Góc nhìn đa chiều về vụ án Trần Hùng

Hồ sơ cho thấy không có chứng cứ trực tiếp xác định ông Trần Hùng nhận 300 triệu đồng mà chỉ có chứng cứ gián tiếp là những lời khai bất nhất của bị cáo Nguyễn Duy Hải.

LTS: Vụ án sách lậu liên quan đến cựu cục phó Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Trần Hùng vừa khép lại với bản án phúc thẩm phạt ông Hùng chín năm tù. Bản án này có hiệu lực pháp luật ngay sau khi tòa tuyên án, song dư luận và các chuyên gia pháp lý vẫn chưa thật sự an tâm khi soi rọi nó dưới lăng kính của nguyên tắc suy đoán vô tội.

Báo Pháp Luật TP.HCM xin đăng tải ý kiến của các chuyên gia nhằm góp thêm góc nhìn đa chiều về vụ án này.

***

Tối 23-1, HĐXX TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên bác kháng cáo kêu oan, giữ nguyên mức án sơ thẩm chín năm tù về tội nhận hối lộ đối với bị cáo Trần Hùng, cựu cục phó Cục Quản lý thị trường (QLTT).

Ngày 29-1, trao đổi với PV, bà Hoàng Thu Hiền, vợ bị cáo Trần Hùng, cho biết gia đình sẽ có đơn đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét bản án phúc thẩm đối với ông Hùng theo thủ tục giám đốc thẩm.

Ông Trần Hùng luôn phủ nhận việc nhận 300 triệu đồng từ Nguyễn Duy Hải; ông kêu oan từ giai đoạn điều tra đến phiên tòa phúc thẩm. Trong ảnh: Bị cáo Trần Hùng tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: BÙI TRANG

Lần gặp đầu: Chắc chắn; lần gặp thứ hai: Chưa rõ

Theo hồ sơ và bản án sơ thẩm, một sự thật khách quan đã được xác định: Ngày 15-7-2020, Nguyễn Duy Hải mang túi đen vào phòng làm việc của ông Hùng, nói biếu tổ công tác 300 triệu đồng, bị ông Hùng chửi, đuổi và yêu cầu mang túi tiền ra ngoài. Hải đi ăn cơm với hai đồng nghiệp của ông Hùng rồi quay lại khu vực phòng làm việc của ông Hùng.

Tuy nhiên, về việc Hải có gặp và đưa 300 triệu đồng cho ông Trần Hùng và Trần Hùng có nhận số tiền này hay không thì vẫn còn tranh cãi.

Hải khai Hải đưa tiền cho ông Hùng vào khoảng 13 giờ cùng ngày tại phòng làm việc của ông Hùng; Hải gọi điện thoại cho bà Thuận (giám đốc công ty sách giả) rồi đưa máy cho ông Hùng nói chuyện, ông Hùng hướng dẫn bà Thuận thay đổi lời khai theo hướng có lợi cho bà Thuận.

Còn ông Hùng thì khai sau khi đuổi Hải ra khỏi phòng thì ông về nhà và ở nhà dự đám giỗ, không có mặt tại nơi làm việc ở thời điểm 13 giờ. Ngoài ra, luật sư bào chữa còn thu thập và trưng ra dữ liệu cột sóng điện thoại của ông Hùng; theo đó, tại thời điểm 13 giờ thì vị trí cột sóng điện thoại thể hiện không phải tại phòng làm việc.

Đánh giá chứng cứ

Bị cáo Trần Hùng và luật sư đưa ra bằng chứng ngoại phạm là vào thời điểm mà tòa kết luận Trần Hùng đã nhận 300 triệu đồng tiền hối lộ của Hải, Hùng không có mặt ở “nơi nhận tiền”. Chứng cứ đó là Trần Hùng đang dự đám giỗ tại nhà riêng ở quận Ba Đình (Hà Nội) vào thời gian được cho là đã nhận hối lộ. Đáng chú ý, luật sư viện dẫn dữ liệu từ cột sóng điện thoại, cho thấy vào các mốc thời gian trưa 15-7-2020, ông Hùng đang ở nhà riêng (quận Ba Đình, Hà Nội).

Điều này đồng nghĩa việc ông Hùng có chứng cứ ngoại phạm, không có mặt tại phòng làm việc ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) từ 13 giờ 10 đến 13 giờ 15 để nhận 300 triệu đồng như cáo buộc. Luật sư tiếp tục viện dẫn lời khai, sơ đồ, thực nghiệm điều tra, cho thấy trong khoảng thời gian từ 13 giờ 10 đến 13 giờ 15, ông Hải ở hai địa điểm khác nhau là quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng (Hà Nội).

Như vậy, hai người ở hai địa điểm khác nhau, không thể có sự gặp gỡ để đưa, nhận hối lộ 300 triệu đồng. Tuy nhiên, cơ quan tố tụng lại bảo lưu quan điểm buộc tội với lập luận rằng: Định vị điện thoại, dữ liệu cột sóng điện thoại không đủ căn cứ xác định chủ điện thoại đang ở cùng chiếc điện thoại…

Tôi sẽ kiên trì kêu oan cho chồng

Tôi sẽ có đơn đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét bản án phúc thẩm đối với chồng tôi theo thủ tục giám đốc thẩm, sẽ kiên trì làm sáng tỏ nỗi oan của anh ấy. Tôi từng kiến nghị lên nhiều cơ quan cấp trên và đã nhận được văn bản trả lời sẽ lưu tâm vấn đề này, sẽ xem xét hồ sơ.

Trong vụ này, anh Hùng không nhận tội, lại rõ ràng có chứng cứ ngoại phạm. Vào thời điểm bị cáo buộc nhận tiền, chồng tôi đang ở nhà ăn giỗ, có nhân chứng là bảo vệ, giúp việc trong bữa giỗ đấy nhưng người ta không thừa nhận và cho rằng có yếu tố quen biết nên bênh nhau…

HOÀNG THU HIỀN, vợ bị cáo Trần Hùng

Những lời khai bất nhất của Hải

Diễn biến xét xử cho thấy dấu hiệu của việc tòa sử dụng những lời khai không nhất quán của Nguyễn Duy Hải để kết tội Trần Hùng. Cụ thể là Hải có gần 10 lần khai đưa tiền cho ông Hùng nhưng lại không thống nhất về thời gian, có sự thay đổi hoặc mâu thuẫn.

Tuy nhiên, việc nhân chứng Hải (bị tòa sơ thẩm xử phạt 27 tháng tù, bị cáo không kháng cáo nên tư cách tố tụng của Hải tại phiên phúc thẩm là nhân chứng) xin xét xử vắng mặt và được HĐXX chấp thuận, có thể nói đã khiến cho nguyên tắc tranh tụng chưa được bảo đảm tại phiên tòa phúc thẩm như tinh thần khoản 5 Điều 103 Hiến pháp năm 2013.

Bàn sâu hơn về diễn biến tại phiên xử, tuy thừa nhận ông Nguyễn Duy Hải có nhiều lời khai mâu thuẫn theo thời gian nhưng kiểm sát viên lại cho rằng “đây là diễn biến dễ hiểu” do ban đầu ông Hải bị xáo trộn tâm lý, về sau ổn định và thống nhất lời khai về việc đưa 300 triệu đồng cho ông Hùng.

Đúng ra VKS cần ưu tiên xem xét toàn bộ lời khai của Nguyễn Duy Hải theo hướng mọi nghi ngờ phải được giải thích theo hướng có lợi cho người bị buộc tội (bị cáo Hùng). Tuy nhiên, đại diện VKS dường như chỉ kết luận mà không tranh luận về giá trị chứng cứ của lời khai buộc tội bất nhất của nhân chứng duy nhất.

Phải chứng minh bị cáo có hành vi nhận tiền

Để có thể xử lý hình sự được ông Trần Hùng về tội nhận hối lộ 300 triệu đồng (theo Điều 354 BLHS năm 2015) trong vụ án này thì cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh ông Trần Hùng có hành vi nhận 300 triệu đồng này.

Do không có chứng cứ trực tiếp chứng minh ông Trần Hùng nhận 300 triệu đồng nên các cơ quan tiến hành tố tụng thông qua các chứng cứ gián tiếp khác để chứng minh ông Trần Hùng có hành vi nhận 300 triệu đồng.

Tuy nhiên, các chứng gián tiếp liên quan cụ thể đến hành vi nhận tiền của ông Trần Hùng đều chưa thể khẳng định ông có nhận tiền hay không, mà đây là mấu chốt quan trọng nhất của tội nhận hối lộ.

Cụ thể, lời khai duy nhất cùng sơ đồ Nguyễn Duy Hải vẽ phòng làm việc của ông Trần Hùng không phải là chứng cứ để xác định ông Trần Hùng có nhận tiền hay không.

Cơ quan tiến hành tố tụng còn căn cứ vào lời khai của bà Thuận, Nguyễn Mạnh Hà và Hải để xác định túi nylon đen Hải mang đến phòng làm việc của ông Trần Hùng và mang đến quán ăn có chứa 300 triệu đồng. Vấn đề đặt ra là làm sao xác định có 300 triệu đồng trong túi nylon đen và ông Trần Hùng có nhận túi nylon đó không? VKS kết luận Hải đưa tiền trong khoảng 13 giờ 10 đến 13 giờ 15 nhưng không có chứng cứ nào chứng minh việc giao túi nylon đen cả.

Bên cạnh đó, ngay cả trong trường hợp xác định đúng thời điểm thì cũng không có nghĩa là ông Trần Hùng nhận tiền. Bởi đặc điểm của tội nhận hối lộ là phải chứng minh được hành vi khách quan là nhận hoặc sẽ nhận của hối lộ. Trong vụ án này, cơ quan điều tra không chứng minh được có hành vi nhận hối lộ của ông Trần Hùng với chứng cứ trực tiếp mà thông qua các chứng cứ gián tiếp khác. Nên nhớ rằng các chứng cứ gián tiếp này không thể thay thế cho chứng cứ trực tiếp được. Hay nói cách khác, cơ quan tố tụng chưa thể chứng minh ông Trần Hùng có hành vi nhận hối lộ và do đó phạm tội nhận hối lộ.

Nguyên tắc suy đoán vô tội, Điều 13 BLTTHS năm 2015 quy định rất rõ: Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.

Do đó, theo nguyên tắc suy đoán vô tội thì không thể kết tội ông Trần Hùng về tội nhận hối lộ vì không thể trực tiếp chứng minh ông nhận hối lộ, các chứng cứ gián tiếp mà các cơ quan tiến hành tố tụng đưa ra để buộc tội ông Trần Hùng không đủ để có thể kết luận ông có hành vi nhận hối lộ.

TS PHAN ANH TUẤN, Trường ĐH Luật TP.HCM

ThS LƯU ĐỨC QUANG, khoa Luật Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM

Nguồn PLO: https://plo.vn/goc-nhin-da-chieu-ve-vu-an-tran-hung-post774280.html