GS người Nhật Bản và mong mỏi 'gửi trả' học bổng cho xã hội

GD&TĐ - Năm 2013, sau khi về hưu, GS.TS Yoshiaki Takahashi (ĐH Chuo, Nhật Bản) đã tình nguyện sang giảng dạy tại trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng.

Hành trang sang Việt Nam của GS Takahashi không chỉ có kiến thức sâu rộng, sự tâm huyết, nhiệt tình với thế hệ trẻ mà ông còn tặng 7.000 cuốn sách được chính ông dành dụm mua từ lúc còn trẻ cho Trung tâm học liệu ĐH Đà Nẵng.

“Sách để gần người đọc nó thì mới có giá trị”

GS.TS Yoshiaki Takahashi là người nước ngoài đầu tiên vừa được ĐH Đà Nẵng trao chức danh Giáo sư danh dự. Năm 2.000, lần đầu tiên ông sang Việt Nam theo một nhóm nghiên cứu và sau đó, mỗi năm ông sang đây sống từ 1-2 tháng để làm giáo viên tình nguyện.

Năm 2013, sau khi về hưu, thay vì nhận lời mời giảng dạy tại một số trường ĐH tại Nhật Bản với mức thù lao rất cao, GS.TS Yoshiaki Takahashi nhận lời mời của ĐH Đà Nẵng, sang giảng dạy tình nguyện tại trường ĐH Kinh tế và đây cũng chính là nơi ông gắn bó lâu nhất.

Trong suốt cuộc đời làm giảng dạy và nghiên cứu của mình, GS.TS Yoshiaki Takahashi đã đi đến 47 quốc gia, trong đó có một số nước ông đã đến nhiều lần như Lào và Việt Nam.

Chọn Việt Nam mà cụ thể là Đà Nẵng để giảng dạy tình nguyện sau khi nghỉ hưu, GS Takahashi lý giải vì “Đà Nẵng có sông, có núi, có biển. Tuy không thật giống hoàn toàn nhưng mỗi khi ra biển hay qua sông ở đây, tôi đều nhớ về quê hương tôi”.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Toàn – Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) cho biết: “Từ hoạt động giảng dạy, đào tạo và trao đổi học thuật của GS Yoshiaki Takahashi tại trường, giảng viên và SV nhà trường đã tiếp thu rất nhiều kiến thức hiện đại, bổ ích, những kinh nghiệm quý báu”.

Ngay sau khi nghỉ hưu, tháng 4/2014, GS.TS Yoshiaki Takahashi đã dành tặng cho Trung tâm học liệu ĐH Đà Nẵng 7.000 đầu sách chuyên ngành Kinh tế và Quản trị kinh doanh có giá trị bằng tiếng Nhật và tiếng Anh.

Số sách này, năm 2015 đã được chuyển giao cho thư viện trường ĐH Kinh tế. Đây là những tài sản quý báu nhất của GS Takahashi chắt chiu, tích cóp được trong suốt cuộc đời giảng dạy, nghiên cứu của mình.

GS Takahashi kể: “Năm 1, năm 2, năm 3 đại học, tôi hay đọc sách nhưng không có tiền để mua. Tôi đi làm gia sư 5 buổi/tuần, thu nhập được 13.000 yên/tháng, tương đương với một nữ sinh tốt nghiệp trung học ra đi làm. 2/3 tiền làm thêm tôi dành để mua sách. Sách là thứ quý nhất với tôi sau tính mạng.

Nhờ có sách mà tôi mới trở thành nhà nghiên cứu như hôm nay”. Giải thích về việc dành tặng cho ĐH Đà Nẵng hàng ngàn đầu sách quý hiếm, GS Takahashi cho biết: “Nhật Bản có câu thành ngữ: “Cho con mèo tiền”. Câu này có nghĩa là cho con mèo tiền thì nó sẽ không vui. Như vậy, sách để gần người muốn đọc nó thì mới có giá trị”.

Trả lại học bổng cho xã hội

Trong buổi lễ ra mắt và tiếp nhận Quỹ học bổng GS.TS Yoshiaki Takahashi tại trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), ông chia sẻ với SV: “Tôi sống ở miền Bắc Nhật Bản. Năm 8 tuổi thì bố tôi mất, mẹ tôi một mình nuôi dạy 5 anh chị em chúng tôi, gồm có 4 người con trai và một con gái. Bố tôi hồi còn sống thì bán thuốc. Từ 4 giờ sáng, chúng tôi đã dậy để giúp bố mở cửa hàng thuốc.

Ở phía Bắc Nhật Bản rất lạnh và tuyết rơi rất dày. Công việc của anh em chúng tôi là giúp bố mẹ dọn tuyết trên mái nhà. Nếu không đẩy tuyết trên mái nhà xuống dưới đất thì mái nhà sẽ đổ sập bởi sức nặng của tuyết.

Năm 18 tuổi, tôi lên Tokyo học cấp 3 và vào đại học. Từ năm 22 tuổi, tôi bắt đầu làm thạc sĩ, mỗi năm tôi nhận được số học bổng nhỏ với khoảng 500 USD/tháng. Tôi đã nhận được nhiều học bổng trong quá trình hoạt động học tập và nghiên cứu của mình và tôi muốn “gửi trả” lại những học bổng đó cho xã hội”.

Trong quá trình giảng dạy tại trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng, GS Takahashi đã trao tặng cho SV của trường nhiều suất học bổng khuyến khích học tập. Nhưng GS.TS Yoshiaki Takahashi vẫn ấp ủ dự định trích từ tiền bảo hiểm mà mình nhận được khi về hưu để xây dựng quỹ học bổng trong một thời gian dài hơi hơn dành cho SV nghèo Việt Nam.

Chính vì vậy, ngày 16/2, trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng vinh dự được tiếp nhận Quỹ học bổng của GS.TS Yoshiaki Takahashi với số tiền trên 1 tỷ đồng. Quỹ học bổng này sẽ được duy trì trong 5 năm, tính từ thời điểm bắt đầu cấp. Theo đó, Quỹ học bổng của GS Takahashi sẽ chu cấp một khoản tiền nhất định hàng tháng cho SV dùng làm chi phí sinh hoạt và học phí của cả năm học để các em chuyên tâm học tập.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Toàn cho biết: “Quỹ sẽ là nguồn hỗ trợ, giúp đỡ và động viên kịp thời các SV đang theo học tại trường có hoàn cảnh khó khăn, biết phấn và đạt thành tích tốt trong học tập, có tư cách và phẩm chất tốt có thêm động lực để vươn cao, vươn xa trên con đường học vấn”.

SV Huỳnh Thị Thu Trang – một trong 5 SV nhận học bổng do chính tay GS.TS Yoshiaki Takahashi trao tặng trong đợt đầu không giấu được sự xúc động: “Khi em nhận được giấy báo đỗ ĐH, sau niềm vui, niềm hãnh diện thì cũng là nỗi lo lớn cho ba mẹ em.

Em còn nhớ khoảnh khắc vui mừng của cả gia đình, nhớ những giọt nước mắt vui mừng của ba mẹ vì nghĩ rằng con mình sẽ có một tương lai tươi sáng nhưng cũng không sao quên được cảm giác lo lắng vì phải chạy vạy, vay mượn để lo chi phí học tập, sinh hoạt phí cho em.

Thời gian gần đây, nỗi trăn trở ấy càng lớn khi ba mẹ em càng lớn tuổi, sức khỏe yếu dần. Việc em được chọn để nhận học bổng do GS.TS Yoshiaki Takahashi tài trợ đã như một phép màu, giúp cho em tiếp tục con đường học tập tưởng như sẽ dang dở”.

GS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐH Đà Nẵng kỳ vọng, ngoài việc sử dụng đúng mục đích, ý nghĩa như tâm nguyện của GS.TS Yoshiaki Takahashi, Quỹ học bổng Takahashi sẽ được tiếp tục phát triển: “Nếu chúng ta biết vận dụng, huy động thì Quỹ sẽ nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp, giáo sư đến từ Nhật Bản. Chúng tôi cũng hy vọng rằng, những SV nhận được học bổng từ Quỹ, khi ra trường, đi làm việc có thu nhập sẽ có suy nghĩ hướng đến xã hội, cộng đồng, sẽ có những hành động mang tính nhân văn như GS.TS Yoshiaki Takahashi đã làm để hỗ trợ các em hôm nay”.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/gs-nguoi-nhat-ban-va-mong-moi-gui-tra-hoc-bong-cho-xa-hoi-2930379-c.html