GS Ngô Đức Thịnh: “Trả lại giá trị cho đạo Mẫu và hầu đồng”

Trong tọa đàm “Đạo Mẫu và Hầu Đồng” do Ban Quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức chiều ngày 26/11, GS.TS Ngô Đức Thịnh cho rằng cần trả lại giá trị cho đạo Mẫu vì đây là nét văn hóa đẹp thể hiện truyền thống yêu nước, tinh thần dân tộc của người Việt. Việc làm này rất cần thiết để ngăn chặn trình trạng trục lợi, buôn thần bán thánh, nhất là khi Việt Nam đã nộp hồ sơ Tín ngưỡng thờ Mẫu đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa nhân loại.

Đạo thờ Mẫu là tín ngưỡng dân gian của người Việt có từ lâu đời, bắt đầu phát triển mạnh từ sau thế kỷ XVI với sự xuất hiện của Thánh mẫu Liễu Hạnh. Sau một thời gian tưởng như lụi tàn, đạo Mẫu đã “hồi sinh”, được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh (Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Dân gian – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam), đạo Mẫu được định nghĩa “là một hình thức tín ngưỡng tôn thờ người Mẹ Thiên nhiên, vị thần tối cao có thiên năng sáng tạo, quản lý, che chở, phù hộ cho con người, mang lại sức khỏe, tài lộc”.

Tôn vinh nguồn cội, dân tộc

Trong tín ngưỡng ngày, dân gian tin rằng Mẫu là vị thần tối cao được hóa thân thành Tứ vị Thánh Mẫu: Mẫu Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thoải và Mẫu Thượng ngàn để cai quản 4 vùng trời đất. Đạo thờ Mẫu của Việt Nam có những nét tương đồng với hệ thống thờ Nữ thần của các nước ở Đông Nam Á cũng như thế giới nhưng điểm khác biệt lớn là đạo Mẫu hướng về cõi sống.

Tuy là tín ngưỡng nhưng đạo Mẫu quan tâm trước hết tới đời sống trần gian của con người: sức khỏe, tiền tài, may mắn, hạnh phúc… được thể hiện rõ qua nghi thức lên đồng. “Tôi không coi vấn đề trần gian là tiêu chuẩn để so sánh các tôn giáo với nhau, nhưng rõ ràng đạo Mẫy mang tính tích cực hơn vì xét trên thực tiễn nó là tư tưởng trọng đời sống thực của con người. Tín ngưỡng hay thần thánh cũng vì đời sống con người” – GS Ngô Đức Thịnh nói thêm.

GS.TS Ngô Đức Thịnh cho rằng hình tượng người Mẹ trong đạo Mẫu gắn với chủ nghĩa yêu nước

Giáo sư cũng đánh giá, giá trị quan trọng của đạo Mẫu là “đã sản sinh cho dân tộc chúng ta văn hóa lên đồng, một không gian tín ngưỡng tâm linh đặc biệt”. Lên đồng còn gọi là hầu đồng, hầu bóng là nghi thức trong tín ngưỡng dân gian thuộc hình thức tín ngưỡng Saman giáo – một loại tôn giáo phổ biến khắp nơi trên thế giới. Saman giáo hiểu đơn giản là hình thức con người tìm cách liên lạc với thần linh và các đấng tối cao.

Ở đạo Mẫu, người đóng vai trò trung gian, liên lạc, truyền tin giữa Thánh Mẫu và cõi trần là bà đồng, ông đồng. Cho nên dân gian quan niệm là phải có những người trung gian thực hiện nghi lễ hầu đồng để người dương gian có thể tiếp xúc với thần linh, cầu mong điều mình muốn như sức khỏe, tài lộc. Lên đồng là hình thức nhập hồn nhiều lần của các vị thánh thần trong đạo Mẫu vào thân xác các ông đồng, bà đồng để cầu mong may mắn, sức khỏe, tiền tài, thành đạt cho người dân, nhưng nghi thức này cũng chỉ là một phần chứ không phải toàn bộ bản chất của đạo Mẫu.

GS Ngô Đức Thịnh nói: “Đạo Mẫu là một tôn giáo dân gian phản ánh truyền thống uống nước nhớ nguồn, tinh thần dân tộc và khơi dậy lòng yêu nước của người Việt Nam... Có thời kỳ, nhận thức của chúng ta không đúng, coi đạo Mẫu là mê tín dị đoan nên tín ngưỡng này bị suy yếu ghê gớm. Nhưng do tinh thần dân tộc, nhiều thanh đồng đã kiên trì giữ ngọn lửa về đạo này”.

Giáo sư chỉ rõ, giá trị quan trọng của đạo Mẫu nằm ở chỗ “trong khoảng 50 – 60 vị thần theo từng hàng khác nhau chúng tôi thống kê được, phần lớn là những nhân vật lịch sử có công với dân tộc, những nhân vật huyền thoại đã được tín ngưỡng hóa”. Có thể kể đến nhiều anh hùng dân tộc được nhân dân tôn thờ làm thánh và thờ phụng trong các Phủ như Đức thánh Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu... hay nhân vật được huyền thoại hóa như ông Hoàng Mười ở Nghệ An.

Vì thế, GS Ngô Đức Thịnh khẳng định: “Thực hiện nghi thức lên đồng tức là chúng ta tôn thờ những người có công với nước với dân, tôn thờ cội nguồn của chúng ta như mẹ Âu Cơ. Chúng tôi gọi đạo Mẫu là một chủ nghĩa yêu nước đã được tín ngưỡng hóa, mà khi đã được tín ngưỡng hóa thì nó bền chặt lắm”.

Bản sắc dân tộc trong đạo Mẫu

Dân gian quan niệm ông đồng, bà đồng là người trung gian có thể giao tiếp với các thánh thần trong đạo Mẫu

Không chỉ là biểu hiện của lòng yêu nước, đạo Mẫu còn thể hiện tinh thần đạo Hiếu của người Việt với một bà mẹ được biểu tượng hóa là Mẹ Thiên nhiên, Mẹ Vũ trụ. Người mẹ trong đạo Mẫu được đồng nhất với tự nhiên như Bà Thổ, Bà Thủy, Bà Hỏa…, đồng nhất với những hiện tượng tự nhiên như Pháp Lôi, Pháp Điện, Pháp Vũ, Pháp Vân… Thực hiện những nghi lễ đạo Mẫu cũng là cách người Việt Nam xưa báo ơn với Mẹ Thiên nhiên vì Mẹ đã ban cho một mùa màng bội thu, cuộc sống no ấm, sức khỏe, may mắn và thành đạt.

Ông Phạm Tứ (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam) cho rằng tư tưởng đồng nhất thiên nhiên và con người rất quan trọng. “Mác cũng nói về Mẹ Tự nhiên và cảnh báo nếu những đứa con mà phản bội người mẹ của mình, tàn phá tự nhiên thì sau này tự nhiên sẽ nổi giận với chúng ta. Và chính Mẫu cũng dạy chúng ta từ bao nhiêu năm về vấn đề bảo vệ môi trường” – ông nói.

Một giá trị nữa trong tín ngưỡng thờ Mẫu là việc hòa nhập các dân tộc, văn hóa. Giáo sư giải thích, trong đạo Mẫu có nhiều vị thần là người dân tộc thiểu số. Điều đó chứng tỏ tổ tiên chúng ta đối xử bình đẳng với người dân tộc thiểu số, đặc biệt là vấn đề hòa hợp văn hóa. Ở Đạo Mẫu, ta thấy hình thức đa văn hóa. Nếu vị thần là người Tày hay Dao thì khi xuất hiện, sẽ ăn mặc, nói năng, nhảy múa, ca hát theo kiểu dân tộc.

Nói về sự “hồi sinh” mạnh mẽ của đạo Mẫu, giáo sư cho biết xã hội đô thị và kinh tế thị trường đã tạo nền phát triển cho đạo Mẫu, nghi lễ hầu đồng ở Việt Nam. Sự phát triển bộc phát của đạo Mẫu là sẽ làm gia tăng những trường hợp lợi dụng đạo Mẫu và hầu đồng để trục lợi bất chính.

Bởi theo dân gian không phải ai cũng có thể ra hầu đồng được. Hiện nay có 3 kiểu ông/bà đồng là: những người có căn đồng số lính (do nghiệp gia truyền, nối dõi dòng tộc), những người có căn số không phải do nối dõi nhưng do căn quả, bị cơ đầy cũng phải ra trình đồng mở Phủ và những “đồng đua, đồng đú” là người không có căn số coi lên đồng là một nhu cầu giải trí, giải tỏa... “Tôi nghĩ đồng đua, đồng đú là hiện tượng công nghiệp xã hội hiện đại, do những dồn nén tâm lý từ đó dùng lên đồng như một thứ mua vui, giải trí” – GS Ngô Đức Thịnh nhận định.

Thừa nhận đạo Mẫu và hầu đồng với tư cách là một di sản văn hóa phi vật thể, chấn chỉnh nghi lễ, đạo pháp, phát huy những giá trị nhiều mặt của đạo Mẫu đang là yêu cầu, nguyện vọng của xã hội và thanh đồng đạo quan (tín đồ đạo Mẫu) hiện nay. Điều này đặt ra những thách thức về quản lý, tổ chức, định hướng và tạo điều kiện như thế nào để đạo Mẫu hạn chế được sự tản mạn, tùy tiện trong thực hành nghi lễ, hoặc bị lợi dụng buôn thần bán thánh, mê tín dị đoan. Đó là thực tế nhức nhối của đạo Mẫu trong xã hội hiện nay.

“Chúng tôi rất lo khi mà được UNESCO công nhận rồi thì phải làm thế nào để bảo tồn nguyên vẹn giá trị của đạo Mẫu, nghi lễ hầu đồng vì vẫn có những người lợi dụng nên bị mang tiếng mê tín dị đoan” – ông Phạm Tứ tâm sự.

Minh Phương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-nghe-thuat/gs-ngo-duc-thinh-%e2%80%9ctra-lai-gia-tri-cho-dao-mau-va-hau-dong%e2%80%9d