Gương mẫu là trách nhiệm của người chỉ huy

Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, mang bản chất của giai cấp công nhân và quân đội cách mạng. Vì thế, mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới không đơn thuần là chỉ huy và phục tùng mà còn là tình cảm anh em, được hình thành trên cơ sở tình thương yêu đồng chí, đồng đội của những công dân cùng thực hiện nhiệm vụ trong Quân đội, trở thành truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ.

Cũng bởi thế mà người chỉ huy còn được coi như người anh cả trong gia đình, được các em-cấp dưới lấy làm hình mẫu noi theo; tìm đến chia sẻ khi vui, tâm tình khi buồn; là chỗ dựa tinh thần khi gặp khó khăn, cần lời khuyên, sự chỉ bảo, định hướng... Để được các em-cấp dưới tin tưởng, nghe theo, đem hết tâm huyết và khả năng thực hiện mệnh lệnh, tự giác chấp hành các quy định thì người anh-người chỉ huy phải thực sự là tấm gương sáng, gương mẫu về mọi mặt, coi đó là trách nhiệm của mình. Trước hết là chuẩn mực trong từng lời nói, hành động; nói phải đi đôi với làm; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện bản thân; nắm vững điều lệnh, điều lệ, quy chế, quy định để thực hiện, phân công nhiệm vụ rõ ràng. Quan tâm, tạo mọi điều kiện để cấp dưới phát huy tốt năng lực, sở trường. Quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cũng như hoàn cảnh gia đình, hậu phương của bộ đội. Tạo sự bình đẳng, công bằng trong đơn vị, không thiên vị, định kiến, kể cả trong xử lý vi phạm kỷ luật. Luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, không chia rẽ bè phái; tôn trọng nhân cách, nhân phẩm, danh dự, quyền làm chủ của công dân, quyền lợi và nghĩa vụ quân nhân...

Giờ nghỉ của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn Thông tin 575, Quân khu 5. Ảnh: THUẬN AN

Giờ nghỉ của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn Thông tin 575, Quân khu 5. Ảnh: THUẬN AN

Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Kiền, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh đã trải qua nhiều cương vị công tác, chỉ huy ở các đơn vị và để lại nhiều dấu ấn, tình cảm lớn với bộ đội nhờ tác phong chỉ huy sâu sát cùng sự quan tâm, gần gũi bộ đội nhưng cũng rất nghiêm minh. Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ huy qua bài viết “Người chỉ huy cần phải gương mẫu về mọi mặt” đăng trên Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 10-9-2022, Thiếu tướng Hoàng Kiền khẳng định: “Người chỉ huy phải gương mẫu về mọi mặt. Không gương mẫu thì nói không ai nghe, hoặc có thể cấp dưới sợ nhưng không phục, nhất định hiệu quả lãnh đạo, chỉ huy không cao”.

 Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 143, Sư đoàn 315, Quân khu 5 hành quân ra thao trường huấn luyện. Ảnh: VIỆT HÙNG

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 143, Sư đoàn 315, Quân khu 5 hành quân ra thao trường huấn luyện. Ảnh: VIỆT HÙNG

Gương mẫu chính là sức mạnh đạo đức để tạo ra uy tín và ảnh hưởng. Muốn thế, người chỉ huy phải là hạt nhân đoàn kết, kiên quyết chống biểu hiện xa rời cấp dưới, quan liêu, hách dịch, vô cảm... thật sự làm cho cấp dưới kính trọng, tin tưởng, học tập và noi theo, góp phần giữ gìn và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, một nét đẹp văn hóa độc đáo, đặc sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

NGUYỄN ĐỨC TUẤN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/guong-mau-la-trach-nhiem-cua-nguoi-chi-huy-747255