'Gỡ khó' nhờ livestream

Càng gần Tết cổ truyền, nhu cầu mua sắm của người dân ngày càng cao. Nắm bắt điều đó, nhiều hộ kinh doanh trong tỉnh đã tổ chức những buổi livestream trên mạng xã hội, thu hút đông đảo khách hàng. Đằng sau tín hiệu đáng mừng ấy là nỗ lực vượt khó và cả sự trăn trở, kỳ vọng của những người kinh doanh.

Chị Cao Thị Nhung và nhân viên chuẩn bị cho buổi livestream đưa áo dài đến tay khách hàng - Ảnh: T.L

Hút khách bằng cách làm mới

Những ngày này, chị Cao Thị Nhung (sinh năm 1988), trú tại TP. Đông Hà và các nhân viên bận tối mắt với công việc. Ngoài bán trực tiếp tại cửa hàng, chị còn thường xuyên livestream để đưa những mẫu áo dài vươn xa. Cách đây 6 năm, chị Nhung đã thử nghiệm hình thức bán hàng mới mẻ này. Vốn có khiếu ăn nói, biết cách tạo không khí vui tươi nên những buổi livestream bán hàng của chị thường thu hút đông đảo người xem và chốt đơn. Có thời điểm, lượng khách theo dõi buổi livestream của chị Nhung lên đến con số hơn 1.700. Trên sóng trực tiếp, một số vị khách ở nước ngoài chốt mua cả trăm bộ áo dài.

Trước tín hiệu vui kể trên, chị Nhung đã nghiên cứu, tìm tòi và trang bị thêm nhiều kinh nghiệm, kỹ năng để phát huy một cách cao nhất lợi thế của livestream. Đầu năm 2023, chị quyết định tăng số buổi livestream lên hai ca/ ngày, bắt đầu từ 10 giờ và 19 giờ 30 phút. Từ đây, công việc của chị và nhân viên bận rộn thêm. Trong mỗi buổi livestream, chị Nhung và 4 người hỗ trợ gần như không ngơi nghỉ. “Ngoài việc giới thiệu những sản phẩm chất lượng, giá cả phải chăng, chúng tôi còn giữ chân khách bằng chương trình giảm giá; bốc thăm trúng thưởng; trò chơi... Vì thế, nhiều khách hàng đã đến với thương hiệu áo dài Nhung Cao. Ai cũng mong “săn” được những chiếc áo dài đẹp, giá cả ưu đãi nhất để đón Tết”, chị Nhung chia sẻ.

Cũng giống như chị Nhung, gần đây, chị Trần Thị Lan (sinh năm 1987), trú tại xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, đang đẩy mạnh việc livestream trên trang facebook cá nhân để bán hàng hóa tết. Khởi nghiệp với việc sản xuất, chế biến, kinh doanh các loại nông sản quê nhà, câu hỏi lớn nhất của chị Lan là: “Làm sao giúp nhiều khách hàng ở các tỉnh, thành xa, thậm chí nước ngoài biết đến những sản phẩm mà mình làm ra?”. Từ khi sử dụng hình thức livestream, câu hỏi khiến chị trăn trở đã có lời giải đáp. Chị Lan cho biết: “Hiện nay, cơ sở sản xuất của chúng tôi đã có 5 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao. Nhờ livestream mà các sản phẩm đã đi được xa hơn, đều hơn, mang lại doanh thu cao. Đó là động lực để chúng tôi tiếp tục cố gắng nâng cao hiệu quả của hình thức bán hàng này”.

Livestream là một trong những phương thức của mô hình thương mại điện tử, đang phổ biến tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới những năm gần đây. Mô hình này ra đời từ sự kết hợp giữa thương mại điện tử với các nền tảng mạng xã hội. Livestream giúp tăng tính tương tác giữa người bán hàng với khách. Chỉ một chiếc máy điện thoại hay vi tính kết nối internet, người bán hàng có thể tự tổ chức một buổi phát sóng trực tiếp, thu hút hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người tham gia.

Mong không còn những “lỗ hổng”

Với ưu điểm dễ thực hiện, tiếp cận lượng khách lớn cùng lúc, việc bán hàng trên sóng livestream đang được nhiều người kinh doanh lựa chọn. Đặc biệt, vào dịp tết Nguyên đán, số lượng các buổi phát sóng trực tiếp gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên, không phải buổi livestream nào cũng diễn ra thành công, có nhiều người theo dõi và bán được hàng. Một số người kinh doanh khởi đầu với hình thức mới này khá thuận lợi nhưng sau đó ít dần rồi phải bỏ cuộc.

Hiểu thực tế ấy, những người kinh doanh trong tỉnh luôn xác định không ngừng đổi mới việc livestream. Họ không ngại ngần bỏ tiền ra để mua các loại máy móc, thiết bị hiện đại. Nhiều người dành thời gian nghiên cứu, nắm bắt, cập nhật những quy định, chính sách của mạng xã hội để gia tăng lượng khách hàng. Đặc biệt, một số cách làm hay để tăng lượng tương tác cho livestream đã được người kinh doanh sử dụng như: tặng quà cho người chia sẻ, tương tác nhiều lần; áp dụng chương trình khuyến mãi hấp dẫn chỉ có trên livestream; tổ chức trò chơi, quay số trúng thưởng...

Tuy nhiên, theo nhiều tiểu thương, mấu chốt để hình thức livestream tồn tại, phát triển bền vững vẫn là nằm ở uy tín của người bán hàng và chất lượng sản phẩm. Trên thực tế, khi theo dõi và mua hàng bằng hình thức livestream, khách hàng không được trực tiếp cầm nắm, trải nghiệm sản phẩm như cách truyền thống. Do đó, tình trạng bán hàng không đúng với cam kết chất lượng, thậm chí là lừa đảo hoàn toàn có thể xảy ra. Đó cũng chính là lý do mà một bộ phận khách hàng thường e ngại khi mua hàng trên livestream. “Hiểu điều đó nên chúng tôi luôn cố gắng để xây dựng thương hiệu, khẳng định sự uy tín với khách hàng. Khi nhận được hàng, nếu không vừa lòng, khách hàng có thể đổi trả. Trong một số trường hợp không mong muốn, chúng tôi chấp nhận hoàn tiền cho khách”, chị Lan cho biết.

Không chỉ ở khách hàng, việc sử dụng hình thức bán hàng qua kênh livestream đôi khi khiến hộ kinh doanh rơi vào tình thế dở khóc, dở cười. Trong quá trình bán hàng, một số khách hàng để lại địa chỉ, số điện thoại dưới phần bình luận để chốt đơn. Lợi dụng điều này, một số đối tượng cạnh tranh không lành mạnh đã nhanh chóng lấy thông tin, rồi gửi mặt hàng tương tự hoặc có chất lượng kém đến sớm hơn cho khách, gây ra những hiểu lầm không đáng có. Một tình huống khác mà những người hay livestream thường gặp là có người chốt đơn liên tục, sau đó từ chối nhận hàng.

Thực trạng mà cả người kinh doanh lẫn khách hàng gặp phải kể trên có thể phần nào cho thấy những “khoảng trống” pháp lý của việc bán hàng qua livestream. Do đó, các hộ kinh doanh rất mong muốn các cấp, ngành, đơn vị liên quan có quy định và chế tài chặt chẽ để tránh tình trạng “loạn livestream”, góp phần tạo tính minh bạch, tăng niềm tin của khách hàng đối với hình thức bán hàng này.

Tây Long

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/go-kho-nho-livestream/182942.htm