Hạ chuẩn môi trường để xử lý tro, xỉ: Dễ dãi thế?

'Không thể nới lỏng quy chuẩn mới cho nhà máy cũ. Các doanh nghiệp phải thấy những vấn đề chưa làm được và coi là đó là lỗi cần phải sửa chữa'.

Nguy cơ ô nhiễm cao

Để giải quyết vấn đề tro, xỉ tồn đọng không có chỗ chứa từ các nhà máy nhiệt điện than, một số bộ ngành đã đề xuất nới lỏng hay hạ chuẩn môi trường để gỡ khó cho các nhà máy này.

Chẳng hạn như: khi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp nhiệt điện (QCVN 22/2009/BTNMT) áp dụng cho các nhà máy nhiệt điện được Bộ TN-MT ban hành, Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt VN đã đề xuất những nhà máy nhiệt điện được phê duyệt trước khi ban hành quy chuẩn này được tiếp tục áp dụng các chỉ tiêu phát thải đã phê duyệt trong thời gian vận hành còn lại của nhà máy.

Trao đổi với Đất Việt, GS-TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường (ĐH Công nghiệp TP.HCM) khẳng định bản thân không đồng ý với việc nới lỏng hay hạ chuẩn môi trường để gỡ khó cho các nhà máy nhiệt điện than.

Theo ông Bá, các nhà máy hoạt động trước hay sau khi ra đời các quy chuẩn mới đều phải đảm bảo điều kiện về tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường.

Các chuyên gia không đồng ý việc hạ chuẩn môi trường để xử lý tro xỉ

Hơn nữa các quy chuẩn mới ra đời là để điều chỉnh những hành vi, tiêu chuẩn cũ không đảm bảo, còn nhiều hạn chế.

“Không thể nới lỏng quy chuẩn mới cho nhà máy cũ. Nó phải bắt buộc tất cả các thành viên, trong nhiều ngành nghề tuân theo. Chúng ta không thể suy tính theo kiểu để phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người dân mà giữ nguyên tiêu chuẩn cũ ở các nhà máy nhiệt điện than.

Các doanh nghiệp phải thấy những vấn đề chưa làm được và coi là đó là lỗi cần phải sửa chữa”, ông Bá khẳng định.

Một vấn đề khác được GS Lê Huy Bá đề cập đến đó là vấn đề tro, xỉ rất nguy hiểm và tiềm ẩm nhiều nguy cơ về ô nhiễm môi trường không khí. Do đó việc đưa ra các quy chuẩn mới để các nhà máy nhiệt điện than điều chỉnh là việc bắt buộc phải làm.

Ông Bá nhắc lại trường hợp nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân trong quá trình thi công bãi xỉ than đã gây khói bụi, ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng do không thực hiện đúng với đánh giá tác động môi trường đã được duyệt.

“Tôi không ủng hộ nhiệt điện như kiểu Vĩnh Tân. Tro, xỉ bay khắp nơi và có thể gây ra hiện tượng ô nhiễm không khí.

Trung Quốc trước kia cũng có thời kỳ ô nhiễm nặng tuy nhiên bây giờ quốc gia này đã cương quyết xóa bỏ nhiệt điện, nhất là nhiệt điện than. Trong khi chúng ta lấy máy móc, công nghệ cũ của họ về xong áp dụng cho đất nước mình. Như vậy thì làm sao đảm bảo được?”, ông Bá dẫn chứng.

PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và Bảo vệ môi trường thừa nhận từ trước đến nay đối với quy chuẩn Việt Nam không có luật hồi tố.

Tức là khi cơ quan nhà nước đã ban hành quy chuẩn mới thì không bắt những nhà máy, doanh nghiệp đã được phê duyệt và đang hoạt động buộc phải thay đổi theo quy chuẩn mới. Tuy nhiên theo ông Sỹ trong một số trường hợp, nhà nước vẫn yêu cầu doanh nghiệp chuyển đổi theo lộ trình.

“Tôi ủng hộ quan điểm ban hành quy chuẩn mới và bắt buộc các doanh nghiệp mới phải tuân theo. Đối với các nhà máy cũ thì cần lộ trình để thay đổi công nghệ, thay đổi đầu tư bổ sung để đạt được cái mới chứ không thể bắt làm ngay được”, ông Sỹ khẳng định.

Không được ưu ái nhiệt điện than

GS-TSKH Lê Huy Bá cũng nhắc đên việc đại diện nhà máy Mông Dương cũng đề nghị đưa chi phí xử lý tro xỉ, xử lý môi trường vào giá thành để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn.

Ông Bá cho rằng đòi hỏi của doanh nghiệp không chính đáng và sẽ làm cho giá điện bị đẩy lên cao so với thời điểm hiện tại.

Theo vị chuyên gia, chúng ta không thể tiếp tục ưu ái hoặc rơi vào tình thế “đâm lao phải theo lao” đối với lĩnh vực nhiệt điện than. Đây là lĩnh vực tiềm ẩm nhiều nguy cơ về ô nhiễm môi trường nên cần phải có những tính toán thận trọng, hợp lý.

“Trước đây trong quy hoạch, chủ trương của chúng ta là nhiệt điện giảm xuống còn điện mặt trời, tái tạo, năng lượng sạch tăng lên. Tuy nhiên hiện nay tôi không hiểu chúng ta lại đặt chỉ tiêu nhiệt điện chiếm khoảng 45% sản lượng điện của cả nước.

Chúng ta phải thấy rằng một quốc gia như Nhật Bản có công nghệ tiên tiến còn xảy ra vấn đề ô nhiễm thì đối với Việt Nam hoàn toàn có thể xảy ra.

Hơn nữa khu vực ĐB SCL cũng đang hướng tới xây dựng hàng loạt nhà máy nhiệt điện mới. Tôi nghĩ chỉ 1 vài ba năm nữa nhiệt điện than đi vào hoạt động thì còn nguy hiểm hơn. Chúng ta phải hướng tới năng lượng sạch, năng lượng tái tạo thay vì tập trung phát triển nhiệt điện”, ông Bá nhấn mạnh.

PGS.TS Phùng Chí Sỹ cũng thừa nhận nhiều người đã đặt ra vấn đề xem xét lại quy hoạch điện VII. Vì thực chất trong quy hoạch này vẫn lấy nhiệt điện than là quan trọng nhất. Một số điện năng lượng tái tạo thì năm 2030 chỉ đóng góp một tỷ lệ rất nhỏ từ 5-7%.

“Theo xu hướng hiện nay nếu chúng ta làm vậy sẽ không phù hợp. Gần đây ở Việt Nam đang có rất nhiều dự án về nhiệt điện gió, năng lượng mặt trời, nhiệt từ đốt rác sinh hoạt đi vào hoạt động.

Nếu như cộng tổng các nhà máy đó vào thì đã vượt quá mức quy hoạch điện VII”, ông Sỹ nhấn mạnh.

Từ vấn đề trên, vị chuyên gia đề nghị rà soát lại quy hoạch điện VII và tăng cường sản lượng điện tái tạo vốn có nhiều tiềm năng.

“Tôi thấy đây là hướng đi hợp lý. Chúng ta đặt ra yêu cầu phát triển năng lượng xanh, phát triển bền vững, giảm tác động khí nhà kính. Đó là hướng phải làm và triển khai rộng trong thời gian tới”, ông Sỹ nêu quan điểm.

Hoàng Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/cong-nghe/ha-chuan-moi-truong-de-xu-ly-tro-xi-de-dai-the-3343047/