Gỡ khó cho thị trường khoa học - công nghệ ( Bài 1)

Đồng Nai là tỉnh công nghiệp phát triển, có vị trí địa lý thuận lợi, là cửa ngõ để vào khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nhưng thị trường khoa học - công nghệ (KH-CN) lại không sôi động. Để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân mặn mà tham gia thị trường KH-CN, một trong những giải pháp chính là phải tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách.

Đoàn công tác của Ủy ban KH-CN và môi trường Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển thị trường KH-CN tại Đồng Nai. Ảnh: H.DUNG

Đoàn công tác của Ủy ban KH-CN và môi trường Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển thị trường KH-CN tại Đồng Nai. Ảnh: H.DUNG

Bài 1: Những điểm sáng về ứng dụng khoa học - công nghệ

Thị trường KH-CN ở nước ta là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là môi trường pháp lý, đầu tư và thương mại, nơi diễn ra quan hệ giao dịch, trao đổi, mua bán hàng hóa KH-CN, được vận hành có sự định hướng, điều tiết và hỗ trợ của Nhà nước.

Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng KH-CN vào sản xuất, kinh doanh là vấn đề sống còn.

Tích cực ứng dụng công nghệ cao

Tổng công ty CP Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) đang đầu tư, khai thác 11 khu công nghiệp với hơn 800 dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước với mức đầu tư hơn 10 tỷ USD và 18 ngàn tỷ đồng. Trong đó, có nhiều dự án công nghệ cao của các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới như: Fujitsu, Meggitt, Mabuchi, Bosch, Olympus, Shell, Atus, Hans Vina, 3M, Samsung, Sony, Kenda…

Bà Lương Minh Hiền, Phó tổng giám đốc Sonadezi cho biết, trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, Sonadezi luôn chú trọng công tác bảo vệ môi trường, ứng dụng KH-CN hiện đại. Tổng công ty đang vận hành 10 nhà máy xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp với tổng công suất 66,3 ngàn m3/ngày đêm; quản lý, vận hành 2 khu xử lý chất thải sinh hoạt và công nghiệp. Chất thải sinh hoạt đang được xử lý bằng công nghệ Compost của Bỉ. Sonadezi cũng đang nghiên cứu, đề xuất dự án điện rác áp dụng công nghệ của Phần Lan để đốt rác thải trơ từ dây chuyền Compost và chất thải công nghiệp.

Hiện có 14 văn kiện (nghị quyết, quyết định của Đảng, Chính phủ), 4 luật, 6 nghị định và 12 thông tư, quy định được Nhà nước ban hành nhằm thúc đẩy phát triển thị trường KH-CN.

Để nâng cao hiệu quả quản lý trong lĩnh vực cung cấp nước sạch, Công ty CP Cấp nước Đồng Nai (công ty con của Sonadezi) đang triển khai các giải pháp vận hành tự động tại các nhà máy bằng hệ thống Scada, lắp đặt các thiết bị thông minh trong nhà máy và ngoài mạng lưới. Qua đó, tiến tới thành lập Trung tâm điều hành tập trung để quản lý, giám sát vận hành toàn bộ hoạt động sản xuất của công ty. Hệ thống Scada đã được Công ty Cấp nước Đồng Nai triển khai lắp đặt tại 3/12 nhà máy.

Hòa chung “dòng chảy” cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tháng 9-2023, Sonadezi đã triển khai dự án Số hóa trong toàn tổng công ty, chính thức vận hành hệ thống Báo cáo quản trị thông minh TABLEAU BI. Qua đó để xây dựng và khai thác kho dữ liệu tập trung, tập hợp các thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty thành viên trong cả tổng công ty. Cung cấp dữ liệu một cách trực quan, kịp thời để các cấp lãnh đạo tổng công ty và các công ty thành viên nâng cao năng lực quản lý.

Vươn tầm thế giới

Công ty TNHH Meggitt Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) chuyên sản xuất các thiết bị, linh kiện máy bay, trong đó nhiều sản phẩm được bảo hành 20 năm. Các sản phẩm do công ty làm ra xuất khẩu 100% sang các nước Pháp, Mỹ, Thụy Sĩ, Anh, Đức.

Ông Paul Trần, Tổng giám đốc Công ty TNHH Meggitt Việt Nam chia sẻ, công ty liên tục cải tiến về công nghệ, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm. Nếu sản phẩm không đạt chất lượng chuẩn châu Âu thì không được xuất khẩu.

Để đảm bảo vấn đề môi trường, Sonadezi sẽ tiếp tục chọn lọc các dự án để thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, ưu tiên các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là tiêu chí bảo vệ môi trường.

“Để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài, công ty thường xuyên cử nhân sự, kỹ sư qua nước ngoài để cùng với doanh nghiệp chuyển giao công nghệ cho công ty nghiên cứu, chế tạo, đến khi có sản phẩm mới về Việt Nam” - ông Paul Trần nói.

Trong khi đó, Trường đại học Lạc Hồng đã thành lập Trung tâm nghiên cứu khoa học và ứng dụng với mục đích chuyên nghiệp hóa và tổ chức bài bản về quy mô nghiên cứu sáng tạo, chuyển giao công nghệ.

Trung tâm tập trung phần lớn các phòng thực hành và thí nghiệm với đội ngũ các nhà khoa học có trình độ và năng lực, cùng thực hiện mục tiêu đến năm 2030 trở thành trường đại học ứng dụng hàng đầu tại Việt Nam. Năm 2023, nhà trường có 28 hợp đồng chuyển giao công nghệ, thu về gần 4 tỷ đồng, tăng 150% so với năm trước đó.

TS Lâm Thành Hiển, Hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng cho biết, nhà trường đã để lại tiếng vang lớn trên các đấu trường công nghệ và thành công khi đưa trí tuệ Việt ra đấu trường quốc tế. 5 năm liên tiếp, trường vô địch cuộc thi Chế tạo và vận hành xe tiết kiệm nhiên liệu châu Á; năm 2019 đứng thứ 4 thế giới. 9 năm liên tiếp, Trường đại học Lạc Hồng đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi Sáng tạo robot châu Á - Thái Bình Dương với 4 lần đoạt vô địch. Sinh viên của trường đoạt giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp quốc gia, liên tục giữ vị trí số 1 trong phong trào nghiên cứu khoa học, dẫn đầu phong trào Toàn dân tiến vào mặt trận KH-CN của tỉnh Đồng Nai… Với những kết quả trên, nhà trường vinh dự 2 lần đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Thiếu thông tin, vướng cơ chế

Mặc dù đã và đang đạt được những thành tích “không phải dạng vừa” về phát triển KH-CN nhưng cả 3 doanh nghiệp, trường học nói trên đều đang gặp phải không ít khó khăn trong phát triển thị trường KH-CN.

Người lao động Công ty TNHH Meggitt Việt Nam trong giờ làm việc

Người lao động Công ty TNHH Meggitt Việt Nam trong giờ làm việc

TS Lâm Thành Hiển, Hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng thông tin, theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025), tỉnh có chủ trương thành lập Trung tâm Robot đặt tại Trường đại học Lạc Hồng. Đây là lĩnh vực thế mạnh của trường và nhà trường có đầy đủ cơ sở vật chất, nhân lực để có thể phối hợp vận hành Trung tâm Robot. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể thực hiện vì vướng các quy định trong đầu tư công. Nếu không tháo gỡ khó khăn về cơ chế thì đến cuối nhiệm kỳ, tỉnh sẽ không thành lập được Trung tâm Robot.

Bà Lương Minh Hiền, Phó tổng giám đốc Sonadezi cho biết, trong đầu tư công nghệ, hiện nay doanh nghiệp đang rất thiếu thông tin về xu hướng, các giải pháp công nghệ mới phù hợp trong xử lý chất thải, nước thải. Việc thiếu thông tin có thể khiến các doanh nghiệp gặp rủi ro vì công nghệ thay đổi rất nhanh.

“Chúng tôi rất mong Bộ KH-CN và các bộ, ngành liên quan định hướng và tăng cường hỗ trợ thông tin để doanh nghiệp có thể tiếp cận, lựa chọn công nghệ tối ưu và phù hợp nhất với tình hình của địa phương và doanh nghiệp” - bà Hiền kiến nghị.

Ngoài ra, Sonadezi kiến nghị Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách phù hợp trong công tác đấu thầu rộng rãi đối với từng công nghệ xử lý chất thải khác nhau. Xem xét, cho phép việc đấu thầu xử lý chất thải cho toàn dự án hoặc giai đoạn 5-10 năm.

Về chính sách trong lĩnh vực xử lý nước thải, Nhà nước chưa ban hành quy chuẩn, quy định cụ thể cho việc tái sử dụng nước thải của nhà máy xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp. Do vậy, kiến nghị sớm xem xét ban hành để áp dụng.

Trong khi đó, Công ty TNHH Meggit Việt Nam đang gặp khó khăn liên quan đến việc thực hiện chính sách thuế, các quy định về phòng cháy, chữa cháy… khiến doanh nghiệp khó mở rộng quy mô sản xuất. Không những vậy, do Việt Nam thiếu các doanh nghiệp phụ trợ nên công ty phải nhập khẩu nguyên, vật liệu từ nước ngoài.

Hạnh Dung

Bài 2: Thị trường khoa học - công nghệ chưa sôi động

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202310/go-kho-cho-thi-truong-khoa-hoc-cong-nghe-bai-1-40a4916/