Góp ý về sửa đổi Hiến pháp 1992

Theo Nghị quyết số 38/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội, ngày 2/1/2013, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chính thức công bố Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân.

Đọc E-paper

Nhìn vào cơ cấu 11 chương Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp năm 1992, có một chương về chế độ chính trị, một chương về quyền con người và quyền công dân, nhưng có tới 6 chương nói về bộ máy nhà nước. Nhân dân sẽ rất khó góp ý toàn thể nội dung dự thảo với thời gian tiếp cận hạn chế - chỉ có ba tháng, mà thực chất còn ít hơn nhiều.

Bản Dự thảo này buộc người đọc phải mất rất nhiều công sức và thời gian nghiên cứu, thảo luận để có thể đưa ra ý kiến được chấp nhận. Cho nên, người dân chỉ có thể tập trung góp ý vào những điều trong các lĩnh vực mình quan tâm.

Lần sửa đổi Hiến pháp này được kỳ vọng tạo ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước, trong đó làm rõ thể chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ với bộ máy nhà nước thực sự trong sạch, vững mạnh và được sự tín nhiệm cao của người dân. Với niềm kỳ vọng ấy, tôi xin có những mong muốn sửa đổi, bổ sung Hiến pháp như sau:
Hiến pháp là đạo luật cao nhất và căn bản nhất của một quốc gia, không thể thường xuyên sửa đổi, cho nên các vấn đề bổ sung, sửa đổi phải nhất quán và ổn định. Do đó, cần tập trung nghiên cứu sâu ba vấn đề: Chế độ chính trị; tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân

Vấn đề thứ nhất, chế độ chính trị. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có một số điểm mới song cần bổ sung thêm một số điểm vào Điều 4 để làm thật rõ vai trò của đảng lãnh đạo, Đảng duy nhất cầm quyền, về phương thức lãnh đạo và trách nhiệm của Đảng đối với nhà nước, với xã hội.

Trong hệ thống chính trị có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vì vậy Dự thảo cần làm rõ vai trò của Mặt trận với tư cách là đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân. Cần thể chế hóa rõ nhiệm vụ “góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước” - vai trò then chốt của Mặt trận.

Với nhiệm vụ đó, Mặt trận nên tập trung vào xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền bằng biện pháp phản biện và giám sát. Đây là hai việc lớn mà thời gian qua Mặt trận chưa làm được nhiều, chủ yếu mới góp ý kiến vào các chủ trương, đường lối và pháp luật của Nhà nước.

Trong bối cảnh hiện nay, đất nước có rất nhiều vấn đề cần giám sát, phản biện. Mặt trận cần tập trung vào những vấn đề mấu chốt mà nhân dân có nhiều bức xúc. Ví dụ, xây dựng pháp luật, nên coi trọng phản biện Luật Đất đai và phản ánh tâm tư, nguyện vọng, chính kiến của nhân dân với các cơ quan hữu quan.

Vấn đề thứ hai, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Hoạt động của tổ chức bộ máy nhà nước thời gian qua chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Vấn đề mà người dân mong muốn là giữa ba ngành lập pháp, tư pháp và hành pháp phải có sự phân công phối hợp nhưng phải thực sự kiểm soát được lẫn nhau.

Trên thực tế, kiểm soát lẫn nhau là vấn đề quan trọng và phức tạp. Ở nhiều nước, nguyên tắc tam quyền phân lập đã được thực hiện nhưng ở nước ta điều này chưa được chấp nhận. Vì vậy, trong lần sửa đổi Hiến pháp này, cần làm rõ nội dung kiểm soát lẫn nhau.

Vấn đề thứ ba, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Đây là vấn đề rất quan trọng, phải nghiên cứu sâu, đầy đủ nhằm đưa ra các ý kiến sát thực với tình hình thực tế và mong muốn của người dân.

Để có một nhà nước pháp quyền, kiến tạo một bộ máy chính quyền từ trung ương xuống địa phương, thực sự là của dân, do dân và vì dân, thì quyền làm chủ của nhân dân phải được làm rõ trong Hiến pháp, nhất là quyền dân chủ trực tiếp.

Từ trước đến nay, chúng ta thực hiện dân chủ đại diện chủ yếu thông qua Quốc hội, nhưng trong Dự thảo, không chỉ thông qua Quốc hội, Hội đồng Nhân dân mà còn thông qua các cơ quan khác của Nhà nước. Điều này cũng cần được làm rõ thêm trong Điều 6 của Dự thảo.

Dân chủ trực tiếp được quy định rất rõ ở Điều 21, Hiến pháp năm 1946: “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc có liên quan đến vận mệnh quốc gia”. Trưng cầu dân ý cần được Hiến pháp khẳng định như một quyền cơ bản của công dân, thay vì chỉ quy định Quốc hội tổ chức.

Người dân phải được quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước thông qua trưng cầu dân ý. Nhân dân các địa phương cũng phải trưng cầu dân ý về những vấn đề quan trọng có liên quan đến địa phương.

Ví dụ, nhân dân Hà Nội và Hà Tây phải có quyền quyết định việc sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội. Kết quả trưng cầu dân ý phải mang tính chất quyết định, nếu một chủ trương có đa số người dân không đồng tình thì chính quyền không được thực hiện.

Ngoài ra, Dự thảo cần ghi rõ khi nào và đối với những vấn đề gì, Nhà nước phải trưng cầu ý dân như Hiến pháp 1946 đã quy định.

Người viết đề nghị bổ sung vào Điều 2 hoặc Điều 3 một nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền sau đây: “Nhân dân có quyền làm bất cứ điều gì pháp luật không cấm. Cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép”.

Nếu được chấp nhận, điều này khẳng định vai trò làm chủ của nhân dân, đồng thời hạn chế những quyết định tùy tiện của cơ quan công quyền, làm rõ thêm nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thực sự của dân và vì dân.

Như đã nêu ở trên, các vấn đề Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đề cập rất nhiều vấn đề lớn và đặc biệt quan trọng. Do thời gian tiếp cận không nhiều, nên người viết chưa thể bàn sâu.

Nguồn DNSG: http://doanhnhansaigon.vn/online/tin-tuc/chinh-tri-xa-hoi/2013/01/1071199/gop-y-ve-sua-doi-hien-phap-1992/