Gói hỗ trợ lãi suất 2%: luẩn quẩn 'có tiền không tiêu được'

Gói hỗ trợ lãi suất 2% thuộc chương trình phục hồi kinh tế, tuy nhiên hết năm 2023 mới giải ngân khoảng 1.218 tỷ đồng (tương đương 3,05% tổng quy mô chính sách 40.000 tỷ đồng).

Có không ít ý kiến đề xuất cần xem xét thay đổi gói hỗ trợ nếu không sử dụng hết sang hình thức, chính sách hỗ trợ khác có khả năng triển khai và còn dư địa.

Mới giải ngân... 3%

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều ngân hàng vẫn chưa giải ngân được gói hỗ trợ lãi suất 2%. Ảnh: Thanh Hải

Báo cáo cho biết, đến hết năm 2023, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 240.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt hơn 61.000 tỷ đồng. Số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình đạt khoảng 1.218 tỷ đồng (tương đương khoảng 3,05% tổng quy mô chính sách) cho gần 2.300 khách hàng.

Như vậy, còn khoảng 38.782 tỷ đồng thuộc gói hỗ trợ không sử dụng hết. Con số giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% đến cuối năm 2023 “nhích” thêm không nhiều so với thời điểm Chính phủ báo cáo Quốc hội vào tháng 10/2023. Cuối tháng 10/2023, gói này giải ngân 873 tỷ đồng. Thời điểm đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép thực hiện tiếp gói hỗ trợ lãi suất này tới hết năm 2023.

Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% với nguồn lực là 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM). Bộ KH&ĐT đánh giá, các NHTM đã thực hiện chính sách này theo quy định, song vẫn còn một số hạn chế.

Về lý do khiến gói hỗ trợ lãi suất 2% chưa đạt kỳ vọng, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay, kinh tế khó khăn nên DN đủ điều kiện thì không muốn vay, đơn vị muốn vay lại không đáp ứng tiêu chí. Điểm nghẽn khác là quy định "dự án có khả năng phục hồi" mới được vay vốn, khiến cả bên cho vay và người đi vay đều ngại, không biết nên hiểu thế nào cho đúng.

Theo quy định, DN muốn được giảm lãi 2% phải chứng minh được khả năng phục hồi, khả năng trả nợ, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều DN nhỏ khó có thể đáp ứng được yêu cầu này. Ví dụ như Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa thuộc nhóm được hỗ trợ lãi suất 2%, đã được ngân hàng giảm lãi một phần gói vay. Tuy nhiên, do hoạt động xuất khẩu suy giảm, DN đã bị dừng hỗ trợ.

Lãnh đạo một số ngân hàng phản ánh, trong quá trình rà soát hồ sơ, số lượng khách hàng thuộc đối tượng đủ điều kiện hỗ trợ tương đối lớn nhưng kết quả hỗ trợ lãi suất lại rất thấp. Thậm chí, có ngân hàng ghi nhận số tiền hỗ trợ lãi suất bằng 0.

Đại diện một Công ty TNHH ở Hà Nội cho biết, việc tiếp cận gói lãi suất ưu đãi đòi hỏi thủ tục phức tạp, như báo cáo tài chính, hợp đồng kinh tế, hóa đơn đặt hàng, phiếu nhập - xuất kho, hóa đơn chuyển tiền… không phù hợp với DN vừa và nhỏ.

“Hầu hết DN nhỏ là DN gia đình, cơ cấu gọn nhẹ, không qua máy móc theo dõi hàng tháng, hoặc không có hóa đơn, người dân vùng nông thôn vẫn có thói quen thanh toán tiền mặt. Muốn có báo cáo, hợp đồng, hóa đơn chuẩn chỉnh… thì sẽ phát sinh chi phí thuê kế toán, làm giảm thu nhập DN” - vị đại diện này giãi bày.

Chuyển nguồn sang gói hỗ trợ khác

Việc khó xác định đối tượng khiến ngân hàng dù muốn cũng không thể giải ngân, khiến gói hỗ trợ đáng lẽ rất cấp bách đã bị lỡ tính thời điểm. Chính phủ cũng báo cáo rõ các nguyên nhân khiến chính sách này có kết quả triển khai thấp.

Báo cáo nêu: có khách hàng được hỗ trợ lãi suất nhưng tình hình sản xuất kinh doanh suy giảm, ảnh hưởng đến các tiêu chí đánh giá về phục hồi, làm NHTM và khách hàng e ngại bị các cơ quan thanh tra, kiểm tra cho rằng trục lợi chính sách. Trong khi, một số DN có doanh thu, lợi nhuận ở giai đoạn dịch bệnh cao hơn hiện tại nên khó đánh giá đáp ứng tiêu chí phục hồi.

"Nhiều hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vay vốn tại các NHTM nhưng không đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc nhóm hỗ trợ. Điển hình như Ngân hàng Agribank có 50% dư nợ khách hàng hộ sản xuất, kinh doanh không có đăng ký kinh doanh" - báo cáo nêu.

Đồng thời nhấn mạnh, với số vốn không giải ngân hết của chính sách, sau khi kết thúc thời gian giải ngân kế hoạch năm 2022 và năm 2023, trình Quốc hội hủy dự toán, kế hoạch vốn, không huy động nguồn lực, đồng thời không làm tăng bội chi tương ứng với số vốn này.

Gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng chỉ có hiệu lực đến hết 31/12/2023. Để giúp chính sách phát huy hiệu quả, nhiều ý kiến đã đề xuất cần có những thay đổi từ gói này, nhằm giúp nguồn tiền ngân sách được sử dụng kịp thời, hỗ trợ cho người dân, DN phục hồi kinh tế.

Nhiều chuyên gia và đại biểu Quốc hội cũng đề xuất không tiếp tục sửa các tiêu chí, điều kiện để hưởng hỗ trợ lãi suất 2%. Thay vào đó, cơ quan chức năng có thể nghiên cứu, chuyển nguồn ngân sách sang cho các chính sách khác có khả năng triển khai, còn dư địa thực hiện.

Doanh nghiệp, người dân muốn hỗ trợ trực tiếp thuế, phí

Miễn giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, là những chính sách hỗ trợ rất thiết thực và đang phát huy hiệu quả trong hỗ trợ DN, giúp phục hồi kinh tế hiệu quả nhất sau đại dịch, và có tác động trực tiếp đến người tiêu dùng.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân

Theo khảo sát DN của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ có 29,5% DN biết tới chính sách này, trong đó có khoảng 2% DN đã nhận được khoản vay theo Chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, 56,7% DN gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ này. Theo VCCI, nhu cầu được hỗ trợ có thể thay đổi so với thời điểm trước, đó là DN muốn được hỗ trợ trực tiếp hoặc giảm thuế, phí, lệ phí thay vì hỗ trợ lãi suất.

Mới đây, Chính phủ cũng có Tờ trình trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ thêm 6 tháng cuối năm 2024 (thay vì đến 30/6/2024 như hiện nay).

Theo Chính phủ, việc tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về chính sách tài chính thời gian qua đã có tác động tích cực trong việc hỗ trợ DN và người dân ổn định sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân được trở lại bình thường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Việc kéo dài các chính sách tài khóa, giãn, hoãn nợ, giảm thuế, phí, trong đó có giảm thuế giá trị gia tăng sẽ tạo động lực mới cho tăng trưởng tiêu dùng, xuất khẩu.

Trong khi đó, ông Nguyễn Như So thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh cho rằng, cần giải pháp mạnh hơn, dài hơi hơn, chỉ giảm xuống 8% như vừa qua là chưa đủ mà nên giảm xuống 5 - 6%.

Đây là giải pháp trực tiếp, có tác dụng nhanh và phù hợp với bối cảnh hiện nay cũng như hỗ trợ giải quyết khó khăn, thách thức năm 2024, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, kích cầu thị trường nội địa.

Với người tiêu dùng, khi đi mua sắm, ăn uống… ở mỗi tờ hóa đơn có ghi chi tiết phần giảm thuế VAT các mặt hàng xuống còn 8%, từ đó người tiêu dùng tính toán được số tiền mình tiết kiệm được.

Với DN, việc giảm thuế này cùng với các giải pháp thuế, phí, lệ phí khác đã tạo điều kiện rất lớn giúp giảm chi phí sản xuất. Nhiều nguyên vật liệu đầu vào của DN sản xuất cũng được hưởng lợi từ chính sách thuế này qua đó tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu.

Để đạt kết quả tăng trưởng kinh tế tích cực trong những tháng cuối năm và hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% trong năm 2024, cần có các giải pháp hỗ trợ DN mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là hỗ trợ tài khóa.

Trong đó, cần ban hành nghị quyết về tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2% kéo dài trong cả năm 2024. Bên cạnh đó, xem xét thực hiện chính sách giảm một số loại thuế khác, miễn, giảm tiền thuê đất.

PGS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội

Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/goi-ho-tro-lai-suat-2-luan-quan-co-tien-khong-tieu-duoc.html