Gỡ 'nút thắt' trong xây dựng nông thôn mới vùng cao

Tỉnh Yên Bái đặt kế hoạch đến hết năm 2017 có 30 xã được công nhận xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, tỉnh miền núi khó khăn này còn gặp nhiều thách thức trong triển khai thực hiện.

* Nhiều "nút thắt"

Xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái có 5 thôn bản, 782 hộ, hơn 3.000 nhân khẩu với gần 100% là đồng bào dân tộc Thái. Mặc dù được chọn là xã điểm của huyện Trạm Tấu trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, song hơn 5 năm quyết tâm và nỗ lực, xã này cũng mới chỉ đạt được 12/19 tiêu chí. Trong đó, những tiêu chí cơ bản, mang tính quyết định để thay đổi căn bản đời sống nhân dân cũng như bộ mặt nông thôn lại đều chưa đạt được.

Cụ thể, thu nhập bình quân của người dân trong xã hiện nay mới chỉ đạt 9 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao, ở mức hơn 40%. Xã Hát Lừu phấn đấu đến năm 2020 cơ bản đạt được các tiêu chí nông thôn mới, nhưng với thực trạng như hiện nay, mục tiêu này được cho là khó có thể hoàn thành.

Bà con dân tộc ở xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái sử dụng nước sạch. Ảnh: Trần Việt /TTXVN.

Ông Lò Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Hát Lừu cho biết, kinh tế chủ yếu của người dân trong xã là sản xuất nông nghiệp nên rất khó tạo ra đột phá về mức thu nhập. Các tiêu chí về giao thông, thủy lợi… cần nhiều vốn đầu tư cũng là thách thức lớn của xã hiện nay. Người dân sẵn sàng hiến đất, đóng góp ngày công nhưng do kinh tế quá khó khăn nên không thể góp vốn để làm đường giao thông, chủ yếu vẫn phải trông chờ sự hỗ trợ của tỉnh. Nhưng, Yên Bái lại là tỉnh nghèo, mức hỗ trợ của tỉnh ít nên xã cũng cứ loay hoay không tìm được cách nào để tháo gỡ khó khăn.

Hát Lừu chỉ là một trong hàng chục xã đặc biệt khó khăn thuộc hai huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái là Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Hai huyện này vẫn đang “nằm” trong danh sách 62 huyện nghèo nhất nước, được thụ hưởng Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Trạm Tấu có 11 xã và 1 thị trấn thì cũng cả 11 xã nằm trong diện này.

Còn huyện Mù Cang Chải có 13 xã và 1 thị trấn; trong đó, cả 13 xã đều thuộc diện đặc biệt khó khăn. Sau hơn 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay cả hai huyện vùng cao này của tỉnh Yên Bái chưa có xã nào đạt đủ các tiêu chí của chương trình để được công nhận xã nông thôn mới.

Thực tế, việc huy động nguồn lực đầu tư cho Chương trình nông thôn mới ở Yên Bái vẫn còn thấp, tại các xã vùng cao việc huy động lại càng khó. Theo điều tra, khảo sát triển khai thực hiện quy hoạch tại các xã của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái, bình quân một xã sẽ phải đầu tư 160-200 tỷ đồng. Trong khi đó, hơn 5 năm qua, tổng các nguồn vốn thực hiện chương trình nông thôn mới của cả huyện vùng cao Trạm Tấu với 11 xã huy động được chỉ là hơn 744 tỷ đồng.

Trong xây dựng nông thôn mới ở Trạm Tấu cũng như các huyện vùng cao khác của Yên Bái, các tiêu chí về thu nhập của người dân, giảm nghèo và các tiêu chí cần nhiều vốn đầu tư để xây dựng hạ tầng như: giao thông, thủy lợi, điện… là những tiêu chí khó hoàn thành nhất. Ông Nguyễn Thành Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái cho biết, những khó khăn cần tìm hướng để tháo gỡ ngay đối với các huyện vùng cao trong xây dựng nông thôn mới như ở Trạm Tấu hiện nay chính là các tiêu chí về điện nông thôn, kiên cố hóa giao thông nông thôn và nhất là tiêu chí về thu nhập của người dân.

Chỉ riêng về tiêu chí giảm nghèo, sau cả một nhiệm kỳ loay hoay, huyện Trạm Tấu giảm được từ 70-80% hộ nghèo xuống còn hơn 40% nhưng không bền vững nên khi áp những tiêu chí mới của giảm nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo lại quay về xuất phát điểm ban đầu. Một số tiêu chí khi áp dụng với địa bàn các xã vùng núi vẫn dập khuôn nên chưa thực sự phù hợp, cần có sự điều chỉnh nhất định.

“Bức tranh” nông thôn mới ở huyện vùng cao Mù Cang Chải cũng không tươi sáng hơn Trạm Tấu được là bao. Sau hơn 5 năm loay hoay “vật lộn” với các tiêu chí, huy động mọi nguồn lực có thể, đến nay cũng mới chỉ có 2 xã của huyện này đạt được trên 10 tiêu chí. Với địa hình phức tạp, dân cư thưa thớt, giao thông đi lại khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo lên đến hơn 80%, việc huy động nguồn lực trong dân là một thách thức quá lớn. Các giải pháp được huyện áp dụng như chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, mở rộng diện tích, tăng vụ… mặc dù được làm quyết liệt, song hiệu quả đạt được chỉ là giúp người dân cải thiện đời sống quá khó khăn, tăng thêm chút thu nhập chứ chưa thể tạo ra đột phá lớn nhằm nâng mức thu nhập theo đúng tiêu chuẩn của tiêu chí đặt ra. Quá trình xây dựng nông thôn mới ở Mù Cang Chải cũng giống như ở huyện vùng cao Trạm Tấu đang còn quá nhiều “nút thắt”.

*Tìm cách gỡ

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Yên Bái, để tháo gỡ những “nút thắt” này, giải quyết những khó khăn hiện nay trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại các xã, huyện vùng cao, rất cần có những cơ chế, chính sách đặc thù cho các xã, huyện này, đặc biệt trong hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất. Đồng thời, cần thiết quy hoạch vùng sản xuất gắn với xây dựng cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm, quan tâm và bố trí nhiều hơn nữa vốn phát triển sản xuất để người dân vùng cao phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, tiến tới giảm nghèo bền vững.

Yên Bái xác định tiếp tục chú trọng một số giải pháp; trong đó, tập trung vào việc thực hiện cuộc vận động xã hội về xây dựng nông thôn mới; đa dạng hóa các nguồn vốn cũng như cơ chế huy động vốn, ưu tiên thực hiện các đề án phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân các xã vùng cao. Đồng thời, lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là các chương trình về hỗ trợ giảm nghèo để từng bước nâng cao đời sống của người dân vùng cao. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng vào việc đẩy mạnh phong trào xây dựng làng, xã văn hóa, vận động người dân vùng cao tự cải tạo nơi ăn ở văn minh, hợp vệ sinh, giữ gìn cảnh quan, môi trường sạch đẹp…

Ông Nhâm Xuân Trường, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Yên Bái chia sẻ: Cải thiện hạ tầng và nâng cao đời sống, thu nhập cho bà con nhân dân hiện là trọng tâm nhưng cũng là “nút thắt” lớn nhất trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở các xã vùng cao, nhất là tại một tỉnh miền núi khó khăn như Yên Bái. Việc tập trung phát triển hạ tầng giao thông, nhất là những tuyến giao thông chính, liên xã, liên thôn cần nhiều vốn, song sẽ thúc đẩy sản xuất hàng hóa, đồng thời tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, từ đó tạo ra hiệu quả kép đối với các xã vùng cao.

Tuy nhiên, nhà nước cũng cần có chính sách đặc thù, quan tâm hơn nữa trong đầu tư nguồn lực đối với các xã này. Đồng thời căn cứ vào điều kiện, thế mạnh, sự phù hợp của từng địa phương chứ không dập khuôn khi áp dụng các tiêu chí. Chỉ khi xác định được và dựa vào nhu cầu thực tế, căn cứ vào những thế mạnh của các xã vùng cao mới tạo ra những đột phá trong việc thay đổi đời sống, thu nhập cũng như bộ mặt nông thôn ở những khu vực còn rất nhiều khó khăn này.

Đinh Hữu Dư (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/go-nut-that-trong-xay-dung-nong-thon-moi-vung-cao-20161114105826140.htm