Gửi tiền tiết kiệm vào công ty tài chính, nguy cơ trắng tay

Hàng chục người ở Đà Nẵng gửi tiền tiết kiệm vào Công ty tài chính VietNam Capital nhưng đến kỳ rút gốc và lãi thì không được thanh toán.

Ngày 15/12, phản ánh với VietNamNet, 7 người dân ở quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) cho biết đã có đơn tố cáo về việc CTCP Tài chính VietNam Capital (phòng giao dịch 115 Điện Biên Phủ, phường Chính Gián, quận Thanh Khê) vận động, mời gọi họ gửi tiết kiệm với lãi suất cao nhưng đến kỳ đáo hạn thì không được thanh toán, lãnh đạo biệt tăm.

Theo phản ánh, sau khi gửi tiền, công ty này viết phiếu thu và cấp sổ ghi “Giấy chứng nhận tiết kiệm” và mức lãi suất tùy theo số tiền gửi, từ 9,5-12,5%/năm. Sổ này đều do ông Trương Quốc Thái làm giám đốc ký tên, đóng dấu.

Đến khi đáo hạn, người dân đến trụ sở chi nhánh VietNam Capital nói trên để rút gốc và lãi nhưng không được.

Giấy chứng nhận tiết kiệm Công ty CP tài chính VietNam Capital cấp khi người dân nộp tiền

Bà Nguyễn Thị N. (SN 1988, trú quận Thanh Khê) cho biết, bà được ông Lê Quốc Thái giới thiệu, mời gửi tiết kiệm với lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng 3%. Thấy công ty hoạt động như ngân hàng nên bà tin tưởng mang tiền đến gửi 2 lần với tổng cộng 400 triệu đồng. Công ty này sau đó viết phiếu thu và cấp cho bà N. 2 sổ ghi “Giấy chứng nhận tiết kiệm”.

“Cứ nghĩ họ hoạt động như ngân hàng nên tôi tin tưởng gửi 2 lần và mới chỉ nhận được 2 quý tiền lãi. Bây giờ đến ngày đáo hạn, tôi năm lần bảy lượt đến đòi nhưng ông Thái và nhân viên hứa hẹn rồi không trả. Bây giờ liện lạc với ông Thái cũng không được nữa”, bà N. lo lắng.

Cùng cảnh ngộ, ông Lê Thế C. (SN 1983, trú phường An Khê, quận Thanh Khê) cho biết, ông gửi 255 triệu đồng vào công ty này nhưng đến nay không rút được. Số tiền này vợ chồng ông C. tích góp hơn 10 năm qua, giờ đối diện nguy cơ trắng tay.

“Được giới thiệu lãi suất 13%/6 tháng, số tiền 255 triệu đồng thì rút tiền lãi mỗi tháng được 2,7 triệu đồng, cao hơn gửi bên ngân hàng nên tôi mới gửi mong kiếm thêm chút ít lo cho con cái. Sau khi gửi, tôi được giao Giấy chứng nhận tiết kiệm, có chữ ký, đóng dấu của giám đốc nên rất tin tưởng. Bây giờ đến khi rút tiền gốc thì mới biết mình bị lừa. Tôi nhiều lần nhắn tin, gọi điện cho cả chủ tịch lẫn giám đốc công ty nhưng không ai nghe máy”, ông C. cho biết.

Chi nhánh công ty ở đường Điện Biên Phủ đã đóng cửa

Theo tìm hiểu, ngoài 7 người đứng đơn tập thể này, tại Đà Nẵng còn có hàng chục người khác cũng gửi tiền vào VietNam Capital nhưng không nhận được. Có người gửi với số tiền hơn 2 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong số đó có người từng làm giúp việc cho gia đình ông Thái. Công ty này thu tiền bằng hình thức như đến tận nhà thu tiền và gửi sổ tiết kiệm, nhận chuyển khoản hoặc thu tại quầy.

Không chỉ đưa ra lãi suất tiết kiệm ở mức cao hơn ngân hàng 3%, VietNam Capital còn tung chiêu khuyến mãi lớn để lôi kéo khách gửi tiền.

Trong ngày 15/12, VietNamNet đã liên lạc với ông Ngô Quốc Thái qua điện thoại nhưng không nhận được phản hồi. Chi nhánh của công ty tại số 155 Điện Biên Phủ đã đóng cửa.

Theo tìm hiểu, hiện Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP Đà Nẵng tiếp nhận đơn tố cáo, đồng thời mời người dân lên làm việc, thu thập thông tin để điều tra.

Vietnam Capital tiền thân là Công ty TNHH MTV Dịch vụ Tài chính, được thành lập năm 2005 với ngành nghề chính là cho vay tín chấp (thực chất là kinh doanh dịch vụ cầm đồ).

Mặc dù không hề được cấp phép huy động vốn từ dân cư, nhưng công ty này đã lợi dụng sự cả tin của nhiều người để huy động vốn theo hình thức “gửi tiền tiết kiệm” với lãi suất cao.

Để tạo lòng tin, Vietnam Capital bày trí văn phòng giao dịch giống như một phòng giao dịch của ngân hàng, cấp sổ tiết kiệm được in ấn không khác gì so với sổ tiết kiệm do ngân hàng phát hành, gây hiểu nhầm cho nhiều người.

Bên cạnh việc trả lãi suất cao cả hơn lãi suất huy động tại các ngân hàng, công ty này còn trả lãi suất đúng hẹn cho người gửi tiền trong thời gian đầu. Tuy nhiên, cũng giống như kịch bản của bao vụ việc khác liên quan đến huy động vốn, chỉ đến khi người gửi tiền không thể rút được gốc lẫn lãi mới biết công ty này không hề có chức năng huy động vốn trong dân cư.

Theo điểm a, b, khoản 1 Điều 108 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, công ty tài chính chỉ được nhận tiền gửi của tổ chức thông qua: Phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu để huy động vốn của tổ chức; Vay vốn của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật; vay Ngân hàng Nhà nước dưới hình thức tái cấp vốn theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Cho vay, bao gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng; Bảo lãnh ngân hàng.

Tuân Nguyễn

Hồ Giáp

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/gui-tien-tiet-kiem-vao-cong-ty-tai-chinh-nguy-co-trang-tay-2227296.html