'Gỡ vướng' cho mô hình 9+ ở trường tư

Năm học 2023 - 2024, TPHCM dự kiến có khoảng 116.296 học sinh tốt nghiệp THCS, trong đó chỉ khoảng 70% sẽ vào lớp 10 công lập.

Mô hình 9+ vẫn còn nhiều vấn đề cần được tháo gỡ. Ảnh minh họa

Mô hình 9+ vẫn còn nhiều vấn đề cần được tháo gỡ. Ảnh minh họa

Với số học sinh còn lại, “điểm đến” thường là các trường tư, trường nghề hoặc du học... Hiện các trường tại TPHCM đang rốt ráo chuẩn bị kế hoạch tuyển nguồn học sinh này, trong đó hướng học 9+ được nhiều phụ huynh và học sinh quan tâm.

Sẵn sàng đón học sinh

ThS Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM cho hay, năm nay trường dành khoảng 300 chỉ tiêu để tuyển sinh 9+.

“Năm ngoái trường tuyển sinh tăng khoảng 50% so với giai đoạn 2019 - 2020. Năm nay dù mới bắt đầu vào mùa tuyển sinh nhưng tình hình khá khả quan”, ông Lý nói.

TS Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa TPHCM thông tin, năm học 2024 - 2025 trường tuyển 350 chỉ tiêu hệ 9+. Theo ông Sáng, học sinh theo học hệ 9+ có nhiều lợi thế, đó là thời gian học nghề ngắn. Với học sinh tốt nghiệp THCS các em chỉ mất 3 năm là có song bằng (bằng tốt nghiệp THPT hệ giáo dục thường xuyên và bằng trung cấp), 5 năm để có bằng cao đẳng, 7 năm có bằng đại học.

“Người học có việc làm đúng chuyên môn ngay sau khi tốt nghiệp do chương trình được thiết kế với thời gian thực hành (tại doanh nghiệp) từ 55% - 70% thời lượng học. Bên cạnh đó, học sinh còn được miễn 100% học phí, được hỗ trợ vay vốn học tập và du học, làm việc ở các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, CHLB Đức…”, ông Sáng chia sẻ.

Đại diện Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức cho biết, năm nay sẽ tuyển 270 chỉ tiêu học sinh tốt nghiệp lớp 9 học trung cấp (hệ 9+), bao gồm các ngành kế toán doanh nghiệp, quản lý và bán hàng siêu thị, quản lý và kinh doanh nhà hàng và dịch vụ ăn uống, bảo trì và sửa chữa ô tô, điện công nghiệp và điện dân dụng, công nghệ kỹ thuật cơ khí.

Riêng ngành bảo trì và sửa chữa ô tô cùng ngành điện công nghiệp và điện dân dụng, trường đào tạo theo Dự án Hạt giống hy vọng của Viện Hợp tác và Phát triển châu Âu (IECD). Học sinh theo học trong vòng hai năm và sẽ được hoàn trả 100% học phí giáo dục nghề nghiệp nếu đã tốt nghiệp THCS.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Còn nhiều “vướng mắc” cần gỡ

“Mô hình 9+ là rất tốt, rất tiên tiến để tạo điều kiện cho người ta học tập suốt đời”, TS Đặng Văn Sáng nói.

Theo ông Sáng, thời điểm già hóa dân số, người lao động càng khan hiếm dần nên cần phải tạo điều kiện cho người trẻ tham gia sớm vào thị trường lao động. Không thể “sống bám” vào cha mẹ mãi được, đây cũng là xu hướng chung của thế giới.

“Ngay cả các nước rất phát triển như Đức, Mỹ… người ta cũng học nghề sớm, đâu phải ai cũng được bố mẹ nuôi ăn rồi cắp sách đến trường học đến đại học hay học lên nữa”, ông Sáng nói và đánh giá mô hình 9+ là tiên tiến và cần phải khuyến khích phát triển mô hình này.

Theo ông Sáng, tại trường cũng có mô hình 9+, cả học văn hóa lẫn học nghề để đáp ứng nhu cầu của người học. Tuy nhiên, mô hình này cũng có một số bất cập.

Thứ nhất, một số ngành nghề đòi hỏi người học phải đủ 18 tuổi trở lên mới được tham gia thị trường lao động thì rất khó. Khó ở chỗ 15 tuổi tốt nghiệp THCS và đi học, học xong thì mới 17 tuổi nhưng với một số ngành nghề không đủ tuổi đi làm. Vì vậy, việc này cũng phải nghiên cứu trong thời gian tới để gỡ vướng.

Thứ hai, dù học sinh học nghề thì vẫn phải có văn hóa bổ trợ, bởi văn hóa là kiến thức nền tảng giúp con người nhận thức, tư duy. Vì vậy nếu không học văn hóa mà chỉ học nghề cũng rất khó.

“Tuy nhiên, theo Nghị định 81, Nghị định 86 của Chính phủ thì việc hỗ trợ cho học sinh học nghề lại không có phần hỗ trợ học văn hóa. Theo tôi thì phải hỗ trợ thêm cho học sinh học các môn văn hóa bổ trợ”, ông Sáng nói.

Chẳng hạn, với nghề tin học, kế toán thì phải học qua môn Toán vì không có Toán sao người học làm việc được khi ra trường? Hay làm du lịch thì cũng cần học sử, học văn… Nói chung ngành nghề nào cũng phải cần văn hóa, mỗi lĩnh vực phải cần một nhóm kiến thức văn hóa khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay quy định lại không thanh toán cho học sinh phần học văn hóa, vì vậy cũng có phần hạn chế học sinh học nghề.

ThS Nguyễn Đăng Lý cũng cho hay, mô hình 9+ là rất tốt nhưng hiện nay cũng có nhiều vướng mắc cần gỡ. Thứ nhất, hiện nay quy định không cho các trường tự dạy văn hóa mà phải liên kết để giảng dạy. Thứ hai, phần cấp bù học phí cho người học nghề thì theo quy định không cấp thẳng cho trường mà phải lên lấy tiền lại từ Phòng LĐ-TB&XH. Mặc dù Hội đồng Nhân dân TPHCM họp cũng ý kiến nhiều về cấp bù, nhưng việc này rất chậm.

“Ở trường hiện qua 3 học kỳ rồi mà vẫn chưa nhận được tiền. Chúng tôi phải cầm cự 1,5 năm qua rồi, khó khăn lắm”, ông Lý nói. Ngoài ra, theo ông Lý, chính sách Nhà nước về miễn giảm học phí cho người học vẫn còn phân biệt công, tư nên cần giải quyết cho hài hòa hơn nữa.

“Một số ngành nghề đòi hỏi người học phải đủ 18 tuổi trở lên mới được tham gia thị trường lao động thì rất khó. Khó ở chỗ 15 tuổi tốt nghiệp THCS và đi học, học xong thì mới 17 tuổi, nhưng với một số ngành nghề không đủ tuổi đi làm. Vì vậy, việc này cũng phải nghiên cứu trong thời gian tới để gỡ vướng”. - TS Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa TPHCM

Quốc Hải

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/go-vuong-cho-mo-hinh-9-o-truong-tu-post683322.html