Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Trao thẩm quyền vượt trội là phù hợp

TS. Hoàng Thị Ngân, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức Hành chính Nhà nước và Công vụ Văn phòng Chính phủ đã tham gia góp ý vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đưa ra một số đề xuất về thẩm quyền của chính quyền thành phố (TP) và chế độ công vụ.

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên

Trao thẩm quyền vượt trội cho chính quyền TP là phù hợp với định hướng chính sách của Dự thảo. Ảnh: Khánh Huy

Trao thẩm quyền vượt trội cho chính quyền TP là phù hợp với định hướng chính sách của Dự thảo. Ảnh: Khánh Huy

Về thẩm quyền của chính quyền thành phố

TS. Hoàng Thị Ngân cho biết, việc trao những thẩm quyền vượt trội cho HĐND, UBND TP là phù hợp với định hướng chính sách của Dự án Luật này. Về những quy định cụ thể, nên xem xét thêm một số điểm:

Theo điểm e khoản 1 Điều 10, UBND TP Hà Nội quy định trình tự giải quyết các thủ tục hành chính để thực hiện việc ủy quyền. Việc ủy quyền ở đây bao gồm ủy quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn từ UBND TP Hà Nội cho các tổ chức hành chính khác thuộc UBND TP Hà Nội, cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện, thị xã và TP thuộc TP Hà Nội hoặc ủy quyền việc giải quyết một số thủ tục hành chính từ các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND TP Hà Nội, quận, huyện, thị xã và TP thuộc TP Hà Nội cho UBND hoặc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp dưới.

Thủ tục để thực hiện ủy quyền bao quát nhiều vấn đề pháp lý, kể cả điều kiện, phạm vi, hậu quả của ủy quyền và cả các bảo đảm về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện các nhiệm vụ được ủy quyền. Hiện nay, Luật ban hành quyết định hành chính đang được nghiên cứu xây dựng và đặt ra nhiều vấn đề về ủy quyền.

Như vậy, theo TS. Hoàng Thị Ngân nên cân nhắc quy định “UBND TP Hà Nội quy định trình tự giải quyết các thủ tục hành chính để thực hiện việc ủy quyền” và cũng cần làm rõ phạm vi của “giải quyết các thủ tục hành chính”.

Tương tự, nên làm rõ quy định về nhiệm vụ của UBND TP Hà Nội tại điểm a khoản 1 Điều 10 “Quyết định điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND TP Hà Nội; UBND quận, huyện, thị xã”. Hiện tại, UBND cấp tỉnh quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng sở phù hợp với hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực (Điều 12 Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/04/2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, đã sửa đổi). Như vậy, nên quy định nội dung của “điều chỉnh” tại khoản này. Tương tự như vậy với các quy định khác, như điểm b khoản 1 Điều 14.

Điểm a khoản 5 Điều 24 Dự thảo Luật giao UBND TP quy định các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục của cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục có nhiều cấp học. Nên làm rõ phạm vi “dịch vụ giáo dục” và lưu ý đây là vấn đề liên quan đến quyền của cá nhân và chứa đựng các thủ tục hành chính.

Về thẩm quyền của HĐND TP trong việc quyết định mô hình các cơ quan chuyên môn, bộ máy giúp việc, điểm a khoản 1 Điều 9 Dự thảo Luật quy định: Quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND TP Hà Nội, quận, huyện, thị xã khi bảo đảm tiêu chí thành lập theo quy định, không chồng chéo, bỏ sót chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước trên địa bàn.

Theo tinh thần tăng cường phân quyền và tạo sự chủ động cho TP, có thể trao quyền cho HĐND TP quyết định thành lập các cơ quan chuyên môn đặc thù như về lĩnh vực an toàn thực phẩm; quản lý trật tự xây dựng tại các quận, huyện, thị xã… nhưng vẫn nên xác định phạm vi các tổ chức hành chính đặc thù và lường trước tình huống chưa có tiêu chí thành lập loại tổ chức này.

Về chế độ công vụ

TS. Hoàng Thị Ngân cho rằng, nên cân nhắc cách thể hiện Khoản 1 Điều 16, nhất là đoạn đầu: “Chế độ công vụ, công chức đối với cán bộ, công chức trong cơ quan, tổ chức các cấp của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp ở TP Hà Nội được thực hiện như sau: a) Cán bộ được bầu cử, phê chuẩn giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ được quản lý thống nhất từ cấp xã đến cấp TP; b) Công chức được tuyển dụng, sử dụng, quản lý theo tiêu chuẩn chung từ cấp xã đến cấp TP;

c) Cán bộ làm việc trong cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội ở cấp TP, cấp huyện, cấp xã khi thôi đảm nhiệm chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ mà đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo yêu cầu vị trí việc làm của chức danh công chức thì được tiếp nhận vào công chức.”

Tại đây, nên làm rõ cách hiểu, nguyên tắc và cách thức vận hành của chế độ quản lý thống nhất từ cấp xã đến cấp TP, tuyển dụng, sử dụng, quản lý theo tiêu chuẩn chung từ cấp xã đến cấp TP.

Về khoản c: Nếu cán bộ làm việc trong cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội ở cấp TP, cấp huyện, cấp xã khi thôi đảm nhiệm chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ mà đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện để được tuyển dụng theo phương thức tiếp nhận vào công chức theo quy định chung thì không cần điểm c. Nếu tiếp nhận đương nhiên thì nên xác định thẩm quyền, cách thức thực hiện và nhóm công chức thuộc loại này (công chức của các cơ quan Nhà nước hay của TP Hà Nội).

Theo TS. Nguyễn Thị Ngân, việc giao Chính phủ quy định chi tiết những vấn đề lớn, còn bỏ ngỏ về chính sách như tại Điều 16 nên cân nhắc thêm (Người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, TP thuộc TP Hà Nội được ký hợp đồng hành chính có thời hạn với người đáp ứng các điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ theo vị trí việc làm), trong khi Luật chưa giới hạn phạm vi của hợp đồng, tính chất, nguồn kinh phí, giải quyết tranh chấp về hợp đồng…

Bạch Dương (ghi)

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/gop-y-du-thao-luat-thu-do-sua-doi-trao-tham-quyen-vuot-troi-la-phu-hop-353818.html