Gỡ vướng trong tổ chức hoạt động các điểm bưu điện - văn hóa xã

Thế nhưng, mấy năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ cũng như các doanh nghiệp chuyển phát “mọc lên như nấm”, điểm bưu điện - văn hóa xã liệu đã kết thúc “sứ mệnh” của mình?

Trên địa bàn tỉnh hiện có 128 điểm bưu điện - văn hóa xã. Hoạt động của các điểm bưu điện - văn hóa xã giữ vai trò quan trọng trong việc phục vụ các tiện ích công cộng tại nông thôn, là một trong những tiêu chí đánh giá nông thôn mới theo quy định của Nhà nước. Đây là nơi triển khai các chương trình, đề án, dự án truyền thông đưa thông tin về nông thôn, phục vụ nhu cầu đọc sách, báo của người dân, các điểm bưu điện - văn hóa xã còn cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, chi trả tiền lương hưu, cung ứng hàng hóa cho người dân nông thôn, tiến tới thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Tuy nhiên, theo rà soát của Bưu điện tỉnh Lào Cai, trong tổng số 128 điểm bưu điện văn hóa xã, chỉ 65 điểm được đánh giá là hoạt động hiệu quả; 63 điểm còn lại hoạt động cầm chừng hoặc kém hiệu quả, tập trung chủ yếu tại các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Cá biệt một số xã chưa được xây dựng điểm bưu điện - văn hóa xã, Bưu điện tỉnh Lào Cai phải phối hợp với chính quyền địa phương “mượn” phòng, bố trí địa điểm phục vụ trong khuôn viên UBND xã. Tùy điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương, có những điểm bưu điện - văn hóa xã chỉ mở cửa 4 giờ/ngày, phần lớn thời gian đều “cửa đóng then cài”, chưa thể phát huy được công năng như kỳ vọng.

Đơn cử như điểm Bưu điện - văn hóa Thanh Kim (nay là xã Thanh Bình, thị xã Sa Pa), Bưu điện tỉnh đang đề xuất thanh lý tài sản, làm thủ tục cấp đổi đất ra bên ngoài khu vực khuôn viên trụ sở UBND xã, nhưng việc triển khai gặp nhiều vướng mắc liên quan đến vấn đề quy hoạch. Cụ thể, Bưu điện Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý. Theo quy định, việc thay đổi phương án sắp xếp xử lý các cơ sở nhà đất phải được Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính phê duyệt. Do vậy, Tổng Công ty và Bưu điện tỉnh Lào Cai không được tự ý trả lại đất cho địa phương khi chưa có sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền. Việc thu hồi đất của điểm Bưu điện - văn hóa Thanh Kim hiện nay thuộc trường hợp phải do HĐND tỉnh chấp thuận. Tiếp đó, Bưu điện tỉnh phải làm việc với chính quyền địa phương, hoàn thiện hồ sơ để Bưu điện Việt Nam báo cáo với Bộ Thông tin và Truyền thông về việc thay đổi phương án sắp xếp nhà đất theo quy trình.

Tương tự, điểm Bưu điện - văn hóa xã Nậm Tha (Văn Bàn) cũng đang gặp nhiều khó khăn trong tổ chức hoạt động. Do được xây dựng trong khuôn viên trụ sở Đảng ủy - UBND xã nên việc sửa chữa, mở rộng các dịch vụ không thể triển khai, cả ngày chỉ có vài người dân đến giao dịch, cập nhật thông tin.

Không chỉ đối với xã Thanh Bình (thị xã Sa Pa) hoặc xã Nậm Tha (Văn Bàn), hiện nay, ở nhiều địa phương trong tỉnh, việc thay đổi quy hoạch, bố trí địa điểm mới, cơ sở hạ tầng, vật chất cho điểm bưu điện - văn hóa xã không chỉ yêu cầu nhiều thủ tục, quy trình do chính quyền địa phương cấp xã, huyện, tỉnh thực hiện mà còn liên quan tới nhiều bộ, ngành trung ương.

Đến các điểm bưu điện - văn hóa xã trên địa bàn các huyện Mường Khương, Bắc Hà, Văn Bàn, Sa Pa… chúng tôi cũng thấy có nhiều điểm đã xuống cấp, hoạt động cầm cự, người dân đến giao dịch thưa thớt, hạn chế về dịch vụ kinh doanh bưu chính, viễn thông.

Được biết, để duy trì hoạt động các điểm bưu điện - văn hóa xã, hằng năm, Bưu điện tỉnh chi khoảng 840 triệu đồng để hỗ trợ nhân viên trực. Ngoài hoa hồng dịch vụ, các nhân viên điểm bưu điện - văn hóa xã sẽ được hỗ trợ từ 744.500 đồng đến hơn 1 triệu đồng, gồm tiền thù lao cố định, ăn ca và đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, phụ cấp trách nhiệm. Đối với các điểm bưu điện - văn hóa xã ở vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn rất ít khách hàng đến sử dụng dịch vụ, tiền hoa hồng gần như không có. Với thu nhập ít ỏi trên dưới 1 triệu đồng/tháng, nhiều nhân viên bưu điện - văn hóa xã chưa tâm huyết với việc trực phục vụ tại các điểm bưu điện - văn hóa xã.

Về phía doanh nghiệp, việc để các điểm bưu điện - văn hóa xã hoạt động kém hiệu quả là việc “cực chẳng đã”, bởi vai trò của nó vẫn còn rất lớn. Trước tình hình này, thời gian qua, Bưu điện tỉnh Lào Cai đang từng bước tái cơ cấu hoạt động, trong đó thực hiện nâng cấp và chuyển đổi hoạt động của các điểm bưu điện - văn hóa xã là một trong những mục tiêu quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay, còn nhiều khó khăn, trở ngại đang cản trở việc tái cơ cấu của ngành bưu điện, như còn nhiều điểm bưu điện - văn hóa xã hiện đang đặt trong khuôn viên trụ sở UBND xã hoặc được bố trí ở các vị trí không thuận lợi, cách xa khu dân cư… Điều này tác động khá lớn đến công tác tổ chức hoạt động và kinh doanh.

Bưu điện tỉnh đã nhiều lần làm việc với các địa phương đề xuất bố trí vị trí phù hợp nhưng điều này lại phụ thuộc vào quy hoạch cũng như quỹ đất của địa phương. Nhiều địa phương không còn quỹ đất cũng như vấn đề quy hoạch không phù hợp sẽ cần phải điều chỉnh, trong khi việc điều chỉnh lại đòi hỏi nhiều bước của các cơ quan có thẩm quyền.

Điểm bưu điện - văn hóa xã đang đứng trước thách thức bắt buộc phải tự “chuyển mình” để có thể tồn tại, duy trì hoạt động và phát huy thế mạnh về dịch vụ công cộng trong thời đại mới.

Theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh, hiện có tới gần 50% số điểm bưu điện - văn hóa xã hoạt động không hiệu quả. Thực trạng đã được chính doanh nghiệp vận hành cũng như cơ quan quản lý nhà nước nhìn nhận rõ. Thế nhưng, việc chuyển đổi ra sao để phát huy được hiệu quả của các điểm bưu điện này vẫn đang là bài toán khó cho cả doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý.

Theo ông Trần Anh Sơn, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Lào Cai thì doanh nghiệp đang quyết tâm đổi mới hoạt động của các điểm bưu điện - văn hóa xã. Những năm gần đây, Bưu điện tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp từng bước tháo gỡ khó khăn, phục hồi hoạt động các điểm bưu điện - văn hóa xã theo hướng đa dạng hóa loại hình kinh doanh, cải thiện chất lượng dịch vụ. Cùng với đó, để nâng cao thu nhập cho người lao động, Bưu điện tỉnh đã gắn thu nhập của cán bộ, nhân viên với kết quả kinh doanh của các điểm bưu điện - văn hóa xã, đồng nghĩa với việc người lao động muốn nâng cao thu nhập phải nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm này. Với tình trạng cơ sở vật chất, hạ tầng của hầu hết các điểm bưu điện - văn hóa xã đang xuống cấp, Bưu điện tỉnh đã xây dựng kế hoạch đầu tư nâng cấp, sửa chữa để từng bước đảm bảo đủ điều kiện cung cấp các dịch vụ hành chính công và triển khai kinh doanh các dịch vụ khác. Cụ thể, trong năm 2023, Bưu điện tỉnh đã hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp 9 điểm bưu điện - văn hóa xã. Dự kiến năm 2024 sẽ tiếp tục cải tạo, sửa chữa thêm 10 điểm bưu điện - văn hóa xã.

Hiện nay, Bưu điện tỉnh đang chuyển hướng xây dựng các điểm bưu điện - văn hóa xã thành mô hình đa dịch vụ để địa điểm này không chỉ là nơi cung cấp dịch vụ bưu chính chuyển phát, đọc sách báo mà còn là nơi cung cấp các dịch vụ công cấp độ 3, 4 theo yêu cầu của Chính phủ và người dân. Đây cũng là nơi chi trả trợ cấp xã hội, lương hưu; tiếp nhận, chuyển phát hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe, hồ sơ bảo hiểm xã hội; thu tiền điện, tiền nước, bán lẻ hàng tiêu dùng. Mô hình này đã được triển khai và bước đầu mang lại hiệu quả (chủ yếu tại các xã khu vực vùng thấp, có điều kiện kinh tế, xã hội phát triển).

Điểm Bưu điện - văn hóa xã Lùng Vai (Mường Khương) là điển hình trong thực hiện nâng cao chất lượng hoạt động. Vào những ngày đầu năm Giáp Thìn, chúng tôi thấy nhân viên ở đây bận rộn hơn bởi nhiều khách hàng tới sử dụng dịch vụ. Tại đây, bên cạnh dịch vụ chuyển phát, người dân địa phương, khách hàng còn được hỗ trợ sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, phổ biến nhất là cấp đổi giấy phép lái xe và nhận trợ cấp xã hội, nhận lương hưu. Ngoài ra, người dân đến đây sẽ được nhân viên bưu điện hỗ trợ thanh toán tiền điện, tiền nước và tiền cước điện thoại, internet…

Tuy nhiên, số điểm bưu điện - văn hóa xã hoạt động hiệu quả như ở xã Lùng Vai hiện chưa nhiều. Bởi từ thực tế cho thấy, các điểm bưu điện - văn hóa xã vận hành theo mô hình đa dịch vụ chỉ hoạt động có hiệu quả tại các xã vùng thấp có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, mật độ dân cư đông. Còn với các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, người dân chưa “mặn mà” tiếp cận với các dịch vụ mới tại các điểm bưu điện - văn hóa xã. Điều đó cũng đang đặt ra thách thức lớn hơn trong việc tìm hướng phát triển dịch vụ ở điểm bưu điện - văn hóa xã sao cho phù hợp với đặc thù từng khu vực để tránh lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp cũng như đảm bảo được các tiêu chí về văn hóa, thông tin - truyền thông trong xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng dịch vụ, Bưu điện tỉnh cũng tập trung vào công tác đào tạo, nâng cao trình độ của nhân viên tại điểm bưu điện - văn hóa xã gắn với rà soát lại, sàng lọc, thay thế những nhân viên không đáp ứng được yêu cầu công việc, đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao năng suất lao động theo mô hình vận hành khép kín.

Ông Trần Anh Sơn, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Lào Cai nhấn mạnh: Thời gian tới, để hoạt động của các điểm bưu điện - văn hóa xã ngày càng hiệu quả, Bưu điện tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 03 về việc xây dựng và phát triển bưu điện - văn hóa xã trong thời kỳ mới của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, trong đó tập trung nâng cấp cơ sở vật chất, mở rộng dịch vụ cho đến nâng cao năng lực, trách nhiệm của nhân viên bưu điện - văn hóa xã. Đặc biệt sẽ đẩy mạnh thực hiện mô hình trưởng bưu điện - văn hóa xã, đây là người đại diện cho Bưu điện Việt Nam trên địa bàn các xã. Đồng thời với đó là huy động sự quan tâm phối hợp của các ngành, các cấp để tháo gỡ vướng mắc cho các điểm bưu điện - văn hóa xã. Doanh nghiệp luôn nỗ lực duy trì hoạt động các điểm bưu điện - văn hóa xã với mục tiêu góp phần nâng cao các giá trị văn hóa, lợi ích xã hội và có những đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, năm 2024, Lào Cai sẽ rà soát, đánh giá lại hoạt động của các điểm bưu điện - văn hóa xã để có những thay đổi phù hợp với tình hình thực tế. Theo đó, doanh nghiệp nhà nước cần tái cơ cấu để có thể tăng sức cạnh tranh, tăng hiệu quả hoạt động mới có thể mang lại lợi nhuận cũng như làm tốt các dịch vụ bưu chính công ích đang đảm nhận.

Ngành bưu điện đang đứng trước thách thức phải đảm bảo kinh doanh có lợi nhuận, vừa phải phát huy vai trò của mình trong thời đại công nghệ số. Theo đó, trong xu hướng chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, bên cạnh hoạt động chuyển phát, hoạt động của các điểm bưu điện - văn hóa xã trước mắt cần hướng tới việc hỗ trợ thực hiện dịch vụ công, làm sao để người dân có thể tiếp cận được các dịch vụ hành chính công theo hướng giải quyết thủ tục hành chính và nhận kết quả tại nhà. Thay vì đánh giá thời đại công nghệ số, các điểm bưu điện - văn hóa xã đã “kết thúc sứ mệnh lịch sử” thì có thể nhận định rằng, các điểm bưu điện - văn hóa xã đang đứng trước cuộc chuyển mình để thực hiện sứ mệnh mới trong thời kỳ mới.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/go-vuong-trong-to-chuc-hoat-dong-cac-diem-buu-dien-van-hoa-xa-post382217.html