'Gỡ khó' xuất khẩu ngành lúa gạo

Bộ NNPTNT đang triển khai đầu tư 7.000 tỉ đồng chi trong 5 năm tới, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: Tái cơ cấu và cổ phần hóa các DN Nhà nước, trọng tâm là TCty lương thực Miền Bắc (Vinafood 1), TCty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2)… Bên cạnh đó, khuyến khích các DN tư nhân đầu tư vào ngành lúa gạo bằng các dự án hợp tác công tư (PPP), ưu đãi thuế, vốn vay…

Ảnh minh họa

Theo Bộ NNPTNT, 10 tháng đầu năm 2016, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 10.2016 ước đạt 368.000 tấn, tương đương giá trị 164 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 10 tháng đầu năm 2016 ước đạt 4,2 triệu tấn và 1,9 tỉ USD, giảm 21,2% về khối lượng và giảm 16,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Trong đó, thị trường Trung Quốc trong 9 tháng giảm giảm 23% về khối lượng và giảm 13,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Các thị trường có giá trị giảm mạnh là Philippin (47,8%), Malaysia (47,4%), Singapore (34,6%), Hoa Kỳ (32%), Bờ Biển Ngà (25,2%) và Hồng Kông (11,4%). Trong khi đó, lượng gạo tồn kho trong các DN đã lên tới 1,2 triệu tấn đang làm điên đầu các nhà quản lý.

Để đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong năm 2016 này, các DN cần được Chính phủ hỗ trợ cho vay vốn vay ưu đãi. Bộ công thương sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tiếp cận nguồn vốn vay, vốn vay ưu đãi (nhất là nguồn vốn trung, dài hạn đầu tư xây dựng kho chứa, lò sấy tại vùng nguyên liệu, nguồn vốn phục vụ đầu tư ứng trước đầu vào cho nông dân và thu mua lúa từ vùng nguyên liệu).

Mặt khác, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân đầu mối tiếp tục tăng cường nắm sát tình hình thị trường, kịp thời có giải pháp điều hành linh hoạt, phù hợp với diễn biến từng thị trường, đảm bảo hiệu quả xuất khẩu. Đồng thời, thực hiện xúc tiến thương mại gạo tại các thị trường trọng điểm, thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng để củng cố thị trường và mở đường cho xuất khẩu gạo.Theo đánh giá của các chuyên gia, để “gỡ khó” cho xuất khẩu gạo, cần phải tái cơ cấu ngành này theo hướng tập trung vào các loại gạo có chất lượng, xây dựng thương hiệu cho ngành lúa gạo; đẩy mạnh triển khai đề án “Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” với hàng loạt giải pháp như: Thiết kế logo cho thương hiệu gạo, lựa chọn các giống gạo có chất lượng tốt… Được biết, Bộ NNPTNT kịp thời xây dựng vùng nguyên liệu, kiểm tra hoạt động thu mua lúa gạo nội địa, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi sản xuất, kinh doanh, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trái quy định.

L.V

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/go-kho-xuat-khau-nganh-lua-gao-610680.bld