Góp phần kiểm soát bảo vệ môi trường biển

Với chiều dài 102km bờ biển, Thanh Hóa được đánh giá là tỉnh có vùng biển đảo và ven biển dài, rộng cùng nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng. Đây vừa là điều kiện để phát triển kinh tế biển, đặc biệt là trong khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản, vừa là tiền đề quan trọng để phát triển du lịch biển. Tuy nhiên, vùng biển đảo và ven biển của tỉnh đang đứng trước những thách thức về môi trường và cạn kiệt tài nguyên, cần những giải pháp cấp thiết cũng như lâu dài nhằm bảo vệ tài nguyên, môi trường biển.

Diễn tập ứng phó với sự cố tràn dầu tại vùng biển Nghi Sơn.

Qua kiểm tra, quan trắc của ngành chức năng cho thấy, hiện nay, hệ sinh thái biển đảo và ven biển tỉnh ta đang có chiều hướng xuống cấp hoặc bị biến đổi do tác động của biến đổi khí hậu. Mặt khác, nghề đánh bắt cá ven bờ đang khai thác quá mức, có tính hủy diệt đang đe dọa nghiêm trọng đến tài nguyên vùng biển đảo và ven biển. Cùng với đó, các hoạt động trên biển, dịch vụ hậu cần nghề cá, như: Cung cấp các dịch vụ sinh hoạt, nước đá, xăng dầu, sửa chữa... cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vùng biển, ven biển, gây thiệt hại cho việc đánh bắt cá, nuôi trồng hải sản, du lịch...

Trước nguy cơ suy thoái môi trường vùng biển, ven biển, thời gian qua, các cấp, ban, ngành trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các tầng lớp Nhân dân, nhất là cư dân ven biển về tầm quan trọng của môi trường tự nhiên đối với phát triển kinh tế biển; nghiêm cấm khai thác bừa bãi các vùng ven sông, biển... cũng như thu hút đầu tư phát triển du lịch. Nhờ vậy, nhiều địa phương, như: TP Sầm Sơn, huyện Hoằng Hóa, thị xã Nghi Sơn... đã xây dựng được vùng biển sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch trong lành và sạch đẹp. Nhiều huyện lấy phát triển kinh tế biển làm mũi nhọn, xây dựng chiến lược đúng đắn trong nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên biển.

Đặc biệt, thực hiện “Chương trình quan trắc tổng hợp môi trường biển tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025” theo Quyết định số 40/QĐ-UBND ngày 5/1/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã xây dựng kế hoạch, tập trung triển khai chương trình quan trắc với mỗi năm có hàng trăm mẫu trầm tích đáy, nước biển ven bờ và sinh vật biển... Ông Trịnh Ngọc Dũng, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Biển và Hải đảo (Sở TN&MT) cho biết: Năm 2023, Sở TN&MT đã xây dựng kế hoạch, ký hợp đồng đặt hàng với Trung tâm Quan trắc và Bảo vệ môi trường Thanh Hóa triển khai 3 đợt quan trắc tổng hợp môi trường biển. Các khu vực quan trắc gồm cảng Nghi Sơn, cảng cá Lạch Hới, cảng cá Hòa Lộc, bến cá Quảng Nham, bến cá Hoằng Trường, bến cá Ngư Lộc, cảng cá Lạch Bạng, khu neo đậu tránh trú bão Lạch Bạng; khu neo đậu tránh trú bão Quảng Tiến với 28 vị trí quan trắc. Đối với các khu du lịch biển tổ chức quan trắc tại khu du lịch biển Sầm Sơn, khu du lịch biển Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn); khu du lịch biển Hải Tiến (Hoằng Hóa) với 9 vị trí. Đối với các mặt rộng phía biển quan trắc 14 vị trí, tại 7 mặt cắt thuộc cửa Lạch Sung, Lạch Trường, Lạch Hới, Lạch Ghép, Lạch Bạng, khu du lịch Sầm Sơn và cảng Nghi Sơn. Ngoài ra, ngành cũng đã tổ chức quan trắc các yếu tố hải văn tại khu vực ven biển gồm vùng biển Hậu Lộc, vùng biển Sầm Sơn và vùng biển Nghi Sơn (mỗi khu vực 1 vị trí).

Kết quả quan trắc cho thấy, hầu hết các thông số như: Nhiệt độ, pH, tổng chất rắn lơ lửng, DO, Florua, Crom VI, chì, Cadimi, Mangan, thủy ngân, Xianua, hóa chất bảo vệ thực vật nhóm Clo hữu cơ và Photpho hữu cơ đều nhỏ hơn hàm lượng cho phép theo quy chuẩn QCVN 10:2023/BTNMT. Tuy nhiên, tại một số vị trí quan trắc có hàm lượng các chất vượt quá giới hạn cho phép theo QCVN 10:2023/BTNMT. Nguyên nhân chính của hiện tượng này là lượng nước thải từ các ao nuôi ven cửa sông, các khu dân cư ven biển liên tục đổ nước thải ra khu vực ven biển làm cho hàm lượng Amoni vượt mức cho phép của QCVN 10:2023/BTNMT. Vì vậy cần phải có các biện pháp nhằm giảm thiểu các tác động gây ô nhiễm nước biển ven bờ tại các khu vực này. Tại các khu bến cá Quảng Nham; cảng cá Hòa Lộc; bến cá Hoằng Trường; cảng cá Lạch Hới; khu neo đậu tránh trú bão Quảng Tiến; bến neo đậu Ngư Lộc; khu neo đậu tránh trú bão Quảng Tiến; khu vực mặt cắt cửa Lạch Sung; khu vực mặt cắt cửa Lạch Hới;... có dấu hiệu ô nhiễm sắt trong nước biển ven bờ. Nguyên nhân tăng hàm lượng sắt trong nước biển tại các khu vực này là do nước mưa cuốn theo chất ô nhiễm từ đất liền theo các sông thải ra. Về kết quả quan trắc chất lượng trầm tích đáy vùng biển ven bờ hầu hết các thông số: pH; Cadimi (Cd); Asen (As); Kẽm (Zn); chì (Pb); thủy ngân (Hg); Crom (Cr); Niken (Ni)... đều có giá trị thấp hơn giới hạn cho phép theo QCVN 43:2017/BTNMT.

Từ kết quả quan trắc này, Sở TN&MT đã thông báo đến các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển để nắm bắt hiện trạng, xu hướng diễn biến chất lượng môi trường biển, kịp thời phát hiện, cảnh báo các sự cố ô nhiễm môi trường cũng như đưa ra các giải pháp khắc phục, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, bảo đảm cho kinh tế - xã hội vùng biển, ven biển của tỉnh phát triển bền vững.

Bài và ảnh: Phong Sắc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/gop-phan-kiem-soat-bao-ve-moi-truong-bien-213062.htm