'Hạ cánh khẩn cấp' - bom tấn Hàn lãng phí dàn sao hạng A

Thời lượng dài và cốt truyện cũ kỹ khiến 'Emergency Declaration' mất điểm. Ngay cả dàn diễn viên hạng A cũng không thể cứu được kịch bản đi vào lối mòn.

Thể loại: Hành động, tâm lý, giật gân
Đạo diễn: Jae Rim Han
Diễn viên: Song Kang Ho, Lee Byung Hun, Joen Do Yoen
Đánh giá: 6.5/10

Hình ảnh trong phim Hạ cánh khẩn cấp.

(*) Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim

Khi 150 hành khách trong Emergency Declaration (Tựa Việt: Hạ cánh khẩn cấp) leo lên chuyến bay số hiệu KI501, họ không hề nghĩ đến việc xảy ra sự cố hoặc tai nạn. Ai cũng mong được rời Seoul đến Hawaii an toàn, nhanh chóng.

Thế nhưng, một gã tâm thần lại muốn tất cả phải chết, đồng thời biến KI501 trở thành công cụ thực hiện vụ khủng bố sinh học.

Giữa thế lưỡng nan, phi công Hyun Soo (Kim Nam Gil) phải xử lý thảm họa bằng cách phối hợp đồng nghiệp cũ Jae Hyuk (Lee Byung Hun) – hiện là hành khách đi cùng con gái.

Kịch bản thiếu bất ngờ

Tên phim bắt nguồn từ một tình huống hiếm gặp trên máy bay. Khi phi công tuyên bố “hạ cánh khẩn cấp” nghĩa là chuyến bay đang gặp vấn đề, cấp độ nguy hiểm ở mức báo động. Thông thường, họ sẽ tìm cách tiếp đất ngay lập tức hoặc chuyển hướng đến khi có thể hạ cánh an toàn.

Dựa trên ý tưởng đó, đạo diễn kiêm biên kịch Jae Rim Han nhào nặn một tác phẩm có đề tài thảm họa lấy bối cảnh trên không.

Phi công Hyun Soo (Kim Nam Gil) đang điều khiển máy bay KI501 bị khủng bố.

Chuyện phim không mới, gợi nhớ hàng loạt dự án Hollywood. Chẳng hạn, United 93 (2006) lấy cảm hứng từ vụ khủng bố ngày 11/9 hay Sully (2006) kể về phi công cùng tên, tìm cách hạ cánh khẩn cấp để cứu 155 hành khách thoát chết. Thậm chí, số lượng phim cùng chủ đề nhiều đến mức tạo thành tiểu thể loại mang tên “Air Disaster” (thảm họa máy bay).

Cách dẫn dắt câu chuyện cũng đơn giản, theo trật tự tuyến tính thông thường. Ở những cảnh đầu, phim đưa người xem bước vào sân bay quốc tế Incheon - nơi các hành khách làm thủ tục lên chuyến bay số hiệu KI501.

Đạo diễn mất tầm nửa tiếng để giới thiệu nhân vật và sắp đặt tình huống. Những gì diễn ra sau đó đều có thể đoán được ngay từ trailer: Khủng bố bắt đầu, hành khách hỗn loạn, chính phủ vào cuộc để giải quyết vấn đề.

Trước sự kiện kinh hoàng, cái kết dành cho hành khách chỉ có một, hoặc sống hoặc chết. Do đó, phim không mang lại nhiều yếu tố bất ngờ. Dù thuộc thể loại giật gân, tác phẩm thiếu những cú twist khiến người xem phải xoắn não hay thót tim.

Phần lớn các cảnh quay tập trung mô tả tâm lý con người khi đối diện vấn đề. Mọi cảm xúc sợ hãi, tức giận, đau đớn, hạnh phúc… đều được tái hiện trên màn ảnh. Đôi lúc phim chệch hướng, trở thành bộ melodrama đậm chất Hàn Quốc với nhiều cảnh não nề, lấy nước mắt khán giả.

Sáng tạo duy nhất của đạo diễn họ Jae là cách thức khủng bố. Kẻ thủ ác tìm cách phát tán virus gây bệnh trên máy bay, khiến người nhiễm nổi mề đay như mắc bệnh chàm, sau đó chết sớm hoặc muộn tùy đối tượng.

Tuy nhiên, yếu tố này không được phát triển quá sâu, chỉ là bàn đạp để đẩy con người vào thế nguy cấp.

Công thức làm phim cũ kỹ

Hàn Quốc vốn không phải đất nước xa lạ với dòng phim thảm họa. Họ từng làm về quái vật sông Hàn trong The Host (2006), giả lập sóng thần trong Tidal Wave (2009), khiến núi lửa phun trào trong Ashfall (2019). Bên cạnh chủ đề, cả ba tác phẩm đều có điểm chung là rất ăn khách, có mặt trong danh sách 30 phim Hàn đạt doanh thu cao nhất mọi thời.

Dự án gây chú ý khi quy tụ ba ngôi sao Song Kang Ho, Lee Byung Hun và Jeon Do Yeon.

Các nhà sản xuất xứ kim chi rất thành công khi luôn biết cách thay đổi, lôi kéo khán giả ra rạp xem cách con người đối diện cái chết. Thậm chí, họ từng dự đoán về một đại dịch tương tự Covid-19 từ nhiều năm trước trong Flu (2013).

Bản thân Jae Rim Han cũng là đạo diễn kinh nghiệm. Bắt đầu làm phim từ năm 2003, anh từng có bước ngoặt lớn trong sự nghiệp khi thực hiện The Face Reader (2013) - một trong những tác phẩm ăn khách nhất Hàn Quốc khi ra mắt.

Trở lại sau 5 năm vắng bóng kể từ The King (2017), đạo diễn họ Jae lại gây thất vọng lớn với một câu chuyện cũ kỹ, đồng thời cho thấy sự hụt hơi trong việc dẫn dắt phim.

Trước khi ra mắt, nhiều nguồn tin ví Emergency Declaration như “phiên bản trên không” của Train To Busan – bom tấn Hàn lấy đề tài xác sống từng đại thắng phòng vé năm 2016. Về cơ bản, tác phẩm có công thức tương tự khi quy tụ dàn sao, kinh phí lớn, xấp xỉ 26 tỷ won (gần 19,2 triệu USD).

Thế nhưng, kết quả thực tế lại hoàn toàn khác. Phim có nhịp điệu chậm chạp thay vì gấp gáp, tạo cảm giác mệt mỏi thay vì hồi hộp, kết thúc lửng lơ thay vì xúc động.

Kể lại câu chuyện, đạo diễn liên tục hoán đổi giữa hai bối cảnh tách biệt. Trên máy bay, mọi người rơi vào tình thế sinh tử. Dưới mặt đất, bộ trưởng Sook Hee (Jeon Do Yeon) phải tìm cách ngăn chặn thảm họa từ xa. Cùng lúc đó, cảnh sát In Ho (Song Kang Ho) cũng thấy bế tắc vì không thể làm gì khi vợ đang mắc kẹt trên không.

Phim liên tục hoán đổi hai bối cảnh trên không và dưới đất.

Vì là chuyến bay quốc tế, số phận các hành khách trên KI501 còn phụ thuộc vào một số quốc gia khác. Qua đó, đạo diễn lồng ghép yếu tố chính trị để đẩy mạnh kịch tính, xây dựng những chi tiết gây mâu thuẫn giữa người với người, giữa nước này với nước khác.

Việc tham lam thêm thắt các nhân vật, phát triển tuyến truyện phụ khiến thời lượng dài (141 phút). Thay vì biên tập gọn gàng, tác phẩm tạo cảm giác lan man như phim truyền hình, nhất là ở hồi cuối.

Ai cũng có bi kịch cần phải kể. Ai cũng có số phận cần được cảm thông.

Lãng phí dàn sao

Không khó để nhận ra tham vọng của nhà sản xuất khi đặt những cái tên Song Kang Ho, Lee Byung Hun và Jeon Do Yeon đứng cùng nhau. Cả ba đều gặt hái thành công trong nước lẫn quốc tế, thắng nhiều giải thưởng điện ảnh lớn nhỏ. Thậm chí, chỉ cần một trong ba đã đủ bảo chứng cho chất lượng lẫn khả năng hút khách của tác phẩm.

Đáng tiếc, các ngôi sao đều vụt tắt trước một kịch bản nhạt nhòa.

Song Kang Ho bi kịch quá mức trong vai cảnh sát bất chấp tất cả vì gia đình. Jeon Do Yeon không có đất diễn khi hóa thân nữ bộ trưởng bị động.

Lee Byung Hun thì trở thành phiên bản khác của Gong Yoo trong Train To Busan. Cả hai đều đóng vai một người cha đơn thân yêu con gái hơn cả sinh mạng.

Dù cùng xuất hiện trong tác phẩm, các minh tinh tài tử không có nhiều cơ hội để phối hợp, tung hứng trong cùng một cảnh quay.

Dàn diễn viên phụ trong phim cũng đều là những gương mặt nổi tiếng.

Ngoài bộ ba, phim còn quy tụ hàng loạt ngôi sao như Kim Nam Gil, Park Hae Joon, Seol In Ah... Các diễn viên đều tròn vai nhưng không ai thực sự nổi bật.

Ngay cả Im Si Wan - thành viên nhóm nhạc ZE:A - cũng chưa để lại nhiều ấn tượng khi đóng vai ác. Ngoài vẻ đẹp trai, diễn viên kiêm ca sĩ sinh năm 1988 không tạo cảm giác ghê rợn, sợ hãi cần có của một nhân vật phản diện. Mô-típ cũ, động cơ và mục đích chỉ là để trả thù thế giới, tương tự nhiều gã tâm thần trong những phim khác.

Trước khi phát hành chính thức, dự án ra mắt tại LHP Cannes 2021 ở hạng mục không tranh giải (Out of competition). Song, tác phẩm không được giới phê bình quốc tế đánh giá cao, nhận chứng chỉ “thối” trên Rotten Tomatoes với 48% bình chọn. Phần lớn chê kịch bản cũ kỹ, cách triển khai của đạo diễn còn dài dòng.

Trong khi đó, phản ứng của khán giả ở mức tương đối với 7.1/10 điểm trên IMDb. Một số ý kiến cho rằng phim gợi liên tưởng đến Covid-19 nhưng thực tế, dự án được lên kế hoạch sản xuất từ năm 2019, trước thời điểm bùng dịch.

Tại quê nhà, Emergency Declaration hiện đứng thứ 4 trong danh sách phim Hàn có doanh thu cao nhất năm, hút hơn 1,8 triệu người xem với tổng doanh thu 14,1 triệu USD.

Dù chưa ở mức hồi vốn, đây là tín hiệu cho thấy người Hàn vẫn chuộng xem phim thảm họa, sẵn sàng bỏ tiền ra rạp để ngắm các ngôi sao bất chấp nội dung.

Sơn Phước

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ha-canh-khan-cap-bom-tan-han-lang-phi-dan-sao-hang-a-post1345602.html