Gỡ rối tư vấn hướng nghiệp cho học sinh lớp 12

Theo quy chế tuyển sinh đại học năm 2024 do Bộ GD-ĐT vừa công bố, đăng ký xét tuyển đại học năm nay có nhiều thuận lợi hơn đối với thí sinh. Tuy nhiên, việc các trường đại học thay đổi phương án xét tuyển khiến học sinh lớp 12 gặp khó trước bài toán chọn nguyện vọng xét tuyển.

Rối trước “rừng” thông tin

Thời điểm hiện tại, trong khi bạn bè cùng lớp đã “chốt” xong trường đại học và phương thức xét tuyển thì Phạm Hồ Trường Giang, học sinh lớp 12A6, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4), vẫn băn khoăn, chưa chọn được hướng đi phù hợp. Giang cho biết, hiện nay ngành học em yêu thích có học phí chênh lệch khá lớn giữa các trường, nơi có học phí rẻ hơn thì trường ở cách xa nhà và ngược lại. Ngoài ra, điều kiện xét học bổng của mỗi trường khác nhau khiến Giang đắn đo trước bài toán học phí suốt 4 năm đại học.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4) tham gia một buổi tư vấn hướng nghiệp. Ảnh: THU TÂM

Lê Hoàng Quân, học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức), đã chọn được ngành học và phương thức xét tuyển phù hợp tại một trường đại học gần nhà. Tuy nhiên, gần đây, sau khi tham gia các buổi tư vấn hướng nghiệp do trường tổ chức, em bị dao động bởi có quá nhiều thông tin mới. Nhiều trường đại học tuyển sinh thêm các ngành mới với tên gọi rất hấp dẫn như kinh tế số, khoa học dữ liệu, kỹ thuật giao thông thông minh… “Em được một thầy tư vấn là ngành học mới có tiềm năng phát triển lớn, cơ hội việc làm sau khi ra trường tốt hơn các nghề truyền thống. Song, một giáo viên khác khuyên không nên học ngành mới mà nên chọn ngành nào phù hợp sở trường, năng lực bản thân”, Hoàng Quân cho hay.

Chị Việt Nga, phụ huynh có con đang học lớp 12, Trường THPT Trưng Vương (quận 1), kể, hai mẹ con chị đã tham gia tổng cộng 3 buổi tư vấn tuyển sinh tại trường, tham quan và tìm hiểu cơ sở vật chất của một số trường đại học nhưng “càng nghe nhiều lại càng rối”. Hiện nay, mỗi trường đại học triển khai nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, mỗi phương thức lại có quy định riêng về điều kiện xét tuyển, cách tính điểm nên rất khó đặt lên bàn cân so sánh. “Lựa chọn phương thức xét tuyển nào để cơ hội trúng tuyển cao nhất trở nên rất áp lực vì sai một li, đi một dặm. Các trường đa phần chỉ cung cấp thông tin, học sinh và phụ huynh phải đưa ra lựa chọn”, chị Việt Nga bày tỏ. Chưa kể, việc các trường phổ thông chạy đua tư vấn hướng nghiệp cho học sinh khiến thông tin bị chồng chéo, nội dung tư vấn chủ yếu xoay quanh các ngành đào tạo thế mạnh của các trường đại học khiến học sinh khó có cái nhìn tổng quát về lựa chọn ngành nghề ở bậc đại học.

Xác định đúng thứ tự ưu tiên

Năm học 2024-2025, một trường đại học ở TPHCM thông báo triển khai chương trình thạc sĩ cho sinh viên ở bậc đại học, với mục đích rút ngắn thời gian hơn so với việc hoàn thành từng chương trình đào tạo. Sinh viên vừa học lấy bằng cử nhân vừa kết hợp chương trình đào tạo thạc sĩ. Thông tin này ngay lập tức thu hút sự quan tâm của nhiều học sinh lớp 12 đang đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn đường đi ở bậc đại học. Tuy nhiên, cô Trần Thục Anh, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, cho rằng, học sinh cần cân nhắc nhiều yếu tố như khả năng tài chính của gia đình, sức khỏe và lực học của bản thân để lựa chọn kế hoạch học tập phù hợp. “Một người có thể có nhiều ước mơ. Tuy nhiên, nếu chọn một ước mơ rõ ràng, thiết thực nhất để thực hiện thì mới có nhiều cơ hội thành công”, cô Thục Anh nêu ý kiến.

Học sinh Trường THPT Trần Quang Khải (quận 11, TPHCM) tham gia một buổi tư vấn hướng nghiệp. Ảnh: THU TÂM

Ở góc độ khác, theo Th.S Trương Quang Trị, Phó trưởng Phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, nhiều học sinh lớp 12 hiện nay hay nhầm lẫn giữa nhu cầu thực tế và mục tiêu phát triển bản thân. Theo đó, các em lựa chọn ngành học sao cho cơ hội tìm việc làm, kiếm tiền cao nhất, nhưng đó không phải là mục tiêu phát triển bản thân. Thay vào đó, để xác định ngành nghề phù hợp, học sinh cần hiểu rõ sở trường, thế mạnh, hạn chế của bản thân, biết mình muốn làm gì, trở thành người thế nào trong tương lai.

TS Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM), nhìn nhận, một bộ phận học sinh, phụ huynh hiện nay vẫn có suy nghĩ chọn ngành “hot”, trường “hot” khi vào đại học. Chuyên gia này khẳng định, tên ngành học, trường học không phải là bảo chứng cho cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Trên thực tế, sức cạnh tranh trong mỗi ngành nghề đều rất lớn. Điều nhà tuyển dụng quan tâm là kỹ năng nghề nghiệp, năng lực thật sự của người lao động chứ không phải tên trường đại học, ngành học của các em.

Kết quả tuyển sinh đại học năm 2023 theo thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, lĩnh vực kinh doanh và quản lý đứng đầu danh sách các ngành học có tỷ lệ tuyển sinh cao nhất, kế đó là lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật. Ở chiều ngược lại, tỷ lệ tuyển sinh thấp nhất thuộc về các ngành dịch vụ xã hội, thú y, toán và thống kê...

MINH THƯ

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/go-roi-tu-van-huong-nghiep-cho-hoc-sinh-lop-12-post731508.html