Góp sức xây dựng Thủ đô phát triển

Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2023-2028) diễn ra vào thời điểm Thành phố kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10); Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10); đặc biệt càng có ý nghĩa khi Đảng bộ, Chính quyền, toàn hệ thống chính trị đang nỗ lực để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố. Trên phương diện cá nhân, tôi tin tưởng chắc chắn rằng, dưới dự lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ Thành phố; sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam; sự phối hợp với các cấp chính quyền, phát huy thành quả đã đạt được trong nhiệm kỳ cũ, nhiệm kỳ mới 2023 - 2028, Công đoàn Thủ đô sẽ còn đạt được những thành tựu toàn diện hơn nữa, xứng đáng là 'tổ chức rộng lớn của giai cấp công nhân', góp phần xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại.

Đúc kết kinh nghiệm từ những “thời khắc” lịch sử

Quãng thời gian trên cương vị Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội tuy không dài, song đây chính là khoảng thời gian quý giá, không chỉ giúp bản thân hiểu rõ hơn về đời sống người lao động, đồng thời là quãng thời gian đúc kết những bài học quý trong công tác chỉ đạo, đặc biệt là xử lý những tình huống cấp bách.

Đồng chí Nguyễn Phi Thường, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, nguyên Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội.

Khi được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội điều động từ Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa đến nhận công tác tại LĐLĐ thành phố Hà Nội và được bầu giữ chức Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội (12/2020) cũng đúng vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát; nhiều nhà máy, xí nghiệp phải đóng cửa, dừng hoạt động; hàng chục nghìn công nhân lao động đã phải ngừng việc, mất việc làm, mất thu nhập, đặc biệt công nhân ở các Khu công nghiệp. Nhiệm vụ đặt ra giai đoạn này đối với cả nước nói chung, Hà Nội riêng, trong đó có tổ chức Công đoàn Thủ đô đặt công tác phòng, chống dịch bệnh và duy trì sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Bên cạnh thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam và tuân thủ nghiêm ngặt công tác phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì với Công đoàn Thủ đô làm thế nào trong công tác này phải đáp ứng hai tiêu chí: Ngăn ngừa dịch lây lan tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp để hạn chế đứt gãy chuỗi sản xuất; đồng thời, đảm bảo không để người lao động lao động gặp khó khăn hoặc bị thiếu nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu.

Từ thực tế đó, với sự thống nhất rất cao của Thường trực, Ban Thường vụ, LĐLĐ Thành phố đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn; nhiều mô hình mới trong công tác phòng, chống dịch được khẩn trương triển khai, như: Mô hình “Tổ An toàn Covid-19” tại các doanh nghiệp, mà nòng cốt là các An toàn vệ sinh viên cơ sở, cùng với cơ chế hỗ trợ kinh phí, xây dựng Clip hướng dẫn hoạt động phát trên truyền hình HTV hàng ngày, từ đó tạo được sức lan tỏa tác động rất nhanh, sau thời gian ngắn đã có trên trên 11.000 tổ được thành lập tại 4.400 doanh nghiệp lớn, với trên 50.000 thành viên tham gia. Trong bối cảnh giãn cách xã hội, nhiều công nhân lao động mắc kẹt, LĐLĐ Thành phố đã chỉ đạo thành lập “Tổ ứng phó khẩn cấp”, thiết lập “Đường dây nóng hỗ trợ công nhân”, xây dựng “Vùng xanh doanh nghiệp”… mô hình những chuyến “Xe buýt siêu thị 0 đồng” cùng với hàng chục nghìn “Túi an sinh công đoàn” hàng ngày lăn bánh đến với đoàn viên, người lao động khó khăn ở khắp các doanh nghiệp, các Khu công nghiệp chế xuất, các khu nhà trọ công nhân, đã tô thắm thêm hình ảnh, màu áo xanh Công đoàn càng trở nên gần gũi, thân thiết hơn.

Với cách làm sáng tạo của Công đoàn Thủ đô đã góp phần cùng Thành phố, cộng đồng doanh nghiệp hạn chế tối đa đứt gãy chuỗi sản xuất, dần đẩy lùi dịch bệnh, hoàn thành “mục tiêu kép”, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Với người lao động, càng thể hiện nghĩa tình “khi nào khó, ở đâu khó luôn có Công đoàn”. Tổ chức Công đoàn thực sự là bạn đồng hành của đoàn viên, người lao động.

Mỗi một lĩnh vực đều có đặc thù riêng, song những năm tháng công tác tại LĐLĐ thành phố Hà Nội, đặc biệt lại công tác tại quãng thời gian “đặc biệt” càng đúc kết kinh nghiệm, bài học quý báu trong công tác chỉ đạo, nhất là việc cùng các đồng chí lãnh đạo, cơ quan tham mưu trong việc xử lý các tình huống nóng.

Nỗ lực cùng xây dựng Thủ đô đẹp giàu

Quán triệt, triển khai nội dung Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ chính trị về đổi mới mạnh mẽ, thực chất, toàn diện hoạt động của tổ chức Công đoàn, Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố Hà Nội đã nhanh chóng cụ thể hóa bằng các chương trình hành động, hướng vào thực hiện những nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức Công đoàn như: Thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT); Phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở (CĐCS); Tài chính Công đoàn...

Đồng chí Nguyễn Phi Thường, Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội (nay là Giám đốc Sở GTVT Hà Nội) thăm hỏi công nhân lao động trong đợt dịch Covid-19.

Ngay sau khi Nghị quyết số 02 của Bộ chính trị được ban hành, đúng vào ngày thành lập Công đoàn Việt Nam 28/7/2021 LĐLĐ Thành phố đã phối hợp tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành kế hoạch số 35-KH/TU để triển khai thực hiện và sau một ngày, ngày 29/7/2021 LĐLĐ Thành phố đã ban hành 02 Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước” và “Công tác cán bộ Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới” để cụ thể hóa Nghị quyết của Trung ương và Kế hoạch của Thành ủy trong hoạt động của tổ chức Công đoàn. Đây là những cơ sở chính trị quan trọng để Công đoàn Thủ đô phát huy vai trò, vị thế của mình, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và việc cam kết thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA...), các công ước quốc tế về Lao động và Công đoàn đòi hỏi các hoạt động của tổ chức Công đoàn Thủ đô cần có sự đổi mới mạnh mẽ, thực chất, hướng vào thực hiện những nội dung mang tính cốt lõi, sống còn của tổ chức.

Năm 2021, để định hướng thống nhất trong công tác chỉ đạo, Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố Hà Nội đã xây dựng và ban hành chương trình công tác với 10 hoạt động trọng tâm, 10 nhiệm vụ trọng điểm; triển khai thực hiện 04 đề án thí điểm: “Hỗ trợ, khuyến khích phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS ngoài khu vực Nhà nước có từ 25 đoàn viên trở lên”; “Nâng cao hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp”; “Xây dựng, phát hành Bản tin sinh hoạt CĐCS”; “Đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ Chủ tịch CĐCS khu vực ngoài Nhà nước thành phố Hà Nội” với nhiều giải pháp mang tính đột phá, sáng tạo, thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm; nhằm khắc phục được những tồn tại, hạn chế mang tính căn cốt của tổ chức công đoàn. Các đề án thí điểm qua thực hiện đã phát huy hiệu quả tích cực, được lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam và Thành ủy Hà Nội ghi nhận, đánh giá cao, nhiều nội dung được Tổng LĐLĐ Việt Nam nhân rộng, áp dụng trong cả nước. Đặc biệt là Đề án thí điểm về “Thỏa ước lao động tập thể” giai đoạn 2021 - 2022, cùng với cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các cá nhân là cán bộ Công đoàn cấp trên cơ sở và cán bộ CĐCS trực tiếp tham gia hoạt động thương lượng, ký kết TƯLĐTT; vì vậy TƯLĐTT trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng, chỉ trong 01 năm số Thỏa ước đã tăng lên gấp 3 lần, chất lượng xếp loại A, B tăng từ 23% lên 41%... Các Nghị quyết chuyên đề và các Đề án thí điểm qua triển khai đã phát huy được hiệu quả, góp phần tích cực vào việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn.

Để cụ thể hóa kế hoạch 35-KH/TU của Thành ủy về triển khai, thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ chính trị, lần đầu tiên Đảng đoàn, Thường trực LĐLĐ Thành phố đã ký Quy chế phối hợp công tác với 30 quận, huyện, thị ủy và các Đảng ủy trực thuộc Thành ủy. Có thể nói, việc ký kết chương trình phối hợp công tác này là cơ sở quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và chất lượng hoạt động của Công đoàn các cấp. Đây chính là một trong những dấu ấn đậm nét trong hoạt động của Công đoàn Thủ đô nhiệm kỳ qua.

Trước thềm Đại hội Công đoàn Thành phố lần thứ XVII, thay mặt cho hơn 5.000 đoàn viên, người lao động ngành Giao thông vận tải Hà Nội và cá nhân tôi xin gửi tới Đại hội và tổ chức Công đoàn Thủ đô lời chúc mừng nồng nhiệt, chúc Đại hội Công đoàn Thành phố lần thứ VII, nhiệm kỳ 2023-2028 thành công tốt đẹp. Cán bộ, công nhân, viên chức, lao động Thủ đô nói chung và ngành Giao thông vận tải nói riêng sẽ tiếp tục nỗ lực không ngừng để góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn Thủ đô vững mạnh, xây dựng Thành phố Hà Nội Văn Hiến - Văn Minh - Hiện đại.

Đồng chí Nguyễn Phi Thường

Thành ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/gop-suc-xay-dung-thu-do-phat-trien-161224.html