Góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp

Theo kế hoạch, hết năm 2022, toàn tỉnh sẽ có thêm 4 dự án thủy điện hoàn thành với tổng công suất 48,5 MW, gồm thủy điện Suối Chút 1 (7 MW), Nậm Sài (19 MW), Bảo Nhai 2 (14,5 MW), Séo Chong Hô mở rộng (8 MW). Đến nay, 3 dự án đã hoàn thành và phát điện, còn Dự án Thủy điện Nậm Sài đang triển khai lắp đặt máy, sẵn sàng phát điện theo đúng kế hoạch.

Các dự án thủy điện hoàn thành trong năm 2022:

Những ngày cuối năm, trên công trường Dự án Thủy điện Nậm Sài, hơn 100 kỹ sư, công nhân đang tập trung hoàn thiện những khâu cuối cùng để đưa nhà máy vào vận hành. Dự án Thủy điện Nậm Sài có công suất lắp máy 19 MW, do Công ty Cổ phần Công nghiệp Việt Long đầu tư xây dựng tại xã Liên Minh và xã Bản Hồ (thị xã Sa Pa). Đây là dự án có công suất lớn nhất trong số 4 nhà máy vận hành trong năm nay.

Đập đầu mối thủy điện Nậm Sài.

Đập đầu mối thủy điện Nậm Sài.

Tại khu vực đập đầu mối, chủ đầu tư đang phối hợp với các sở, ngành thực hiện các quy trình thủ tục để tích nước vận hành thử. Khu vực nhà máy, hai tổ máy đã được lắp đặt xong các thiết bị đặt sẵn trong bê tông. Ông Lê Văn Mạnh, phụ trách kỹ thuật, Công ty Cổ phần Công nghiệp Việt Long cho biết: Những phần việc này lẽ ra đã hoàn thành từ tháng 6 năm nay, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên thiết bị về nhà máy chậm hơn dự kiến. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của chủ đầu tư và nhà thầu, đến nay tiến độ thi công đã được kiểm soát.

Kiểm tra thiết bị trước khi lắp đặt.

Kiểm tra thiết bị trước khi lắp đặt.

Công nhân sẵn sàng vận hành nhà máy.

Công nhân sẵn sàng vận hành nhà máy.

Ngay sau khi thiết bị về nhà máy, các chuyên gia nước ngoài và Việt Nam đã gấp rút lắp đặt, hiệu chỉnh thông số. Song song với đó, đội ngũ công nhân cũng được cử đi đào tạo, sẵn sàng làm chủ hệ thống. Thực hiện cam kết khi đầu tư tại địa phương, nhà máy này đã tuyển dụng hơn một nửa là lao động đồng bào dân tộc thiểu số người địa phương. Chị Lương Thị Hào, nhà ở xã Tả Van - một trong những công nhân vừa được Công ty Cổ phần Công nghiệp Việt Long đưa đi đào tạo chuẩn bị làm việc tại nhà máy - cho biết: Được làm việc gần nhà lại có thu nhập ổn định là điều mong ước của những thanh niên nông thôn như tôi.

Trước đó, với sự nỗ lực của chủ đầu tư và nhà thầu, 3 nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành và phát điện, gồm: Nhà máy Thủy điện Bảo Nhai 2, công suất lắp máy 14,5 MW, do Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại 299 đầu tư xây dựng tại xã Cốc Lầu và xã Nậm Đét (huyện Bắc Hà); Nhà máy Thủy điện Séo Chong Hô mở rộng, công suất 8 MW do Công ty TNHH Đầu tư điện lực Việt Trung đầu tư xây dựng tại xã Bản Hồ (thị xã Sa Pa); Nhà máy Thủy điện Suối Chút 1, công suất 7 MW do Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Cộng Lực thực hiện tại xã Làng Giàng và xã Dương Quỳ (huyện Văn Bàn).

Các dự án thủy điện sau khi chính thức hoạt động góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng nguồn thu cho ngân sách, đóng góp sản lượng điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đặc biệt, trong bối cảnh một số nhà máy sản xuất công nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn thì việc các nhà máy thủy điện đi vào vận hành đã góp phần gia tăng giá trị, duy trì đà tăng trưởng sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Khi Nhà máy thủy điện Nậm Sài đi vào hoạt động thì toàn tỉnh có 71 dự án hoàn thành phát điện, với tổng công suất 1.128,85 MW. Dự kiến trong năm 2023 có thêm 4 dự án thủy điện hoàn thành, gồm: Thủy điện Móng Sến (6 MW), thủy điện Nậm Khóa 3 mở rộng (10 MW), thủy điện Bảo Nhai bậc 1 (14 MW), thủy điện Mây Hồ (6,5 MW).

Để các dự án thủy điện đảm bảo thi công, Sở Công Thương đã đề nghị các chủ đầu tư thường xuyên cập nhật tiến độ chi tiết, đồng thời phối hợp với các sở, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục, đưa các nhà máy vào hoạt động.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/362805-gop-phan-tang-gia-tri-san-xuat-cong-nghiep