Gương mẫu, nói đi đôi với làm

“Nói đi đôi với làm” là một mệnh đề phổ biến trong nhiều văn bản, chỉ thị, nghị quyết của Đảng nhằm nhấn mạnh yêu cầu tiên phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên. Từ trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, trong các lớp bồi dưỡng chính trị mở tại nước ngoài cho những “hạt giống cách mạng”, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc luôn nhấn mạnh yêu cầu đó đối với những người cách mạng chân chính. Bản thân Người luôn luôn nêu cao và thực hiện phương châm nói đi đôi với làm.

Sau Cách mạng Tháng Tám, khi đất nước đứng trước muôn vàn thử thách hiểm nghèo, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào cả nước đoàn kết một lòng, thi đua diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Người yêu cầu cán bộ trong chế độ mới phải là công bộc của dân, phải cương quyết tránh tình trạng “quan cách mạng” hành dân…

Người nêu cao tinh thần tương thân tương ái, gương mẫu mỗi tuần nhịn ăn một bữa, mỗi bữa bớt đi một nắm gạo để dành dụm bỏ vào “Hũ gạo cứu đói” giúp đồng bào vượt qua hoạn nạn. Hành động, tấm gương cao quý đó đã khiến người dân cả nước xúc động và tạo ra hiệu ứng hàng loạt nhà tư sản, thương nghiệp, công chức, thợ thuyền… nô nức quyên tiền, vàng, gạo để giúp dân, giúp nước.

Trong sự nghiệp kháng chiến, thống nhất đất nước từ 1945 – 1975, vai trò tiên phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên hăng hái đi trước đã khích lệ “làng nước theo sau” để tiến tới những thắng lợi vẻ vang của dân tộc.

Có thể nói, hơn 8 thập kỷ qua, tính tiền phong gương mẫu, nói đi đôi với làm của mỗi cán bộ, đảng viên đã góp phần nâng cao sức mạnh và tính chiến đấu của Đảng, để Đảng hoàn thành tốt sứ mệnh lãnh đạo đất nước qua các giai đoạn cách mạng.

Tuy nhiên, cùng với thời gian, đặc biệt là khi đất nước bước vào thời kì đổi mới, phát triển kinh tế thị trường, một bộ phận cán bộ, đảng viên đã xa rời thực tế và những nguyên tắc mặc định với một Đảng cách mạng chân chính.

Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Đây là thực trạng nguy hiểm đang diễn ra nhức nhối, làm giảm sức chiến đấu và uy tín của tổ chức đảng.

Chỉ thị nêu rõ: “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở. Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, một số việc chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao. Việc phân định thẩm quyền, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của người đứng đầu với tập thể cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa rõ ràng. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng,tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”...

Với nhận định nêu trên, có thể nói Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã dũng cảm nhìn nhận, đánh giá những nguy cơ, khuyết điểm; đồng thời đề ra quyết tâm khắc phục. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận những khuyết điểm của mình, vạch rõ vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Có nhiều giải pháp nêu ra nhằm khắc phục những thiếu sót khuyết điểm, trong đó Nghị quyết nhấn mạnh nhóm giải pháp “hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và bí thư cấp ủy các cấp”…

Trên thực tế, ngay sau thành công Đại hội XII của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương đã tập trung chỉ đạo quyết liệt những giải pháp, biện pháp chống suy hoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống.

Cùng với việc ban hành Chỉ thị số 05/CT-TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đã có nhiều chỉ đạo từ lãnh đạo các cấp ủy Đảng với những vấn đề, lĩnh vực cụ thể. Nổi bật trong thời gian gần đây là việc đích thân đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo xác minh, xử lí sai phạm đối với ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang và việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo giải quyết vụ “Quán cà phê Xin Chào”…

Từ sự chỉ đạo của Tổng Bí thư và Thủ tướng đã tạo ra hiệu ứng tích cực trong việc phát hiện và xử lí những vụ việc nhức nhối có nguy cơ “chìm xuồng” vì muôn vàn lí do như “nhạy cảm”, cần giữ “ổn định”, tránh làm “vỡ bình”. Lần lượt những vụ việc trong đầu tư công, những công trình ngàn tỉ đắp chiếu, những trường hợp bổ nhiệm cán bộ “đúng quy trình”… bị các cơ quan chức năng vào cuộc, làm rõ và báo cáo trước Quốc hội.

Nhân dân cả nước và dư luận phấn khởi trước những kết quả bước đầu trong triển khai chỉ đạo, thực hiện quyết tâm chống suy thoái, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa bằng những việc làm cụ thể, con người và địa chỉ cụ thể. Người dân thêm tin tưởng Đảng nói và làm dứt khoát để bộ máy đảng, chính quyền trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, phục vụ nhân dân.

Đó cũng là những việc cần làm ngay!

Trần Duy Hiển

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/guong-mau-noi-di-doi-voi-lam-417667/