Gỡ khó cho Dung Quất (Kỳ cuối: Nắm cơ hội để phát triển)

Cảng Hào Hưng-Quảng Ngãi đi vào hoạt động góp phần xuất hàng hóa nhanh hơn và giải quyết việc làm cho người dân địa phương.

Theo lãnh đạo BQL KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, trong 20 năm (1996-2016) đầu tư phát triển, KKT Dung Quất đã có đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Ngãi. KKT này làm thay đổi cơ bản cơ cấu GDP của tỉnh theo hướng tăng mạnh tỷ trọng công nghiệp và tăng nguồn thu ngân sách, giải quyết hàng chục ngàn việc làm cho lao động địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Cụ thể, trong giai đoạn 2005-2009, KKT Dung Quất đóng góp hơn 4.815 tỷ đồng, giai đoạn 2010-2015, KKT Dung Quất tiếp tục đóng góp hơn 126.000 tỷ đồng vào nguồn thu ngân sách của tỉnh. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu chiếm hơn 80% của cả tỉnh.

Để tiếp tục tạo động lực cho Dung Quất phát triển, ngày 11-5-2015, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Nghị quyết số 660 về việc ban hành chương trình hành động phát triển KKT Dung Quất giai đoạn 2015-2020. Với Nghị quyết này, mục tiêu của tỉnh Quảng Ngãi đưa ra là đến năm 2020, tiếp tục đầu tư phát triển KKT Dung Quất để giữ vững vai trò hạt nhân tăng trưởng của tỉnh trên các lĩnh vực: tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động của tỉnh, tạo nền tảng vững chắc để đến năm 2020, Quảng Ngãi cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Đồng thời, KKT Dung Quất phát huy được vai trò cảng biển nước sâu trong thu hút đầu tư các dự án công nghiệp nặng, dự án quy mô lớn, tiếp tục đầu tư phát triển các khu đô thị Vạn Tường và một số khu đô thị vệ tinh, đổi mới có hiệu quả mô hình quản lý, cải cách hành chính để thu hút đầu tư... Cùng với đó, tỉnh Quảng Ngãi đưa ra các chỉ tiêu cụ thể cho giai đoạn này như: thu hút đầu tư đạt từ 3-5tỷ USD (vốn thực hiện đạt 60-70%), tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ đạt từ 3-4%, thu ngân sách trên địa bàn đến năm 2020 đạt khoảng 35.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 35.000 lao động... 1/2 chặng đường của giai đoạn này đã trôi qua và nhìn lại thì Dung Quất đã có nhiều sự đổi thay đáng kể so với những năm trước. Đây chính là một trong những động lực cho KKT Dung Quất phát triển trong những năm tiếp theo.

Ông Lê Hàn Phong-Phó Trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2017, tình hình đầu tư phát triển KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là công tác thu hút đầu tư, mời gọi và cấp phép đầu tư cho một số dự án lớn trong và ngoài nước. Cụ thể, trong 9 tháng qua, Ban Quản lý đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/Quyết định chủ trương đầu tư cho 21 dự án, trong đó có 5 dự án FDI, vốn đăng ký là 269 triệu USD và 16 dự án trong nước với vốn đăng ký 60.912 tỷ đồng. Ban quản lý cũng đã điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư cho 20 dự án, trong đó có 2 dự án FDI tăng vốn hơn 60 triệu USD, nâng tổng vốn điều chỉnh 9 tháng qua lên hơn 3,070 tỷ USD. Tính lũy kế đến nay, tại KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi có 247 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 11 tỷ USD.

Máy móc được tập kết để phục vụ xây dựng dự án thép Hòa Phát-Dung Quất.

Trong những ngày này, đi quanh KKT Dung Quất sẽ dễ dàng nhận thấy nhiều dự án lớn hiện đang được triển khai mạnh mẽ như: Dự án mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất; Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát-Dung Quất và Khu đô thị Công nghiệp Dung Quất... trong đó, Dự án KCN đô thị Dung Quất có vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng do Cty Cổ phần Hoàng Thịnh Đạt làm chủ đầu tư. KĐT công nghiệp Dung Quất sẽ được tập trung thu hút các doanh nghiệp thuộc các ngành như: sản xuất, lắp ráp thiết bị điện, điện tử và viễn thông, sản xuất linh kiện ô-tô, máy bay, thực phẩm-đồ uống, hóa học-y dược, dệt may, dệt nhuộm, các ngành công nghiệp nhẹ và phụ trợ khác. Trong khi đó, tổng mức chi phí đầu tư mở rộng và nâng công suất nhà máy lọc dầu Dung Quất khoảng 1,813 tỷ USD. Riêng dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát-Dung Quất có tổng vốn đầu tư 60.000 tỷ đồng. Dự án có công suất 4 triệu tấn/năm với các sản phẩm chủ yếu là thép xây dựng, thép cuộn.

Cùng với việc triển khai xây dựng các dự án, nhu cầu nhân lực lao động phục vụ trong các nhà máy, xí nghiệp này là rất lớn. Theo thông báo của BQL KKT Dung Quất và các CKN Quảng Ngãi, trong năm 2017, dự kiến nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi khoảng 4.000 lao động. Trong đó, Cty CP Thép Hòa Phát Dung Quất 1.800 lao động, Cty Giày Rieker Việt Nam chi nhánh Quảng Ngãi 300 lao động, Cty TNHH XNK TM Thuyên Nguyên 258 lao động, Cty TNHH Xindadong Việt Nam 80 lao động... Tuy nhiên, như đã nói ở bài trước, vấn đề việc làm còn phụ thuộc rất lớn vào trình độ của người lao động trên địa bàn và sự thiện chí tiếp nhận lao động của các doanh nghiệp.

Cuối tháng 10 này, Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017 với chủ đề "Quảng Ngãi- Hợp tác đầu tư và Phát triển" sẽ diễn ra. Dự kiến tại Hội nghị sẽ trao Quyết định chủ trương đầu tư cho 12 dự án, trong đó có những dự án đáng chú ý, thu hút được nhiều lao động như: Trang trại Bò sữa Vinamilk, Trung tâm thương mại và Siêu thị Hùng Cường Big C, nhà máy sản xuất bao bì công nghiệp Intersack Quảng Ngãi, Chuỗi nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao OFB Mộ Đức... Hi vọng với sự cố gắng rất lớn của tỉnh Quảng Ngãi, BQL KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách thông thoáng, tạo thuận lợi và tích cực kêu gọi các nhà đầu tư, trong thời gian không xa nữa, không chỉ có Dung Quất mà ở các KCN khác của tỉnh Quảng Ngãi sẽ có nhiều doanh nghiệp đến đầu tư.

NGUYỄN TUẤN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_173872_go-kho-cho-dung-quat-ky-cuoi-nam-co-hoi-de-phat-trien-.aspx