; tiến độ GPMB nhiều dự án chậm; công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản, môi trường còn hạn chế; cải cách hành chính chuyển biến chậm; việc giải quyết một số ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa dứt điểm, chưa đúng tiến độ đã cam kết.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Thủy đề nghị: HĐND tỉnh tập trung thảo luận, phân tích cụ thể, đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Nhất là, trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội; việc tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện để doanh nghiệp duy trì sản xuất - kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động; việc thu - chi ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công; tiến độ các dự án trọng điểm; việc xử lý các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đất đai, khoáng sản, môi trường…, làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và trách nhiệm của các ngành, các cấp. Từ đó, có các giải pháp cụ thể, hiệu quả để vượt qua khó khăn, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023 đã đề ra, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của cả giai đoạn 2021-2025.

Các đại biểu tham dự kỳ họp

Các đại biểu tham dự kỳ họp

Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh thảo luận, đóng góp ý kiến tâm huyết, sâu sắc, làm cơ sở để HĐND tỉnh xem xét thông qua 22 Nghị quyết; trong đó có 2 nghị quyết do Thường trực HĐND tỉnh chuẩn bị và 20 nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm và các cơ chế - chính sách trong các lĩnh vực: kế hoạch - đầu tư; tài chính - ngân sách; đất đai, khoáng sản; quy hoạch, đô thị; giáo dục - đào tạo; lao động xã hội...

Kịp thời gỡ khó, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy khẳng định: Trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp khó khăn, có dấu hiệu chững lại thậm chí giảm sút, kinh tế của tỉnh Hà Nam 6 tháng cuối năm cũng không ngoại lệ. Một số chỉ tiêu kinh tế của tỉnh đã đề ra đầu năm khó có khả năng hoàn thành, hoặc không thể đạt mục tiêu, như chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP), GRDP bình quân đầu người, vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn, năng suất lao động. Tuy nhiên, với phương châm nỗ lực cố gắng vượt qua khó khăn, tỉnh Hà Nam quyết tâm thực hiện các chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra. Cụ thể: phấn đấu, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP - giá SS 2010) đạt 50.764,4 tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2022; GRDP bình quân đầu người đạt 98,7 triệu đồng, tăng 13,4% so với năm 2022; thu cân đối ngân sách Nhà nước đạt 13.454 tỷ đồng, đạt 100% chỉ tiêu HĐND tỉnh giao; vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn đạt 42.600 tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm 2022, chiếm 48,9% GRDP - giá hiện hành; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,49%, giảm 0,2% so với thực hiện năm 2022;….

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể: huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; nâng cao hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2023; kịp thời cập nhật, công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng phù hợp giá thị trường; rà soát, cắt giảm, điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 đối với các công trình, dự án được bố trí kế hoạch vốn năm 2023 nhưng không đảm bảo điều kiện thanh toán theo thời gian quy định; thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển đô thị, tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản. Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố xây dựng các chương trình, đề án đề nghị nâng loại đô thị theo quy định; rà soát các cơ chế, chính sách đã ban hành; nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân. Tập trung huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh đảm bảo thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.

Bên cạnh đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là doanh nghiệp có dự án mới hoàn thành đi vào sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19. Tổ chức thực hiện chương trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án. Củng cố, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ gắn với tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu, cụm công nghiệp. Tập trung thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng xã hội, các dịch vụ phục vụ hoạt động của các khu công nghiệp như nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở chuyên gia, các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, các công trình công cộng, công trình phúc lợi xã hội, trường học, bệnh viện...; tạo điều kiện cho người lao động có chỗ ở ổn định gắn bó lâu dài với doanh nghiệp và với tỉnh Hà Nam.

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu kỳ họp

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu kỳ họp

Trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, UBND tỉnh tập trung thu hút đầu tư phát triển du lịch văn hóa, lịch sử theo định hướng gắn kết thành các chuỗi du lịch -dịch vụ nội tỉnh, liên tỉnh: Khu du lịch Tam Chúc, đền Trần Thương, đền Lảnh Giang, đền Đức Thánh Cả, chùa Long Đọi Sơn, chùa Bà Đanh, chùa Địa Tạng…; tập trung thu hút đầu tư theo quy hoạch phân khu chức năng Khu du lịch Tam Chúc. Tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, gắn kết hợp tác với các tỉnh, thành phố trong vùng để phát triển du lịch. Đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm về thương mại, dịch vụ.

UBND tỉnh cũng chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính; chấn chỉnh cán bộ, công chức có hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Phấn đấu năm 2023, điểm chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) đạt 45,3 điểm; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đạt 63,5 điểm; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đạt 84 điểm. Nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam Bùi Văn Hoàng báo cáo hoạt động của HĐND tỉnh 6 tháng đầu năm 2023

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam Bùi Văn Hoàng báo cáo hoạt động của HĐND tỉnh 6 tháng đầu năm 2023

Tại phiên khai mạc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Văn Hoàng đã báo cáo về kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của HĐND tỉnh. HĐND tỉnh cũng nghe Báo cáo tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị cử tri trước và sau kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa XIX và kết quả thực hiện Nghị quyết số 95/NQ-HDND ngày 9.12.2022 của HĐND tỉnh và các báo cáo của các cơ quan hữu quan.

Toàn cảnh kỳ họp

Toàn cảnh kỳ họp

Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Hà Nam khóa XIX dự kiến bế mạc ngày 6.7.

Trọng Hiếu - Đào Cảnh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-dong/ha-nam-se-thong-qua-22-nghi-quyet-tai-ky-hop-thu-13-hdnd-tinh-i334850/