Góc nhìn của truyền thông là cách để ngành du lịch soi lại mình

Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho rằng, góc nhìn của phóng viên cũng là một kênh để ngành du lịch soi lại xem mình đang thiếu gì, cần triển khai nội dung gì trong thời gian tới.

Sáng 7/12, Sở Du lịch TP.HCM tổ chức tọa đàm "Vai trò truyền thông trong du lịch". Chương trình nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Du lịch TP.HCM lần thứ 3 năm 2023.

Phát biểu khai mạc, ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó giám đốc Sở Du lịch cho biết, năm 2023, du lịch TP.HCM đạt được nhiều kết quả khả quan. 11 tháng đầu năm, ngành du lịch đạt hầu hết kế hoạch đưa ra, doanh thu về du lịch đạt trên 160.000 tỉ đồng, cao hơn 25% so với năm 2019 - thời điểm trước dịch Covid-19.

Đáng chú ý, theo Phó giám đốc Sở Du lịch, dù lượng khách trong nước, quốc tế chỉ đạt 65% nhưng doanh thu du lịch đạt được đúng như lãnh đạo TP đề ra. Trong đó, ông Hòa cho rằng có sự đóng góp lớn của truyền thông. "Từ các góc nhìn của phóng viên, chúng tôi xem là cách để ngành du lịch soi lại xem mình đang thiếu gì, cần triển khai nội dung gì trong thời gian tới", ông Hòa chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM và ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM chủ trì tọa đàm

Ông Hòa cũng rút ra năm vấn đề quan trọng đối với vai trò truyền thông trong du lịch. Thứ nhất, phải công khai minh bạch vì đây chính là mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi giữa báo chí và ngành du lịch. Sự minh bạch công khai trong truyền thông được hiểu là thái độ hợp tác tích cực, cởi mở về thông tin giữa hoạt động du lịch và báo chí, ngay cả với những trường hợp thông tin bất lợi. Ngành du lịch cần truyền thông với tư cách các kênh truyền thông trung lập, mạnh mẽ, hiệu quả để thông điệp truyền thông của doanh nghiệp được lan tỏa.

Thứ hai, muốn thực hiện hiệu quả đòi hỏi phải đổi mới công tác thông tin tuyên truyền, qua công tác truyền thông sẽ lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến với công chúng; hướng đến nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, báo chí theo hướng nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại.

Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động truyền thông. Thứ tư, công tác truyền thông cần bám sát định hướng về tính nhân văn và hiện đại, có trách nhiệm với xã hội, cộng đồng và môi trường. Cả ngành du lịch và đội ngũ phóng viên cần phải có cách tiếp cận mới, chuyên mục có thương hiệu riêng, định hướng dư luận và quảng bá xúc tiến du lịch.

Thứ năm, nhu cầu của độc giả, khách du lịch ngày càng nâng cao nên việc cung cấp thông tin truyền thông cần khẩn trương hơn mới nâng cao được hiệu quả truyền thông. Do vậy cơ quan quản lý, cụ thể Sở Du lịch TP cần cởi mở, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí và các kênh tuyền thông; lực lượng truyền thông cũng phải có cái nhìn khách quan hơn, đồng hành cùng nhau để có những thông tin bổ ích, có giá trị hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc và truyền thông tốt hơn cho sự phát triển của ngành du lịch TP.

Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các cơ quan truyền thông, doanh nghiệp du lịch

Chia sẻ trong buổi tọa đàm, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên cho biết, vai trò phổ biến, gần gũi nhất của truyền thông với du lịch là quảng bá sản phẩm du lịch của doanh nghiệp, địa phương hay mỗi quốc gia đến công chúng. Không chỉ giới thiệu, báo chí, truyền thông còn tư vấn và định hướng cho du khách qua các thông tin chân thực, khách quan, rõ ràng và đầy đủ về điểm đến, sản phẩm, dịch vụ...

Theo ông Nguyễn Ngọc Toàn, dù được gọi là ngành "công nghiệp không khói", nhưng thực tế những ngành đầu vào và đầu ra của du lịch thì lại "rất nhiều khói". Vì thế, truyền thông trong ngành du lịch phải đặc biệt lưu tâm đến "truyền thông xanh", đó là truyền thông về công tác bảo vệ môi trường, cảnh quan trong du lịch.

Nhà báo Lê Thế Chữ, Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ cũng nhìn nhận, dù có khá nhiều tin bài truyền thông về ngành du lịch TP trong năm qua, nhưng ông cho rằng chưa có nhiều hình ảnh con người TP.HCM, trong khi, yếu tố con người đóng vai trò quan trọng trong du lịch. Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ cũng gợi ý xây dựng sản phẩm du lịch cho Thiềng Liềng như dựa trên đặc thù muối mặn của ấp đảo này để khách trải nghiệm "tắm biển chết" như mô hình ở Israel.

Tuần lễ Du lịch TP.HCM 2023 với chủ đề Xanh trên mỗi hành trình

Nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng biên tập Báo Người Lao Động thì đề nghị, ngành du lịch TP cần chú trọng xây dựng các tour tuyến mới nghỉ dưỡng, chữa bệnh, mua sắm; tăng cường các sản phẩm mua sắm mang tính truyền thống, handmade… làm sao các sản phẩm du lịch mang tính hồn cốt, văn hóa TP.HCM nói riêng, Việt Nam nói chung.

Nhà báo Tô Đình Tuân cũng cho rằng, du lịch TP cần tăng cường khai thác các sản phẩm đường sông, các sản phẩm quận huyện, đồng thời phát triển du lịch TP.HCM cần gắn kết với Tây Nam bộ và Đông Nam bộ để đa dạng điểm đến cho khách.

Tổng Biên tập Báo Phụ nữ, bà Lý Việt Trung thông tin: Qua một khảo sát có đến 60% người dân tiếp cận thông tin qua mạng xã hội. Dù Sở Du lịch có kênh du lịch nhưng chưa có nhiều lượt xem. Do đó, ngành Du lịch cần chủ động hơn nữa trong công tác truyền thông, đặc biệt là tiếp cận nhiều hơn nữa trong việc phát triển các kênh mạng xã hội để tăng cường quảng bá, thu hút khách.

Sau khi lắng nghe các góp ý của lãnh đạo cơ quan báo chí, truyền thông, Phó giám đốc Sở Du lịch Lê Trương Hiền Hòa nhấn mạnh "vai trò của truyền thông rất lớn" với ngành du lịch. Theo ông Hòa, sự phối hợp giữa truyền thông và ngành du lịch là phương án cộng hưởng nguồn lực, mang đến hiệu quả kép tối ưu để thu hút khách du lịch đến Việt Nam và kích thích nhu cầu du lịch của du khách nội địa, góp phần đưa du lịch ngày càng phát triển.

Phương Hà

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-dong/goc-nhin-cua-truyen-thong-la-cach-de-nganh-du-lich-soi-lai-minh-c2a64843.html