Góc nhìn về đờn ca tài tử phục vụ du lịch

Đờn ca tài tử (ĐCTT) với những giá trị văn hóa nghệ thuật độc đáo từ lâu đã được nhiều địa phương đưa vào phục vụ du lịch. Phát huy tiềm năng văn hóa từ một loại hình nghệ thuật giờ đã trở thành di sản văn hóa thế giới là câu chuyện mà ngành công nghiệp không khói các tỉnh Nam Bộ nói chung và Bạc Liêu nói riêng, luôn được nối dài với nhiều động thái thiết thực.

Không gian ĐCTT trong du lịch

Đưa ĐCTT vào phục vụ du lịch, đây không phải là chuyện bây giờ mới... tính và cũng không phải chỉ có Bạc Liêu đề cập! Ở Tiền Giang, ngay từ những năm 1990, một trong những tua du lịch hút khách là du thuyền trên sông Tiền, tham quan vườn cây ăn trái, đi xuồng chèo trên kênh rạch, uống trà và lắng lòng nghe ĐCTT. Khách nước ngoài đặc biệt rất thích tua du lịch này. Còn ở Bến Tre, người ta tính đến chuyện phục vụ ĐCTT trong hang động. Ngành du lịch của địa phương này tính toán rằng, không cần phục vụ ĐCTT tràn lan tại tất cả các điểm du lịch, chỉ phục vụ tại cồn Phụng (thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành), khi du khách vào hang tham quan sẽ được phục vụ ĐCTT. "Ý đồ" của ngành du lịch tỉnh này là tạo nét đặc thù riêng cho tua du lịch có phục vụ ĐCTT, ai thích thì tham quan chớ không nhất thiết nơi nào cũng có! Đó là cách làm mà chúng ta cần học hỏi nếu muốn tạo tua du lịch có phục vụ ĐCTT đạt hiệu quả. Còn ở xứ sở “gạo trắng nước trong” - Cần Thơ, người ta cũng đã đưa ĐCTT phục vụ trên du thuyền bến Ninh Kiều từ năm 1998. Ngồi giữa mênh mông sông nước mà nghe những bản độc tấu, giọng đờn, lời ca dìu dặt thì mới đúng là thưởng thức ĐCTT trong không gian đích thực của nó…

Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu thu hút đông đảo khách du lịch đến Bạc Liêu

Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu thu hút đông đảo khách du lịch đến Bạc Liêu

Đúng là vậy, điều cần bàn trước tiên là phục vụ ĐCTT trong không gian như thế nào mới hấp dẫn du khách thưởng thức. Nói đến không gian của ĐCTT, xin trích dẫn một đoạn tư liệu: “Lịch sử hình thành của ĐCTT là sự kế thừa nền văn hóa sông nước của người Nam bộ. Từ đầu thế kỷ 20, các tay nhà giàu, các chức sắc ở Nam bộ thường tổ chức hát ĐCTT trong những dịp lễ, tết. Từ đó, hình thức sinh hoạt văn hóa này đã được đông đảo người dân ưa thích và trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của cư dân miền sông nước. Lối hát của nghệ thuật ĐCTT là hình thức hát ngẫu hứng thể hiện chất nghệ sĩ, tài năng sáng tạo tại chỗ của người biểu diễn...”. Đưa ĐCTT vào việc phục vụ và phát triển du lịch không chỉ có ý nghĩa phục vụ kinh doanh thuần túy mà thiết kế một chương trình ĐCTT có chất lượng, giữ gìn đúng bản sắc, còn mang ý nghĩa quảng bá và tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, nhất là trong cách nhìn và sự cảm nhận của du khách nước ngoài.

Phục vụ ĐCTT tại điểm du lịch cây xoài cổ hơn 300 năm tuổi ở TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu

Phục vụ ĐCTT tại điểm du lịch cây xoài cổ hơn 300 năm tuổi ở TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu

Cần tư duy mới

Hiện nay, tỉnh Bạc Liêu đã thành lập được rất nhiều câu lạc bộ ĐCTT phục vụ du lịch, đặc biệt tập trung ở địa bàn TP. Bạc Liêu. Có thể điểm qua các câu lạc bộ như: ĐCTT khu du lịch sinh thái Hồ Nam, ĐCTT Dạ cổ hoài lang, ĐCTT khu du lịch Giồng Nhãn... Các câu lạc bộ này quy tụ khá đông những nghệ nhân, tài tử thuộc hạng đẳng cấp (từng đoạt nhiều giải thưởng về ĐCTT) như các Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Loan, Ngọc Cần, Thanh Sử, Hồng Quyên, Hoài Thương, Tuấn An... Cho nên động thái kế tiếp là tính đến chuyện “tận dụng” những đội hình chuyên này như thế nào để phục vụ du khách?

ĐCTT phục vu du khách tại Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu

ĐCTT phục vu du khách tại Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Chắc chắn một điều, không phải cứ đến Bạc Liêu, dừng chân ở điểm du lịch nào du khách cũng muốn nghe ĐCTT. Bởi nghe ĐCTT phải đặt trong không gian phù hợp. Giọng ca, tiếng đờn mượt mà đến mấy cũng không đủ sức để người ta “đắm mình” thưởng thức khi phải ngồi trong một gian phòng như dự… hội nghị! Do vậy, cần phải tính đến không gian phục vụ và thậm chí điểm nào phù hợp mới đưa vào phục vụ. Phát triển du lịch sinh thái là một trong những xu hướng của du lịch Bạc Liêu hiện nay. Và đây mới chính là địa bàn để ĐCTT Bạc Liêu có thể “ăn nên làm ra”. Tua du lịch tham quan miệt vườn, du lịch luồng lách trên sông rạch, ven những vạt mắm, vạt đước để nghe ĐCTT thì mới đúng bộ!

ĐCTT phục vụ khách du lịch tại điểm du lịch Nông trại tôm khỏe (huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu)

ĐCTT phục vụ khách du lịch tại điểm du lịch Nông trại tôm khỏe (huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu)

ĐCTT ở khắp 21 tỉnh, thành Nam Bộ nói chung và ở Bạc Liêu nói riêng, không thiếu những anh tài, cho nên sẽ là sự lãng phí nếu chúng ta không "tận dụng" họ vào nhiệm vụ phát triển du lịch. Chuyện còn lại là việc suy nghĩ thấu đáo để thiết kế những tua du lịch hấp dẫn. Và tiếng tăm là xứ sở của Dạ cổ hoài lang, một trong những cái nôi của nghệ thuật ĐCTT, đất Công Tử Bạc Liêu... chính là khởi đầu suôn sẻ của riêng du lịch Bạc Liêu. Ngành du lịch cần tính toán đến những tua tuyến phù hợp để thết đãi những bữa tiệc đờn ca đặc sắc, mang đậm bản chất, phong cách chơi của tài tử thật phóng khoáng, mượt mà để “câu” du khách về với mình!

Cẩm Thúy

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/141043/goc-nhin-ve-don-ca-tai-tu-phuc-vu-du-lich