Gửi người em gái Hà Nội

Có lẽ, cái se lạnh còn vương lại của mùa đông hay làm cho lòng người hoài niệm về quá khứ và nhớ về một mối tình còn dang dở thuở đôi mươi. Như ai đó từng nói, đôi khi yêu một người, rồi sẽ yêu luôn cả thành phố ấy. Chỉ cần nghĩ tới nơi chốn hai người từng hò hẹn, con phố nơi hai người từng nắm tay là bao điều nhớ thương lại trào về, khiến nơi chốn ấy cũng trở nên có hồn đến lạ.

Người ta thường nói, khi yêu một người thì sẽ yêu luôn cả thành phố. Chiều nay, Hường chia sẻ với bạn câu chuyện của Nguyễn Trúc về người cha của cô và những ký ức yêu thương về Hà Nội.

Hà Nội mùa này đang trong những ngày Xuân. Tiết trời thanh lạnh làm lòng người có đôi chút hoài niệm, man mác. Tôi co mình trong chiếc áo bành-tô dày rộng, nhích tới gần bếp lửa hồng đang lập lòe cháy. Bố tôi đã pha sẵn một ấm trà Thái đúng loại móc câu tỏa hương nồng ấm. Ngoài kia, màn mưa bụi đang phủ trắng trời. Ủ tay lên tách trà, tôi khẽ nói với bố: “Mưa buồn, bố nhỉ?” Như nghĩ tới điều gì, bố chợt bật cười: “Ừ, buồn, nhưng chẳng ai ghét. Thậm chí, là thương..” Vậy mới bảo tâm trạng con người luôn phức tạp. Những khi trời mưa lạnh, tôi thường thấy bố ngồi trầm ngâm bên ấm trà nóng, bên cạnh là chiếc radio. Hôm nay cũng vậy.

Tôi nghiêng đầu về phía chiếc radio đang phát bài “Gửi người em gái”. Ông có vẻ đắm đuối trong giai điệu, ca từ bài hát…Có lẽ, cái se lạnh còn vương lại của mùa đông hay làm cho lòng người hoài niệm về quá khứ. Bố nhìn tôi, nhìn bếp lửa, rồi nhìn màn mưa bay bay ngoài kia. Và bố chậm rãi kể về cô nữ sinh với tà áo dài trắng thơ mộng, về cái tết xưa đầy xác pháo, về mùa xuân khi đất nước còn chia cắt hai miền, chẳng biết khi nào có thể trùng phùng gặp lại.

Mối tình đầu của bố là một cô gái Hà Nội. Khi còn là cậu thanh niên 19 tuổi, bố đã gặp cô ấy ở cổng trường. Những năm tháng tuổi trẻ của bố gắn liền với tiếng bom đạn của giặc Mỹ. Cũng như bao thế hệ thanh niên ngày ấy, bố xếp bút nghiên và gác lại cả tình yêu còn dang dở với cô bạn cùng bàn. Khói lửa chiến trường đã chia cắt luôn bao nhớ thương được gửi trao qua những cánh thư. Hai người cứ thế mất liên lạc và mối tình đầu trong sáng cũng dần tuột khỏi vòng tay từ ngày ấy.

Hòa bình lập lại, bố về Hà Nội tìm người thương. Nhưng số phận lần nữa đẩy hai người cách xa nhau nửa vòng trái đất. Người con gái bố nhung nhớ, chẳng biết tự bao giờ, đã theo gia đình sang nước ngoài định cư. Cái thời điện thoại còn chưa phổ biến, xa cách chừng ấy, đủ để dập tắt hy vọng của một chàng trai si tình.

Rồi định mệnh lại đưa bố từ Hà Nội mộng mơ về vùng đất khác. Đến cuối cùng khi nhắc đến Hà Nội, trong bố chỉ còn lại âm ỉ những cơn mưa chiều và tà áo dài tha thướt. Tôi cảm nhận, với bố, Hà Nội là một tồn tại khó lòng thay thế. Hà Nội đã cất giữ thanh xuân của bố cùng những rung động đẹp nhất của tình yêu đầu đời.

Như ai đó từng nói, đôi khi yêu một người, rồi sẽ yêu luôn cả thành phố ấy. Chỉ cần nghĩ tới nơi chốn hai người từng hò hẹn, con phố này hai người từng nắm tay, là bao điều nhớ thương lại trào về, khiến nơi chốn ấy cũng trở nên có hồn đến lạ.

Mảnh đất Thủ đô, qua lời kể của bố, làm tôi hơi bối rối. Nó không phải nơi tôi lớn lên, nhưng lại là nơi người sinh ra tôi gửi gắm thương nhớ. Quá nửa đời người, nỗi nhớ ấy dần dà trở thành một tín niệm của bố. Chỉ cần nghe vẳng đâu đó giọng nói hay bài hát về Hà Nội là bao kí ức lại trào ra cuồn cuộn như cơn mưa chiều dai dẳng.

Hà Nội mộng mơ. Hà Nội trăn trở. Hà Nội thương nhớ. Những cảm xúc của bố về mảnh đất ấy, tôi hiểu và nghĩ rằng mẹ cũng sẽ tôn trọng. Có chăng trong những ngày mưa, mẹ sẽ cho bố một khoảng lặng riêng tư. Có chăng trong những bản nhạc Hà Nội vang lên trên radio hay đài cát-sét, mẹ sẽ để bố tự do nhớ về vùng đất ấy. Có chăng trong một góc nhỏ xíu riêng tư, mẹ cho phép bố cất giữ một bóng hình mà mẹ chưa từng gặp qua.

Cạnh bếp lửa hồng và ấm trà nóng, tôi lẩm nhẩm hát theo lời hát đong đầy nhớ thương và tiếc nuối:“Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng/ Rừng đào phong kín cánh mong manh tấm hoa lòng/ Hà Nội chờ đón tết vắng bóng người đi liễu rủ mà chi”./.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/gui-nguoi-em-gai-ha-noi-223597.htm