Góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệpTin khácGhi dấu màu áo xanh tuổi trẻSẵn sàng các điều kiện đón khách du lịch quốc tế

Những năm qua, cùng với tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã được người dân trong tỉnh chú trọng thực hiện. Tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp không ngừng tăng lên, góp phần giảm sức lao động, nâng cao hiệu quả canh tác.

Người dân xã Tân Lập, huyện Bắc Sơn sử dụng máy móc phát cây ngô

Người dân xã Tân Lập, huyện Bắc Sơn sử dụng máy móc phát cây ngô

Gia đình bà Nông Thị Mai, thôn Nà Phục, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định có trên 10 sào ruộng trồng lúa và thạch đen. Trước đây, chưa áp dụng cơ giới hóa, gia đình bà phải mất từ 8 đến 10 ngày mới làm xong đất phục vụ gieo trồng. Đến năm 2016, gia đình đã đầu tư mua máy cày, do vậy, thời gian làm đất đã được rút ngắn. Bà Mai cho biết: Khi có máy, gia đình tôi chỉ mất 3 ngày đã làm đất xong toàn bộ diện tích. Đến vụ thu hoạch, tôi thuê máy gặt liên hợp, chỉ trong vòng một ngày đã làm xong, chứ không mất nhiều công sức gặt tay như trước nữa. Nhờ vậy, tôi tiết kiệm được sức lực, đảm bảo đúng khung thời vụ.

Tràng Định là một trong những huyện tích cực ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, toàn huyện có khoảng 5.000 ha diện tích đất trồng lúa. Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTTN) huyện, hầu hết người dân đều đã chủ động đầu tư máy móc từ bước làm đất cho đến khi thu hoạch nông sản. Vì vậy, vào mùa vụ, trên khắp các cánh đồng huyện, số lượng máy móc xuất hiện ngày càng nhiều.

Bà Nông Thị Kim Oanh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Tại địa bàn huyện, hầu hết người dân đã đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là khâu làm đất, thu hoạch lúa. Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa nông nghiệp của huyện đạt 92% (tăng 20% so với năm 2015), toàn huyện có khoảng 10.000 máy móc các loại phục vụ làm đất, phát cỏ, thu hoạch nông sản. Việc ứng dụng các thiết bị này góp phần đảm bảo gieo trồng, thu hoạch kịp thời vụ, tiết kiệm thời gian, tăng năng suất gấp 3 lần so với lao động thủ công.

Không chỉ Tràng Định, các huyện trong tỉnh cũng đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, hiện nay, toàn tỉnh có 105.642 máy móc các loại phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong đó có 2.350 máy cày tay công suất dưới 12 mã lực , gần 15.000 máy phun thuốc bảo vệ thực vật có động cơ, 6 máy sấy nông sản, 1.834 máy cắt cỏ, trên 4.200 máy chế biến thức ăn gia súc…

Nhờ ứng dụng cơ giới hóa đã góp phần tăng năng suất, chất lượng cây trồng, nâng hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Năm 2021, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 7.753,8 tỷ đồng (tăng 409,7 tỷ đồng so với năm 2020).

Hiện nay, cơ giới hóa trong hoạt động sản xuất chủ yếu là công tác làm đất, phun xịt, thu hoạch. Tỷ lệ cơ giới hóa trong trồng trọt từ các khâu làm đất cho lúa đạt 86,27% (tăng 20% so với năm 2015), các loại cây trồng ngô, khoai, sắn, đậu tương, thạch đen… đạt từ 20 đến 70% (tăng 9 đến 23% so với năm 2015). Mức độ cơ giới hóa trong thu hoạch lúa bằng máy gặt đạt 26%, tuốt đập đạt 68%; cơ giới hóa trong khâu tẽ hạt ngô đạt 40%. Trong chăn nuôi cũng được người dân tập trung đầu tư ứng dụng cơ giới hóa hệ thống cung cấp thức ăn, nước uống tự động, cơ giới hóa chế biến thức ăn cho trâu, bò đạt 9%; lợn đạt 36%, gia cầm đạt 46%.

Bên cạnh đó, tại một số huyện, người dân cũng chủ động đầu tư hệ thống tưới tự động, tưới phun mưa cho rau, cây ăn quả… Ông Hoàng Văn Thuận, Giám đốc Hợp tác xã Rau, củ, quả sạch Gia Cát, huyện Cao Lộc cho biết: Hợp tác xã chủ yếu sản xuất cây trồng giá trị cao. Đầu năm 2020, được Nhà nước hỗ trợ 79 triệu đồng, chúng tôi đối ứng 35 triệu đồng xây dựng hệ thống tưới tự động trong nhà lưới áp dụng cho diện tích 5.500 m2. Ưu điểm của công nghệ tưới này là tiết kiệm nước khoảng 40% và giảm nhân công so với tưới thông thường. Nước được cung cấp trực tiếp tới gốc cây, giúp cây dễ dàng hấp thụ và phát triển đồng đều, năng suất tăng. Nhờ đó, trong 2 năm trở lại đây, doanh thu của HTX đạt 400 triệu đồng/năm, tăng gấp đôi so với năm 2019.

Ông Phạm Tuyến, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở NN&PTNT cho biết: Thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần cơ cấu lại nền nông nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả và bền vững. Thời gian tới, chi cục sẽ phối hợp với đơn vị liên quan tuyên truyền tới các tổ chức, cá nhân về chính sách ưu đãi của Nhà nước về hỗ trợ máy móc, trang thiết bị sản xuất trong nông nghiệp. Đồng thời, phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh; trong đó, đào tạo các nghề nông nghiệp công nghệ cao, sử dụng các loại máy móc vào sản xuất nông nghiệp.

CÁT TIÊN

THỤC QUYÊN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/nong-nghiep/486890-gop-phan-thuc-day-san-xuat-nong-nghiep.html