Gỡ điểm nghẽn về hệ thống kết nối giao thông ở Bình Phước

Bình Phước nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, được thừa hưởng sự lan tỏa phát triển mạnh mẽ và khả năng tạo cộng hưởng động lực phát triển cho cả vùng.

Một góc thành phố Đồng Xoài, Bình Phước nhìn từ trên cao. Ảnh: Sỹ Tuyên - TTXVN

Một góc thành phố Đồng Xoài, Bình Phước nhìn từ trên cao. Ảnh: Sỹ Tuyên - TTXVN

Với lợi thế của "người đi sau", các chuyên gia kinh tế cho rằng, điều này giúp Bình Phước có thể tận dụng tối đa thị trường, kinh nghiệm phát triển và các nguồn lực khác như cảng trung chuyển quốc tế, các tuyến giao thông kết nối, lực lượng doanh nghiệp, để có thể tăng tốc phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.

Trung tâm kết nối

Tỉnh Bình Phước cách trung tâm Tp. Hồ Chí Minh khoảng 100 km. Bình Phước có hạ tầng giao thông tương đối thuận lợi, kết nối với Tây Nguyên và các tỉnh miền Đông Nam bộ thông qua Quốc lộ 13, Quốc lộ 14, đường ĐT 741 đã được đầu tư hoàn chỉnh với quy mô từ 6 đến 8 làn xe rất thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa.

Hiện nay, tỉnh Bình Phước 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686 ha và 8 cụm công nghiệp với diện tích 380 ha; trong đó, có 11 khu công nghiệp đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và đi vào hoạt động.

Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương cho Bình Phước mở rộng 3 khu công nghiệp. Dự kiến đến năm 2030, Bình Phước sẽ tiếp tục quy hoạch mới và mở rộng một số khu công nghiệp với diện tích khoảng 9.300 ha.

Bên cạnh, Bình Phước có Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, giáp với Vương quốc Campuchia, giao thông thuận lợi kết nối với Lào và Thái Lan với tổng diện tích trên 28.300 ha; trong đó, trên 3.500 ha khu trung tâm đã đưa vào hoạt động.

Đánh giá về vai trò và tiềm năng phát triển của Bình Phước trong thời gian tới, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng Bình Phước là trung tâm kết nối Tây Nguyên – Tây Nam Bộ với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nơi có cảng trung chuyển quốc tế hàng không và hàng hải; trong đó Tp. Hồ Chí Minh là hạt nhân, đầu tàu.

Bình Phước nằm trên hành lang Đông – Tây kết nối vùng Tây Bắc ASEAN có tiềm năng phát triển rất lớn.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, hiện nay khi các hoạt động kinh tế vùng Tp. Hồ Chí Minh đang được lan tỏa và mở rộng, cơ hội bắt đầu lan đến các địa phương có kết nối xa hơn. Bình Phước, nơi cửa ngõ kết nối trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Tây Nguyên bắt đầu có những điều kiện phát triển, các cơ hội đã rõ ràng hơn.

Tiến sĩ Trần Du Lịch - nguyên thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng để Bình Phước có thể “cất cánh”, thì vấn đề liên kết vùng chính là phương án tạo sự cộng hưởng cho phát triển của toàn vùng. Liên kết để phát triển trục kết nối giao thông Bình Phước – Bình Dương – Tp. Hồ Chí Minh đi Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng Cái Mép – Thị Vải; trục Đắc Nông – Bình Phước – Bình Dương – Đồng Nai – Tp. Hồ Chí Minh; tuyến Bà Rịa – Vũng Tàu – Tp. Hồ Chí Minh – Bình Phước – Campuchia – Thái Lan – Myanmar…

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, trước mắt Bình Phước cần nghiên cứu hệ thống giao thông kết nối với đường vành đai 3 của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là vấn đề khó và cần phải có sự hỗ trợ của Bình Dương. Một khi đường vành đai 3 hình hình thành thì sẽ khai thông khai thông về lĩnh vực logistics cho cả Bình Dương và Bình Phước khi kết nối với hệ thống cảng biển và cảng hàng không của vùng.

Gỡ “điểm nghẽn”

Tuyến đường nối Bình Phước và Lâm Đồng thường xuyên xảy ra sạt lở. Ảnh: Sỹ Tuyên - TTXVN

Tuyến đường nối Bình Phước và Lâm Đồng thường xuyên xảy ra sạt lở. Ảnh: Sỹ Tuyên - TTXVN

Tại buổi làm việc với tỉnh Bình Phước vừa qua về thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29/8/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cho rằng thời gian tới Bình Phước cần tiếp tục phát triển công nghiệp, tạo thành hành lang công nghiệp cho cả khu vực.

Tỉnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp với việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng giao thông kết nối, xem đây là ưu tiên hàng đầu; quy hoạch lại công nghiệp trên tuyến giao thông kết nối, làm bệ đỡ về dịch vụ cho vùng và Tp. Hồ Chí Minh.

Báo cáo về phương án kết nối tuyến đường nối Bình Phước và Đồng Nai mới đây, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng Bình Phước là địa bàn chiến lược quan trọng, kết nối giữa các tỉnh Tây Nguyên với Tp. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ, có đường biên giới với Vương quốc Campuchia.

Bình Phước đất rộng, người thưa, có nhiều dư địa, tiềm năng phát triển, nhất là phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, năng lượng nhưng còn khó khăn, thách thức trong đó có kết nối hạ tầng giao thông.

Bộ Giao thông Vận tải đề xuất tuyến kết nối thành phố Đồng Xoài, Bình Phước với đường vành 4 – Tp. Hồ Chí Minh để kết nối toàn vùng. Với hướng tuyến này giúp kết nối thuận tiện, về lâu dài thời gian di chuyển nhanh do tận dụng đường vành đai 4, giảm tải cho các tuyến hiện hữu kết nối từ Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên về cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu và Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Ngoài ra, mạng lưới giao thông kết nối giữa tỉnh Bình Phước và các tỉnh vùng Tây Nguyên với Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ đã được quy hoạch và sẽ được nghiên cứu đầu tư xây dựng trong thời gian tới, bao gồm: đường vành đai 4 – Tp. Hồ Chí Minh, cao tốc Đắk Nông – Chơn Thành, cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Chơn Thành, đường sắt Tp. Hồ Chí Minh – Dĩ An – Lộc Ninh.

Sau khi các tuyến đường cao tốc được đầu tư cùng với hệ thống các tuyến đường quốc lộ, đường địa phương đã và đang được đầu tư, khai thác sẽ đáp ứng được nhu cầu vận tải khu vực.

Kết luận buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước hồi tháng 3/2022 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, Bình Phước là địa bàn chiến lược quan trọng, kết nối giữa các tỉnh Tây Nguyên với Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam bộ, có đường biên giới với Vương quốc Campuchia, hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế để có thể phát triển toàn diện, nhanh, bền vững, hiện đại, nhất là phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, năng lượng sạch.

Thủ tướng đề nghị tỉnh Bình Phước cần nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tiềm năng, lợi thế và cơ hội phát triển của tỉnh trong sự phát triển chung của vùng, không chỉ với vùng Đông Nam Bộ mà còn kết nối với vùng Tây Nguyên, cửa ngõ cho các địa phương Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, Tp. Hồ Chí Minh - cực tăng trưởng lớn của đất nước; phấn đấu sớm đưa Bình Phước trở thành một động lực phát triển quan trọng trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tỉnh cần cụ thể hóa chỉ đạo 3 định hướng lớn; trong đó có giải pháp, kế hoạch thu hút tận dụng các nguồn lực cho phát triển và tập trung nguồn lực cho đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, chú trọng hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp... đảm bảo hiện đại, bền vững, hiệu quả, phát triển xanh.

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, hiện nay “điểm nghẽn” lớn khiến Bình Phước chưa hấp dẫn các nhà đầu tư đó là hệ thống giao thông kết nối với cảng biển và cảng hàng không quốc tế. Tuy nhiên với lợi thế về quỹ đất công nghiệp và thế mạnh về nông nghiệp, cùng với việc nếu giải quyết tốt hơn về thể chế, nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh địa phương thì Bình Phước sẽ tạo được hấp lực cần thiết để thu hút đầu tư./.

Sỹ Tuyên/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/go-diem-nghen-ve-he-thong-ket-noi-giao-thong-o-binh-phuoc/252230.html