Gỡ điểm nghẽn nâng cao chuỗi giá trị từ sản phẩm Sen Đồng Tháp

Ngày 21-5, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội thảo Nâng cao chuỗi giá trị từ sản phẩm Sen Đồng Tháp. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tham dự hội thảo.

Theo thống kê toàn tỉnh Đồng Tháp có tổng diện tích vùng trồng sen thực tế là 331.17ha và tổng diện tích quy hoạch vùng trồng sen được phê duyệt là 461ha; tập trung chủ yếu tại huyện Tháp Mười và huyện Cao Lãnh, huyện Tân Hồng, huyện Lấp Vò… Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến nay Đồng Tháp có hơn 30 sản phẩm Sen của 11 chủ thể được phân hạng là sản phẩm OCOP đạt 3,4 sao. Để nâng tầm giá trị Sen, năm 2007, UBND tỉnh Đồng Tháp đã công bố biểu tượng của tỉnh có biểu tượng theo hình tròn cách điệu của bông hoa sen. Năm 2015, UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành “Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020”, bên cạnh đó hàng năm chính quyền thành phố tổ chức rất nhiều lễ hội văn hóa để tôn vinh giá trị của sen đồng thời quảng bá, xây dựng hình ảnh Đồng Tháp là “Quê Sen”, “Thủ phủ Sen” hay “Đất Sen Hồng”...

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Với lợi thế sẵn có, tỉnh Đồng Tháp đặt mục tiêu đến năm 2025 diện tích trồng sen đạt 1.500 ha, năng suất bình quân 3,0-3,5 tấn/ha, sản lượng ước đạt khoảng 3.000-3.500 tấn hạt/năm, thu nhập người trồng sen tăng 120% so với năm 2021.

 Đa dạng các sản phẩm để nâng cao giá trị Sen Đồng Tháp.

Đa dạng các sản phẩm để nâng cao giá trị Sen Đồng Tháp.

Tại hội thảo các chuyên gia cũng như hộ trồng sen Đồng Tháp đã có dịp ngồi lại trao đổi và chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến Sen Đồng Tháp chưa phát huy tiềm năng sẵn có mà thiên nhiên đã ban tặng, lợi ích kinh tế và giá trị văn hóa mang lại từ cây sen vẫn chưa được như mong muốn. Theo đó, nguyên nhân chính là do việc sản xuất sen vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, chưa nhiều các mô hình sản xuất liên kết quy mô lớn, đồng bộ, ứng dụng cơ giới hóa; Bộ giống sen ở Đồng Tháp chưa phong phú, đa dạng về chủng loại, về màu sắc, về giá trị sản phẩm; Kỹ thuật trồng, canh tác sen còn của người dân còn khá đơn giản, dựa vào kinh nghiệm và canh tác truyền thống là chính...

Đồng Tháp cần xây dựng các vùng/mô hình sản xuất sen có quy mô lớn để nâng cao hiệu quả sản xuất cây sen.

Đồng Tháp cần xây dựng các vùng/mô hình sản xuất sen có quy mô lớn để nâng cao hiệu quả sản xuất cây sen.

Các chuyên gia đề xuất, Đồng Tháp cần xây dựng 1 trung tâm bảo tồn, lưu giữ các giống sen; tuyển chọn được bộ giống sen mới, thích hợp với điều kiện sinh thái của địa phương, theo hướng đa dạng hóa sản phẩm; Xây dựng các vùng/mô hình sản xuất sen có quy mô lớn, đáp ứng được các yêu cầu về thổ nhưỡng, giao thông, nguồn nước… để đảm bảo có thể sản xuất được cây sen theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ; Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “sen Đồng Tháp” cho sản phẩm cây sen Đồng Tháp và Đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý “Đồng Tháp” cho sản phẩm sen. Ngoài ra cần kết hợp giữa sản xuất sen với làm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, để nâng cao hiệu quả sản xuất cây sen, từ đó thúc đẩy ngành du lịch và các ngành kinh tế khác cùng phát triển.

Tin, ảnh: THÚY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/go-diem-nghen-nang-cao-chuoi-gia-tri-tu-san-pham-sen-dong-thap-695151