Gỡ khó cho tái chế rác thải nhựa công nghệ cao

Rác thải là tài nguyên triển khai kinh tế tuần hoàn. Thảo luận tại Diễn đàn Mekong Connect 2023 tại TP.HCM trung tuần rồi, ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam, cho biết hiệp hội vừa có buổi làm việc với 15 doanh nghiệp Đài Loan trao đổi thông tin, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào lĩnh vực tái chế.

Đi trước một bước, Duy Tân Recycling (DTR) - doanh nghiệp trong nước chuyên tái chế rác thải nhựa - cách nay khoảng một tháng đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận công ty công nghệ cao.

Nhà máy của DTR đặt tại Long An hiện đạt 60% công suất thiết kế, tương ứng với 4 tỉ chai nhựa được tái sinh/năm. Về cơ cấu thị trường, hiện 60% sản lượng của DTR xuất khẩu đến những thị trường khó tính như Mỹ, EU… Phần còn lại phục vụ nhu cầu trong nước, tham gia vào chuỗi cung ứng của nhiều công ty đa quốc gia trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, thực phẩm như Unilever, Suntory Pepsico, Cocacola, Nestle… Giải quyết bài toán công nghệ nhưng sức mạnh của DTR vẫn còn dư địa cải thiện nhiều hơn nữa.

Nhà máy của DTR đặt tại Long An hiện đạt 60% công suất thiết kế, tương ứng với 4 tỉ chai nhựa được tái sinh/năm. Ảnh: Quỳnh Trần

Phân loại rác thải tại nguồn là một trong những thách thức đáng kể. Tỷ lệ tái chế “từ chai đến chai” (bottle to bottle – tức là sử dụng chai nhựa đã qua sử dụng, tái chế thành hạt nhựa rồi thổi ra chai mới) rất thấp do rác thải nhựa bị lẫn với rác thải sinh hoạt. Ông Lê Anh - Giám đốc phát triển bền vững của DTR - cho biết doanh nghiệp thu gom 100 tấn rác thải nhựa thì chỉ tái chế được 50 tấn, còn lại làm đầu vào sản xuất những sản phẩm cấp thấp hơn trong khi tỷ lệ tái chế trung bình trên thế giới khoảng 80%.

Phân loại tại nguồn tốt hơn giúp tăng tỷ lệ tái chế, doanh nghiệp tiết kiệm chi phí hợp lý, phát huy lợi thế kinh tế theo quy mô làm cơ sở hạ giá sản phẩm, mở rộng phạm vi tiếp cận người tiêu dùng, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc tế. Doanh nghiệp, xã hội và Chính phủ đều thắng.

Về đầu ra, đại điện DTR đề xuất ban hành bộ tiêu chuẩn an toàn đối với bao bình thực phẩm sử dụng nguyên liệu từ nhựa tái chế. Đây là cơ sở quan trọng để ngành nhựa đẩy mạnh hoạt động truyền thông, giúp người tiêu dùng an tâm sử dụng. Hướng đến thị trường xuất khẩu, DTR nêu thực tế hiện nay sản phẩm nhựa tái chế và nhựa nguyên sinh đang sử dụng chung một mã vạch (code). Nếu nhựa nguyên sinh bị quốc gia nhập khẩu áp dụng cơ chế phòng vệ thương mại, nhựa tái chế cũng sẽ bị vạ lây. Ban hành mã xuất khẩu riêng cho nhựa tái chế là kiến nghị có cơ sở.

Ông Lê Anh, Giám đốc phát triển bền vững của DTR, trình bày tại Diễn đàn Mekong Connect 2023. Ảnh: BTC

Đầu vào cũng cần can thiệp chính sách. Nhiều cá nhân thu gom rác thải là những lao động tự do lớn tuổi, không đủ điều kiện xuất hóa đơn. “Kê khai đầu vào chưa được cơ quan thuế ghi nhận”, ông Lê Anh đề xuất cơ quan quản lý Nhà nước hướng dẫn. Hiện DTR chỉ thu gom rác thải nhựa từ công ty, qua hai ba lớp, giá vừa cao, phạm vi vừa hẹp. Việc cơ quan quản lý Nhà nước khẩn trương ban hành chính sách tháo gỡ khó khăn này không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho DTR nói riêng và ngành công nghiệp tái chế rác thải nhựa nói chung, mà còn giúp nhóm yếu thế là lực lượng lao động tự do thu gom rác thải nhựa cải thiện thu nhập nhờ trực tiếp mua bán nguyên liệu cho doanh nghiệp trong ngành. Ngành tái chế càng phát triển, càng giúp nền kinh tế bớt tiêu hao hao tài nguyên hóa thạch, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn cũng như góp phần giải quyết nhiều hệ lụy về môi trường.

Theo ông Lê Anh, Giám đốc phát triển bền vững của DTR, năm 2022, thế giới sử dụng 2.700 tỉ sản phẩm nhựa bao bì (riêng châu Á là 1.100 tỉ) thông qua tiêu dùng những hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, đồ uống, hoặc các sản phẩm tiêu dùng khác như dược phẩm, mỹ phẩm. Việt Nam đứng hạng tư thế giới về lượng rác thải nhựa xả vào đại dương.

Thượng Tùng

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/go-kho-cho-tai-che-rac-thai-nhua-cong-nghe-cao-41758.html