Gương sen

Truyện ngắn của Trương Thị Thúy

Thực ra nó tên là Tân nhưng tụi tôi thích gọi nó là Tân khờ, gọi riết thành quen. Giờ lúc nào cũng Tân khờ à, Tân khờ ơi, chứ có khi nào tụi tôi gọi nó bằng mỗi cái tên Tân mà cha mẹ nó đặt cho nữa đâu. Ai biểu nó khờ quá làm chi, nói gì cũng tin. Đấy, bây giờ nó nằm sốt li bì ở nhà cũng tại nó khờ quá, khờ đến nỗi ngu ngốc luôn. Vậy mà mẹ tôi lúc nào cũng nói thằng Tân nó hiền lành, thật thà, nghe phát bực.

Bọn thằng Tiến, thằng Khoa, con Nhi giờ này còn chưa ra. Bọn nó từ lúc nào lại có cái kiểu giờ cao su như thế chứ. Tôi bực dọc cầm hòn đất ném mạnh xuống đầm sen. Hòn đất không rơi ngay xuống nước mà bị cản lại bởi một lá sen to. Chiếc lá lắc lư rồi bị sức nặng của hòn đất làm cho nghiêng dần sang một bên, rồi “tủm”. Hòn đất rơi xuống nước nghe lãng nhách. Tôi khó chịu ngồi xuống, tay bứt từng cọng cỏ non bên cạnh. Nghĩ lại chuyện chiều hôm kia, tự nhiên trong lòng tôi dậy lên chút áy náy. Nhưng lỗi đâu chỉ phải riêng tôi, cả bọn đều hùa vào xúi thằng Tân khờ nữa chứ. Mà cũng tại nó cả, đúng là khờ hết phần của thiên hạ mà.

San bớt lỗi cho tụi bạn, đổ tội cho thằng Tân rồi mà sao trong lòng tôi chẳng thấy nhẹ nhõm hơn được chút nào. Bây giờ, tôi ân hận thật sự, tôi muốn đến nhà nó xem sao mà lại sợ bà nó chửi cho một trận rồi đuổi về. Như vậy thì bẽ mặt lắm.

Thằng Tân ở với bà nội nó. Bố mẹ nó đi làm ăn xa, lâu lâu mới về. Bà nó mấy hôm ốm mệt, ho rạc cả người. Nó thương bà lắm, suốt ngày quanh quẩn bên bà, chẳng chịu đi chơi với bọn tôi. Đến khi bà nó đỡ rồi, nó mới đi. Vừa chơi một tí nó đã phải về giúp bà việc nhà vì bà còn yếu. Thế là tôi nghĩ ngay ra cái trò oái oăm kia để gạt nó. Tôi bảo nó có thương bà không? Nó quả quyết thương nhất trên đời. Tôi lại hỏi có muốn bà nhanh khỏe lại không? Nó bảo đó là điều nó ao ước nhất bây giờ. Thế là tôi hạ giọng, làm vẻ bí mật nói cho nó bí quyết gia truyền của nhà tôi có thể giúp bà nó khỏe lại. Tôi đưa ánh mắt tinh quái nháy bọn thằng Tiến, Thằng Khoa, con Nhi cũng đang chụm đầu vào chờ nghe điều bí mật mà tôi chuẩn bị nói. Chúng nó nhanh chóng hiểu nên phối hợp với tôi rất ăn ý.

 Minh họa: Ngọc Khai

Minh họa: Ngọc Khai

Nghe xong, thằng Tân mắt dáo dác ngó trước nhìn sau, rồi nhờ bọn tôi đứng trên bờ canh chừng. Nó cởi áo, lúp xúp tụt xuống chân đê rồi nhanh chóng trườn mình xuống, lẩn vào đầm sen. Nó hướng tới những gương sen già cố tìm cho được gương nào có đủ năm mươi hạt. Nó như con cá lượn hết chỗ này đến chỗ kia, lâu lâu lại ngóc đầu quay về phía chúng tôi đưa hai tay lắc lắc ý rằng không có. Bọn tôi chỉ còn biết bụm miệng cười vì cái sự ngu ngốc của nó. Một gương sen giỏi lắm chỉ tầm hơn hai chục hạt, cái nào to lắm cũng chưa đến bốn chục hạt. Tôi vênh mặt với tụi bạn:

- Phen này thằng Tân khờ có tìm đến mai cũng không ra. Móc đâu ra gương sen to năm chục hạt cơ chứ.

Con Nhi ái ngại:

Thôi gọi nó lên đi, nắng thế này ngâm nước lâu bị cảm đấy. Với lại, sen toàn gai…

Tôi trừng mắt với con Nhi:

- Mày thương nó thì đi mà gọi. Xong đừng chơi với bọn tao nữa. Chơi với nó riết rồi cho mày khờ như nó luôn.

Con Nhi thấy tôi giận thì im bặt, không dám nói thêm gì nữa. Dù sao chơi với tôi vẫn vui hơn, có nhiều trò hay chứ chơi với thằng Tân thì chỉ có ngáp dài buồn ngủ. Rồi để tụi bạn đỡ buồn chán khi cứ phải chú ý theo thằng Tân dưới đầm sen, tôi bày trò khác để chơi. Bọn tôi say sưa chơi mà quên mất thằng Tân vẫn bì bõm dưới đầm sen. Đến khi, nó lóp ngóp bò lên chân đê, hí hửng reo lên khiến bọn tôi giật mình:

- Tớ tìm được rồi.

Trên tay thằng Tân là một gương sen. Mà không phải, là hai gương sen dính chặt làm một. Nó bị chặp đôi. Thằng Tân khua chân xuống nước cho sạch bùn rồi lóp ngóp bò lên mặt đê, chỗ bọn tôi đang chơi. Dù trời mùa hè nhưng ngâm nước lâu da tay nó nhăn lại, còn toàn thân trắng nhợt, vằn đỏ ngang dọc bởi bị gai sen cào. Nó vừa đưa tay gãi gãi khắp người vừa cười toe toét chìa chiếc gương sen ra:

- Đủ năm chục hạt luôn nhé.

- Nhưng đây là hai gương sen,..

Mới nghe tôi nói vậy mặt thằng Tân bỗng tiu nghỉu, tay vẫn không ngừng gãi ngứa. Con Nhi cau mày đưa tay hích vào mạng sườn tôi. Nhìn thấy cái bộ dạng của Tân như vậy tôi cũng không nỡ chọc nó thêm, liền nhanh nói:

- Hai gương chặp làm một cũng được tính. Mày may nhé, có duyên lắm mới gặp được đấy. Thôi, giờ chơi đã, tối mày mang về bóc ra nấu cho bà mày ăn, kiểu gì cũng khỏe hẳn ra.

Nhưng thằng Tân không ở lại chơi với chúng tôi. Nó không chờ được đến tối. Nó muốn về ngay, mang cái gương sen với sự nhiệm màu của nó về cho bà. Nhìn nó vội mặc áo, cầm gương sen hí hửng chạy về mà tôi không nhịn được cười. Tôi cố nín, chờ nó chạy thật xa mới bật cười “ha ha”. Bọn thằng Tiến, thằng Khoa cũng cười. Chỉ có con Nhi là làm bộ mặt khó đăm đăm. Nó bảo tôi:

- Mày xui dại nó. Nó mà bị cảm thì mày no đòn.

Tôi cự lại:

- Liên quan gì đến tao. Ai bảo nó tin… ngu thì chết chứ bệnh tật gì.

Nói thì nói vậy chứ bây giờ tôi thấy lúc đó mình đúng là đùa quá thật. Tại thằng Tân nó thương bà nó quá. Nó mong cho bà nó khỏe nên mới nghe tôi dễ dàng vậy chứ.

Tối đó về nó sốt, nằm rên hừ hừ, bà nó phải đút mãi nó mới ăn được vài thìa cháo. Người nó thì nóng ran mà lại cứ kêu lạnh, nằm co lại. Là tôi nghe bà nó kể vậy khi gần nửa đêm bà tất tả chạy sang nhà tôi hỏi xem còn viên thuốc cảm nào không? Nhìn vẻ mặt lo lắng của bà nó mà tôi ái ngại, tôi cũng lo sợ. Ngộ nhỡ bố mẹ tôi mà biết được nó ốm do tôi thì tôi chỉ còn nước ăn no đòn.

Hai hôm nay, tôi cố nghe ngóng xem tình hình thằng Tân thế nào mà không được. Cánh cổng tre nhà nó đóng im ỉm cả ngày. Tôi thấy bà nó vẫn đi ra đi vào dọn dẹp việc này việc kia nhưng không nghe thấy tiếng nó. Tôi chỉ dám đứng ngoài thăm dò chứ nào dám vào hỏi thăm, mà không biết được nó khỏe ốm thế nào thì sốt ruột. Cực chẳng đã, nay tôi phải hẹn mấy đứa kia ra đây để cùng nhau đến nhà Tân. Thêm đồng bọn, thêm dũng khí mà.

- Các cháu đến chơi với Tân hả, vào đi. Tân nó đang ở trong nhà đấy.

Bọn tôi đang thập thò ngoài cổng thì bất ngờ nghe tiếng bà Tân. Giật cả mình. Bà lúi húi ngay mảnh vườn phía hàng rào mà tụi tôi không để ý. Nghe bà nói, chúng tôi vội vâng dạ rồi rảo bước trên cái ngõ nhỏ vào nhà. Nếu là ngày bình thường thì kiểu gì tôi cũng phải đưa mắt ngó nghiêng cây ổi sai trĩu quả ngay đầu ngõ, mà nay tôi đi nhanh theo bọn bạn.

- Tân ơi!

- Các cậu đến chơi à.

- Mày sốt à? Đã khỏe chưa? Nhanh còn đi chơi chứ!

- Tớ cũng hết sốt rồi mà bà cứ bảo còn yếu, không cho đi.

Tôi nhìn thằng Tân, đúng là nó có vẻ còn yếu thật. Giọng nói nó cứ mệt mệt. Tôi định bụng xin lỗi nó vì xui dại khiến nó bị ốm mà khó mở lời quá. Đang nhăn nhó nghĩ phải bắt đầu như thế nào thì bất ngờ tôi nghe nó nói:

- Cảm ơn bí quyết gia truyền của nhà mày nha Long. Công nhận hiệu nghiệm thật, mày thấy bà tao không? Như khỏe hẳn ra đấy.

Bọn thằng Tiến, con Nhi, thằng Khoa đưa mắt ngơ ngác nhìn nhau. Nó nói đùa hay nói thật vậy? Gia truyền gì chứ, toàn là tôi bịa ra để gạt nó thôi mà. Đúng là ngốc thật. Tôi nghĩ vậy nhưng khi nhìn bà nó từ ngoài vườn đi vào thì chột dạ. Đúng là bà khỏe hơn mấy bữa thật. Hay là tình thương của nó với bà đã khiến gương sen đó nhiệm màu. Kệ đi, dù sao nó cũng đã khỏe lại, bà nó cũng không trách gì tôi. Nhẹ cả lòng. Nhưng chắc chắn tôi sẽ không chơi mấy cái trò xui dại người khác như vậy nữa.

***

Bà thằng Tân từ ngoài vườn đi vào mang theo rổ rau và ít củ gừng. Bà nghe tiếng cháu và các bạn cười vui trên nhà mà quên cả mệt, thế mà mấy hôm nó làm bà lo sốt vó. Bà ngồi ở cửa bếp cạo nhánh gừng nhỏ, đập dập chờ cho vào nồi cháo hạt sen đang ninh trong bếp.

2,043

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/van-hoc-nghe-thuat/guong-sen-92238.html