Góc nhìn lạc quan của doanh nhân Đỗ Cao Bảo về kinh tế Việt Nam

Doanh nhân Đỗ Cao Bảo, thành viên Hội đồng Sáng lập FPT cho rằng năm 2024, khi ngành sản xuất phục hồi thì kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh hơn.

Nhân dịp năm mới Giáp Thìn, doanh nhân Đỗ Cao Bảo, thành viên Hội đồng Sáng lập FPT chia sẻ với PLO một số góc nhìn về triển vọng kinh tế Việt Nam 2024.

.Phóng viên: Trên Facebook, ông thường bày tỏ cái nhìn lạc quan cho dù thực tế kinh tế Việt Nam đang rất khó khăn. Tại sao vậy?

+ Doanh nhân Đỗ Cao Bảo: Không phải riêng tôi mà đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) gần đây đã nhận xét: “Nói về kinh tế Việt Nam năm 2023 ư, tôi chỉ nói đúng hai từ thôi - kiên cường”.

Doanh nhân Đỗ Cao Bảo

Tôi cũng cho là không có từ nào chính xác hơn hai từ ấy. Đúng là có một số không nhỏ doanh nghiệp phá sản, “thoi thóp”. Nhưng vẫn có những doanh nghiệp tăng trưởng cao, thậm chí rất cao. Nhờ vậy, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm qua đạt mức 5,05% - thuộc nhóm các quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới.

Có người không tin con số ấy, bảo làm đẹp số liệu thôi. Nhưng tôi cho rằng có cơ sở. Thu ngân sách là con số biết nói, năm 2023 đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng. Con số này bằng 95.4% thu ngân sách của năm 2022, nhưng nếu tính cả số thuế được giảm và gia hạn thời hạn nộp thuế cỡ 193.000 tỷ đồng, thì số thu ngân sách thực của năm 2023 có thể lên đến hơn 1,9 triệu tỷ, tăng gần 100.000 tỷ đồng so với năm 2022.

Trong các con số về kinh tế Việt Nam thì số thu ngân sách nhà nước là đáng tin cậy và có độ chính xác cao nhất, đây là tiền thật về tài khoản của kho bạc. Nếu sai thì Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải Quan lấy tiền đâu để nộp vào ngân sách, nhà nước lấy tiền đâu để trả lương cho cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang và người về hưu, rồi còn chi thường xuyên duy trì bộ máy, chi tiêu cho phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư làm đường cao tốc, sân bay, bến cảng, cầu cống, chi cho an ninh, quốc phòng.

Vì sao nhiều doanh nghiệp phá sản?

. Vậy ngoài hai chữ “kiên cường” thì ông lý giải thế nào về tình hình doanh nghiệp phá sản, thoi thóp, thất nghiệp?

+ Nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, với tỷ trọng xuất khẩu/GDP thuộc top cao nhất thế giới, chỉ sau các nền kinh tế thuần túy thương mại kiểu như Singapore, Hồng Kông mà thôi. Vì vậy khi mà các nhà phân phối, bán lẻ lớn cắt, giảm đơn mua hàng thì Việt Nam cũng bị ảnh hưởng lớn nhất.

Ảnh hưởng đầu tiên là các doanh nghiệp sản xuất, đơn hàng ít đi thì công nhân bị thất nghiệp, bị giảm giờ làm. Lực lượng ấy cũng như giới chủ đều suy giảm thu nhập dẫn đến sức mua, sức tiêu dùng của họ giảm. Hiệu ứng dây chuyền sang các ngành kinh tế khác như du lịch, khách sạn, nhà hàng, bán lẻ cũng như các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, làm đẹp, vui chơi, giải trí.

Doanh nhân Đỗ Cao Bảo

Như năm 2023, cả châu Âu tăng trưởng đâu đó khoảng 1%, kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,1%, kinh tế Nhật tăng trưởng khoảng 2%, Hàn Quốc tăng trưởng 1,4%. Tóm lại, nhóm các nền kinh tế phát triển, giàu có ấy đều là thị trường lớn của hàng Việt, tăng trưởng ở mức thấp vậy thì chúng ta khó khăn là đương nhiên rồi.

Đấy là nguyên nhân từ bên ngoài. Còn bản thân kinh tế Việt Nam ta cũng phải đương đầu với nhiều vấn đề nội tại như trái phiếu doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, nợ xấu ngân hàng tăng cao, bất động sản đóng băng…

. Các dự báo mới nhất đều đánh giá kinh tế thế giới còn tiếp tục khó khăn. Vậy 2024 có cơ may nào cho chúng ta?

+ Còn một điểm mà tôi thấy ít người để ý, là sau đại dịch COVID-19, các chuyên gia kinh tế thế giới đều đưa ra kịch bản kinh tế thế giới sẽ hồi phục nhanh. Dường như nhiều người tin vào điều đó, dẫn đến việc các nhà phân phối, bán lẻ lớn của thế giới đã đặt sẵn rất nhiều hàng hóa nhằm đón đầu nhu cầu tăng cao, đặc biệt là vào dịp mua sắm Noel và cuối năm 2022.

Rất tiếc là thực tế không diễn ra đúng như vậy, nên tồn kho cuối năm 2022, đầu 2023 ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Australia đều rất lớn. Chính hàng tồn kho lớn, nên quý đầu 2023, các nhà phân phối, bán lẻ lớn trên toàn cầu đồng loạt cắt giảm đơn hàng mới, để tập trung giải quyết tồn kho.

Việc này đến cuối năm 2023 đã cơ bản được giải quyết, nên khả năng cao 2024 này số lượng đơn hàng mới sẽ cải thiện. Một số tính toán tháng 1-2024 cho thấy tín hiệu đó.

Có thể hiểu nôm na là đầu năm 2023 giống như là đoàn tàu bị dồn toa, còn đầu năm 2024 không còn bị dồn toa nữa. Việc sản xuất sẽ trở lại theo đúng nhu cầu của xã hội. Dù nhu cầu mua sắm của người dân các nước Mỹ, châu Âu, Nhật Bản không tăng lên nhưng số đơn hàng mới sẽ trở lại. Ngành sản xuất Việt Nam sẽ phục hồi…

Ngành sản xuất phục hồi thì kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh hơn thôi.

Cơ hội

. Đấy là các ngành sản xuất truyền thống. Vậy còn lĩnh vực mới như bán dẫn chẳng hạn, cơ hội và thách thức là gì?

+ Tôi thấy cơ hội rất lớn. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, nhất là các lệnh cấm vận của Mỹ liên quan đến chíp bán dẫn đang dẫn đến xu thế dịch chuyển các nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Không chỉ là các doanh nghiệp Mỹ mà cả doanh nghiệp Nhật Bản, châu Âu, Đài Loan và Hàn Quốc. Xu thế này là không thể đảo ngược.

Có rất nhiều người đã nghi ngại về kịch bản Mỹ bắt tay với Trung Quốc như thời kỳ năm 1972, và như thế sẽ lại gây khó khăn cho các nước nhỏ. Tôi dám khẳng định điều đó sẽ không tái diễn, bởi tình hình bây giờ đã rất khác rồi.

Nửa thế kỷ trước, nền kinh tế Trung Quốc rất nhỏ, còn hiện tại họ đã là cường quốc kinh tế lớn thứ nhì, và đang đuổi kịp, thậm chí vượt Mỹ. Nước Mỹ tất nhiên không vui vẻ gì, nên dù là dưới thời Tổng thống Donald Trump của Đảng Cộng hòa, hay Tổng thống Joe Biden của Đảng Dân chủ thì đều mở mặt trận kinh tế, mà tập trung nhất là lĩnh vực công nghệ, để cản đường Trung Quốc.

Bối cảnh này cho thấy Mỹ bắt tay với Trung Quốc như năm 1972 là không thể. Xu thế dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc của các doanh nghiệp Mỹ, Nhật, châu Âu sẽ vẫn tiếp tục.

Điểm đến của dòng vốn dịch chuyển ấy là những nơi đáp ứng được cả về quy mô và cả về năng lực, trình độ sản xuất cũng như một nền chính trị ổn định.

Ấn Độ có thể là một nước phù hợp bởi về quy mô sản xuất, nhưng các nhà đầu tư thì không bao giờ "đặt hết trứng vào một giỏ". Chưa kể quốc gia 1,4 tỷ dân với nền văn hóa, tín ngưỡng đa dạng đến mức có cả phần trở ngại cho nền sản xuất lớn.

Sau Ấn Độ là khu vực Đông Nam Á, trong đó có thể kể đến Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, nhưng tôi cho rằng cơ hội dành cho Việt Nam là lớn nhất.

Trong cuốn sách có tên “Nhật Bản và Việt Nam là đồng minh tự nhiên”, tác giả là ông của Umeda Kunio, cựu đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2019 có nói đại ý: Khi các doanh nghiệp Nhật muốn chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc sang một nước nào đó, đặc biệt liên quan đến công nghệ cao, thì họ lo ngại nhất là công nghệ đó quay ngược lại Trung Quốc. Ở khía cạnh ấy, người Nhật cho rằng làm việc với Việt Nam là ít rủi ro hơn cả. Xác suất của rủi ro này với các nước khác trong khu vực ASEAN là lớn hơn nhiều.

Tôi cho rằng nó không chỉ là suy nghĩ của riêng ông Umeda Kunio, và cũng không chỉ người Nhật. Có thể cả Mỹ và nhiều nước khác cũng nghĩ gần giống vậy.

. Cảm ơn những chia sẻ của ông!

Joe Studwell, tác giả cuốn sách nổi tiếng - Châu Á vận hành như thế nào – nhận xét rằng ngoài các nước Âu, Mỹ đã giàu có từ mấy trăm năm trước, đến nay chỉ có thêm Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc và lãnh thổ Đài Loan trở nên giàu có. Còn lại thì đều chưa vượt qua được bẫy thu nhập trung bình.

Ông đúc kết rằng một yếu tố quyết định là các nền kinh tế Đông Bắc Á này đều có sự điều tiết của Nhà nước, chứ không phải kinh tế thị trường một cách tự do hoàn toàn.

Như thế, nếu Việt Nam muốn phát triển sản xuất công nghiệp nào thì Chính phủ phải điều tiết sao cho vốn vay cho lĩnh vực ưu tiên phải rẻ hơn vốn vay cho các ngành khác, vốn vay cho xuất khẩu phải rẻ hơn vốn vay cho tiêu dùng…

Doanh nghiệp rất nhanh nhạy và họ sẽ biết phát huy tối đa hiệu quả các chính sách ưu đãi ấy.

Nhà nước sẽ tạo ra sự khác biệt, sức mạnh cho nền kinh tế Việt Nam.

Hoàng Anh

Nguồn PLO: https://plo.vn/goc-nhin-lac-quan-cua-doanh-nhan-do-cao-bao-ve-kinh-te-viet-nam-post775720.html