GÓC NHÌN: KINH NGHIỆM THẨM TRA VÀ GIÁM SÁT CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG TẠI VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở VIỆT NAM

Nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động thẩm tra, giám sát của Ủy ban Xã hội về công tác giảm nghèo thời gian qua và có thêm góc nhìn về vấn đề này, Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết 'Kinh nghiệm thẩm tra và giám sát công tác giảm nghèo bền vững tại vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam' của đại biểu Lò Thị Việt Hà - Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội.

Từ năm 1993 đến nay, công tác xóa đói, giảm nghèo đi qua 6 giai đoạn chính (1992-1997, 1998 - 2000, 2001 - 2005, 2006 - 2010, 2012 - 2015, 2016- 2020, 2021-2025). Trong suốt 35 năm thực hiện đổi mới, công tác giảm nghèo của Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng. Việt Nam áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu gắn với mục tiêu phát triển bền vững; đã hoàn thành sớm mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xóa đói, giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới. Kết quả này có ý nghĩa rất to lớn, khẳng định ý chí, quyết tâm cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và toàn dân ta trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, thể hiện tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

Tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước đã giảm từ 58% năm 1993 xuống 22% năm 2005; 9,45% năm 2010, 7% năm 2015 và hết năm 2021 còn 2,23% (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều).

Năm 2021, Chương trình tiếp tục thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 và cũng là năm ban hành Nghị quyết số 24/2021/QH15 của Quốc hội: Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Nghị quyết số 24/2021/QH15 đã đánh dấu giai đoạn quan trọng trong chuyển đổi mục tiêu giảm nghèo, đó là “thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn”, đồng thời chuyển đổi từ giảm nghèo tiếp cận đa chiều sang giảm nghèo đa chiều, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Từ năm 2022, Chương trình mới thực hiện theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Giai đoạn 2022-2025, Việt Nam sẽ áp dụng chuẩn nghèo đa chiều mới theo quy định tại Nghị định 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Để thực hiện Nghị quyết số 24/2021/QH15 của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành hữu quan, các địa phương đã nỗ lực triển khai các nhiệm vụ được Quốc hội giao, đạt được những kết quả bước đầu, nhất là việc đã hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, tổ chức thực hiện Chương trình ở cấp Trung ương; thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia Trung ương và cấp tỉnh cùng với việc phân bổ nguồn vốn từ ngân sách trung ương thực hiện Chương trình. Năm 2022 đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình (Nghị quyết 24) và Quyết định 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình (Quyết định 90) đề ra; một số mục tiêu cụ thể đánh giá vào năm 2025 dự báo cũng có thể đạt được. Cụ thể:

- Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 1,83% (từ 9,35% xuống còn 7,52%), vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đề ra là tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5% hằng năm.

- Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,17% (từ 5,2% xuống còn 4,03%), đạt mục tiêu Nghị quyết 24/2021/QH15 và Quyết định 90/QĐ-TTg đề ra là tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1,0 - 1,5%/năm.

- Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 4,89% (từ 25,91% xuống còn 21,02% (khoảng 970.001 hộ)), vượt mục tiêu Nghị quyết 24/2021/QH15 và Quyết định 90/QĐ-TTg đề ra là tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3,0%/năm.

- Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo (74 huyện) giảm 6,35% (từ 44,97% xuống còn 38,62%), vượt mục tiêu Quyết định 90/QĐ-TTg đề ra là tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm. Tổng số hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 56.041 hộ (từ 431.182 hộ xuống còn 375.141 hộ), chiếm tỷ lệ 20,54% trong tổng số hộ nghèo giảm cả nước trong năm 2022.

(nguồn: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội)

Ủy ban Xã hội là cơ quan của Quốc hội phụ trách các lĩnh vực: lao động, việc làm, y tế, dân số, an sinh xã hội, bình đẳng giới, thi đua, khen thưởng, phòng, chống nạn xã hội. Ủy ban có chức năng thẩm tra, giám sát các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết; thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; giám sát, kiến nghị việc thực thi pháp luật thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách; tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

2.1. Về hoạt động thẩm tra Báo cáo của Chính phủ

Việc thẩm tra các báo cáo của Chính phủ được thực hiện theo quy định của Nghị quyết 24 (thẩm tra hằng năm). Hiện nay, Ủy ban chủ trì thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Ủy ban luôn chủ động sớm xây dựng kế hoạch, đề cương gửi Chính phủ. Thường trực Ủy ban cũng tổ chức các cuộc làm việc với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các cơ quan có liên quan; tổ chức các đoàn giám sát, khảo sát tại địa phương hoặc gửi công văn đề nghị địa phương báo cáo; tổ chức các cuộc họp, làm việc với các chuyên gia; đề nghị các thành viên Ủy ban là đại biểu chuyên trách ở địa phương tiến hành giám sát, khảo sát và gửi báo cáo về Ủy ban.

Trên cơ sở báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan, Thường trực Ủy ban dự thảo báo cáo thẩm tra, trong đó bám sát các quy định Nghị quyết của Quốc hội và đề cương của Ủy ban. Việc thẩm tra báo cáo của Chính phủ được tổ chức tại các Phiên họp toàn thể và trên cơ sở ý kiến của các thành viên Ủy ban, Thường trực Ủy ban nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện báo cáo thẩm tra và gửi các đại biểu Quốc hội nghiên cứu tại các kỳ họp Quốc hội.

Thường trực Ủy ban Xã hội họp phiên mở rộng thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững.

2.2. Về hoạt động giám sát

Hằng năm, trên cơ sở chương trình giám sát của Quốc hội, Thường trực Ủy ban dự kiến các hoạt động giám sát của Ủy ban, xây dựng Nghị quyết về chương trình giám sát của năm tiếp theo và biểu quyết thông qua Nghị quyết tại Phiên họp toàn thể. Về cơ bản, các hoạt động giám sát của Ủy ban thực hiện theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, cũng như Quy chế hoạt động của Ủy ban, bảo đảm thực hiện và tuân thủ điều phối chung của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thời gian và địa bàn giám sát.

Đối với giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, sau khi Nghị quyết số 24/2021/QH15 của Quốc hội ban hành và có hiệu lực, Quốc hội đã thành lập đoàn giám sát và triển khai Kế hoạch chi tiết số 345/KH-ĐGS ngày 24/11/2022 của Đoàn giám sát “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”. Đề chuẩn bị cho Đoàn giám sát, Ủy ban đã triển khai các hoạt động theo các bước sau:

(1) Chuẩn bị từ sớm từ xa thông qua việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, nhận diện những hạn chế, vướng mắc, bất cập làm cơ sở để phục vụ cho Đoàn giám sát.

(2) Thu thập toàn bộ hệ thống văn bản, báo cáo, tài liệu có liên quan đến Chương trình làm căn cứ đánh giá việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và các nội dung Chương trình đang thực hiện.

(3) Triển khai phân tích chính sách, dữ liệu để có cơ sở đánh giá bước đầu những nội dung cần quan tâm như số liệu về kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trong đó có phân tích số liệu tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số.

Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương – Trưởng Đoàn giám sát chuyên đề việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia chủ trì phiên họp thứ Tám của Đoàn giám sát.

(4) Tổ chức các cuộc tọa đàm với chuyên gia để thu thập thêm thông tin và có đánh giá đa chiều.

(5) Xây dựng kế hoạch, đề cương, chương trình cụ thể để triển khai giám sát căn cứ theo Kế hoạch của Đoàn giám sát của Quốc hội. Đề xuất các địa phương để giám sát bảo đảm lựa chọn các địa phương có nhiều hộ đân tộc thiểu số và thuộc đối tượng áp dụng của Chương trình.

(6) Ngay sau khi được duyệt, sớm triển khai gửi công văn đến các địa phương để chuẩn bị báo cáo, yêu cầu gửi đúng thời hạn để Đoàn giám sát có thời gian nghiên cứu tài liệu và dự thảo Báo cáo giám sát bước đầu trước khi Đoàn đến địa phương làm việc. Báo cáo cần nêu rõ các vấn đề nổi bật, tham mưu đến lãnh đạo Đoàn.

(7) Quá trình triển khai giám sát tại địa phương, cần căn cứ trên các nội dung đã chuẩn bị để tìm hiểu sâu hơn, kỹ hơn các vấn đề quan tâm, đồng thời trao đổi với địa phương về các nội dung cần quan tâm. Quá trình giám sát tại các địa phương, Ủy ban luôn chủ động phối hợp với các Bộ, ngành để đảm bảo tính chính xác và tăng cường hiệu quả chất lượng cho việc xây dựng báo cáo của Đoàn giám sát tại địa phương. Làm rõ những vấn đề bất cập, vướng mắc, khó khăn của địa phương và đề xuất các kiến nghị, giải pháp.

(8) Về giám sát cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Ủy ban luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trong việc trao đổi thông tin. Lên kế hoạch để triển khai giám sát các đơn vị thực hiện và sớm gửi văn bản để các cơ quan chủ động trong việc xây dựng báo cáo đảm bảo đầy đủ, bám sát đề cương và kịp thời nhất.

(9) Trong quá trình triển khai Kế hoạch của Đoàn giám sát, Tổ Công tác Ủy ban luôn chủ động trong việc thu thập báo cáo, chủ động xây dựng, cập nhật các báo cáo, phụ lục theo từng giai đoạn.

(10) Về nội dung cần phân tích đánh giá, việc thực hiện mục tiêu đề ra của Nghị quyết số 24/2021/QH15 của Quốc hội giảm nghèo đa chiều theo 6 dịch vụ xã hội và 12 chỉ tiêu; việc thực hiện các Dự án, Tiểu dự án đã đảm bảo theo chuẩn nghèo đa chiều hay chưa; xác định nội dung, đánh giá mục tiêu, các hoạt động, nguồn lực của từng Dự án; giai đoạn hiện nay Chương trình đang đi vào vũng lõi nghèo với địa bàn, đối tượng các tỉnh thuộc đồng bào dân tộc thiểu số.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh - Phó trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia chủ trì cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát với UBND huyện Bình Gia, Lạng Sơn.

Qua việc triển khai hoạt động giám sát theo các bước nêu trên, Ủy ban Xã hội đã rút ra một số bài học kinh nghiệm trong việc thẩm tra và giám sát công tác giảm nghèo bền vững tại vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam như sau:

Một là: Chuẩn bị từ sớm từ xa xây dựng kế hoạch thẩm tra, giám sát từ đầu năm, chủ động trong việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, phân tích đánh giá tiên độ triển khai thực hiện, nhận diện những hạn chế, vướng mắc, bất cập làm cơ sở để phục vụ cho Đoàn giám sát.

Hai là: Thành lập Đoàn giám sát ngay từ khi mới triển khai Chương trình được 1,5 năm sau khi Quốc hội phê duyệt Nghị quyết số 24/2021/QH15 của Quốc hội để đánh giá tình hình triển khai chính sách giảm nghèo, phân tích thuận lợi khó khăn, từ đó đề xuất kiến nghị hoàn thiện chính sách giảm nghèo bền vững.

Ba là: Tăng cường phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân trong hoạt động thẩm tra, giám sát. Huy động sự tham vấn của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, đánh giá thực tiễn đầy đủ, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, của đối tượng trực tiếp chịu sự tác động của dự luật để đảm bảo tính phản biện, khách quan.

Bốn là: Triển khai Đoàn giám sát cần huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, người có kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về giảm nghèo để tham gia Đoàn giám sát; tổ chức hội thảo, tọa đàm chuyên gia để tư vấn, đánh giá chính sách cho sâu sắc hơn.

Năm là: Thu hút sự tham gia tích cực của các thành viên Ủy ban trong hoạt động thẩm tra, giám sát. Điều phối các Đoàn giám sát để bảo đảm thành phần Đoàn giám sát tinh gọn, chuyên môn sâu. Đề nghị các đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương là thành viên Ủy ban chủ động thực hiện các nội dung giám sát và gửi báo cáo kết quả giám sát tới Thường trực Ủy ban.

Sáu là: Tổ chức Đoàn giám sát cần chuẩn bị kỹ nội dung, thực hiện lồng ghép các nội dung giám sát để tiết kiệm nguồn lực và thời gian; chú trọng bảo đảm việc điều hòa hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội. Thực hiện hoạt động giám sát thực tế đến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách nhằm nắm bắt được cụ thể thực trạng vấn đề cần giám sát. Các đề xuất, kiến nghị giám sát, kết luận phiên giải trình cần phải cụ thể, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trong việc giám sát thực hiện kiến nghị giám sát, kết luận phiên giải trình./.

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=83620