Gỡ 'nút thắt visa' để hàng không bứt tốc

Việc nối lại đường bay thương mại Hà Nội - Bắc Kinh sẽ là tiền đề quan trọng để các hãng hàng không nước ta có thể xâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc sau 3 năm chờ đợi.

Nhưng để quá trình khai thác này có sự đột phá vẫn cần phải giải quyết không ít rào cản và vướng mắc, trong đó điển hình là vấn đề visa.

TS Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN hàng không Việt Nam (VABA) đánh giá, các DN hàng không Việt Nam đã có sự chuẩn bị khá kịp thời cho giai đoạn phục hồi ngay từ khi dịch bệnh còn đang bùng phát mạnh.

Chính vì thế, cho dù gặp khó khăn do hậu quả của dịch bệnh như thiếu nhân lực, việc bảo trì, bảo dưỡng, kiểm tra thiết bị sau thời gian dài ngừng hoạt động… hết sức khó khăn, trong khi nhu cầu bằng đường hàng không thời điểm ban đầu sau mở cửa tăng đột biến, nhưng các hãng đã chủ động tiếp nhận và mở thêm các đường bay mới ở trong nước và quốc tế.

Cải thiện thủ tục xuất nhập cảnh sẽ giúp tăng hành khách đến với Việt Nam. Ảnh: Chiến Công

Cải thiện thủ tục xuất nhập cảnh sẽ giúp tăng hành khách đến với Việt Nam. Ảnh: Chiến Công

Bên cạnh đó, dù hàng không Việt Nam có nhiều khó khăn và phải đối mặt những thách thức lớn song “trong nguy cơ”, các hàng hàng không vẫn có những cơ hội đáng kể để phục hồi và phát triển.

Khi thị phần bay quốc tế chậm phục hồi, hàng không Việt Nam có cơ hội khai thác thị trường trong nước như một bước đệm, giai đoạn “chạy đà” trở lại để mau chóng phục hồi các đường bay quốc tế có dung lượng lớn.

Thế nhưng, thực thế cho thấy cán cân phục hồi giữa thị trường nội địa và thị trường quốc tế của ngành hàng không nước ta có sự chênh lệch rõ rệt.

Trong khi bay nội địa liên tục tăng mạnh thì bay quốc tế vẫn rất chậm chạp như thể đang còn trong giai đoạn “chạy đà”. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Trong đó có việc căng thẳng chính trị leo thang giữa Nga và Ukraine, tâm lý e ngại của một bộ phận người dân tại nhiều quốc tế trong việc đi lại sau đại dịch Covid-19, nhiều thị trường lớn của hàng không nước ta vẫn chưa mở cửa hoặc mở cửa dè dặt như Trung Quốc, Nhật Bản...

Ngoài những nguyên nhân trên, vướng mắc trong vấn đề visa cũng được cho là một trong những rào cản của hàng không trên con đường phục hồi.
Các chuyên gia cho rằng, muốn “cởi trói” cho hàng không để ngành này có thể bứt tốc thì “nút thắt visa” cần phải sớm được tháo gỡ.

Hiện tại, các DN du lịch đề xuất gia hạn visa 30 ngày và hy vọng yêu cầu này sẽ được chấp thuận sớm. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho khách quốc tế vào Việt Nam thì hệ thống e-visa phải phê duyệt đúng hạn, xác nhận lộ trình nộp visa của du khách, hoàn trả đúng hạn. Kích hoạt ngay việc xét duyệt nhân sự trước khi cập nhập bằng cơ chế visa on arrival (loại thị thực ngắn hạn được cấp với thời hạn 1 tháng cho 1 lần nhập cảnh) .

Đại diện các hãng hàng không cũng cho rằng, trong quá trình xúc tiến du lịch, tham gia các hội chợ xúc tiến du lịch, đã nhận ra rằng cùng một cơ hội đặt ra, cùng khu vực Đông Nam Á nhưng du khách sẽ chọn lựa nước nào dễ có visa.

Một số nước trong ASEAN khi áp dụng miễn visa đã thu hút lượng du khách tăng gấp đôi, điển hình như Thái Lan. Hiện nay, thủ tục xuất nhập cảnh của Việt Nam hiện quá chậm.

Đây là điều cần được cải tiến bằng cách tự động hóa. Muốn phát triển hàng không, du lịch, cần phải giải quyết vấn đề visa, đặc biệt là nới rộng thời hạn visa.

“Với kinh nghiệm trong ngành hàng không, những nước miễn visa, có đường hàng không bay thẳng thì trong vòng 3 năm, lượng hành khách tăng lên gấp đôi, chứ không phải tăng theo mức độ trung bình 5 - 10%.

Do vậy, các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu nới lỏng và mở rộng chính sách visa, bảo đảm cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore” - Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Trịnh Ngọc Thành nói.

Để tháo gỡ “nút thắt visa”, các chuyên gia đề xuất phương án đánh giá lại hệ thống miễn visa cho các nước vừa rồi có đạt hiệu quả rõ ràng không? Nếu thấy rõ hiệu quả nên tiếp tục mở rộng thêm cho nhiều nước như các quốc gia khác đã từng áp dụng.

Đơn cử rõ nhất khi Nhật Bản miễn phí visa cho Thái Lan, thì người dân Thái ồ ạt du lịch Nhật Bản trong nhiều năm trước dịch Covid-19. Nếu chúng ta chưa áp dụng miễn visa cho nhiều quốc tịch, phải áp dụng công nghệ duyệt e-visa thật nhanh, thật sự tốc độ.

Ví dụ rút ngắn thời gian duyệt visa online lên trong vòng 1 - 2 ngày; đồng thời mở kênh visa on arrival cho du khách.

Hòa Thắng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/go-nut-that-visa-de-hang-khong-but-toc.html