Giúp trẻ sử dụng công nghệ thông minh và an toàn

Các chuyên gia cho rằng công nghệ có thể mang lại những giá trị thiết thực cho trẻ em nếu được tiếp cận và sử dụng đúng cách.

Ảnh: Vecteezy.

Sự phát triển của công nghệ đã thay đổi rất nhiều khía cạnh trong cuộc sống không chỉ của người lớn, mà còn của trẻ em - đối tượng được sinh ra và lớn lên trong thời đại số. Thay vì tìm cách để trẻ em tránh xa công nghệ (một điều rất khó), các chuyên gia và nhà giáo dục cho rằng công nghệ cũng có thể trở thành một công cụ hữu ích giúp hỗ trợ học tập, phát triển tư duy nếu được tiếp cận và sử dụng đúng cách.

Đây cũng là chủ đề được thảo luận sôi nổi trong diễn đàn “Giúp trẻ hình thành tư duy chủ động khi sử dụng công nghệ trong thời đại số”, diễn ra tại Đường sách TP.HCM ngày 6/6. Hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội sách Thiếu nhi TP.HCM lần thứ tư, diễn ra từ ngày 1 đến 7/6.

Ảnh hưởng hai mặt của công nghệ

Theo TS Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Trẻ, công nghệ hiện đại có nhiều tiềm năng trong việc giúp trẻ em ngày nay học nhanh hơn, chủ động và độc lập hơn trong việc tiếp cận nguồn tri thức phong phú của thế giới ngay từ bậc tiểu học. Hơn nữa, các em cũng có thể tiếp xúc được với nhiều nền văn hóa khác nhau, có sự chuẩn bị sớm cho vai trò công dân toàn cầu.

Bên cạnh đó, nó cũng giúp giải quyết nhiều vấn đề đã từng tồn tại lâu trong giáo dục. “Thế giới công nghệ tạo nên không hề ảo như mọi người vẫn thường ví von, mà ngược lại nó đã mang lại những giá trị rất thực. Nhiều trường ở vùng sâu vùng xa, không thể trang bị những chiếc máy tính đắt tiền cho các em, nhưng với những chiếc điện thoại có kết nối Internet, các em hoàn toàn có thể được mở mang tầm mắt, học thêm rất nhiều điều”, ThS. Nguyễn Thúy Uyên Phương, nhà nghiên cứu và thực hành giáo dục, giải thích.

Diễn đàn trong khuôn khổ Hội sách Thiếu nhi TP.HCM lần thứ tư tại Đường sách TP.HCM. Ảnh: BTC.

Tuy vậy, công nghệ vẫn để lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực nếu bị lạm dụng, sử dụng không đúng cách. Theo ThS Nguyễn Thúy Uyên Phương, việc các nền tảng mạng xã hội đều đang tối ưu dạng nội dung ngắn khiến cho khả năng đọc dài, đọc sâu bị tác động một cách đáng kể từ khi còn nhỏ. Về lâu dài, trẻ có xu hướng ngày càng lười xem những video, bài viết có nội dung dài, thậm chí thiếu khả năng đánh giá và tìm hiểu sâu về một vấn đề nào đó.

“Cùng đó, trẻ em sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn, xâm hại trẻ em qua môi trường mạng nguy hiểm không kém gì đời thực, bởi những nội dung, hình ảnh, clip được phát tán khắp nơi, có thể hiện hữu bất cứ lúc nào, gây tổn thương dai dẳng cho trẻ em”, ThS Nguyễn Thúy Uyên Phương bày tỏ sự lo ngại.

Sử dụng công nghệ theo cách thông minh, an toàn

ThS Nguyễn Thúy Uyên Phương cho rằng gia đình và nhà trường cần có sự đồng hành cùng các em trong việc chơi lẫn việc học. Phụ huynh cần cứng rắn trong việc giáo dục con em đi đúng hướng, hướng dẫn trẻ sử dụng các thiết bị điện tử thay vì quá cưng chiều con trẻ hoặc thoái thác trách nhiệm trông nom. Giáo viên và thủ thư tại nhà trường cũng cần lưu ý kích thích sự tò mò của các em bằng nhiều cách như đặt câu hỏi và hướng dẫn các em tìm kiếm thông tin để trả lời.

TS Quách Thu Nguyệt cũng cho biết thêm sự tiến bộ công nghệ đã tác động đáng kể đến cách trẻ em tiếp cận sách và các nguồn tri thức nhân loại khác. “Làm sách theo cách bình thường có lẽ là thua, bởi vì chính phụ huynh và các em rất ít đọc sách giấy. Mọi người hiện nay tiếp cận tri thức bằng cách khác, bằng những phần mềm, bằng công nghệ rất hấp dẫn. Để nghề làm sách được tồn tại thì trước hết người làm sách cần hiểu được tâm lý trẻ thơ, nội dung truyền đạt phải thật cô đọng, chú trọng đến đúng độ tuổi hướng đến”, bà nói.

Thạc sĩ Lý Thị Dịu, Phó hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân (Gò Vấp) trao đổi với các diễn giả về câu chuyện trẻ em và công nghệ tại trường học. Ảnh: BTC.

Theo ThS Lý Thị Dịu, Phó hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân (Gò Vấp), vấn đề giúp các em học sinh hiểu và sử dụng hiệu quả các thiết bị công nghệ đúng cách và rèn luyện tư duy là một nhiệm vụ, trách nhiệm rất quan trọng của nhà trường trong nhiều năm qua, đặc biệt là từ khi các em học trực tuyến đến nay.

“Nhà trường đã tổ chức, triển khai giảng dạy về ứng dụng công nghệ qua các hình thức tổ chức các tiết học hoặc chuyên đề để giới thiệu cho học sinh về cách sử dụng công nghệ trong các lĩnh vực khác nhau, tổ chức các hội thi về khoa học và công nghệ giúp học sinh rèn luyện tư duy sáng tạo và khám phá tiềm năng của công nghệ…”, ThS Lý Thị Dịu chia sẻ thêm.

Em Bùi Lưu Bảo Khánh, học sinh trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, Đại sứ văn hóa đọc TP.HCM nhiệm kỳ 2023-2024, dưới góc độ là một học sinh đã chia sẻ cách bản thân sử dụng công nghệ để giải trí và học tập.

“Thứ nhất, em luôn cài đặt thời gian học tập theo kế hoạch, cứ đúng giờ mỗi ngày chuông kêu là em sẽ dừng ngay việc xem điện thoại để vào bàn học. Thứ hai là xác định rõ mục tiêu của bản thân trước khi vào một phần mềm, một ứng dụng là để làm nhiệm vụ gì, hoàn thành xong thì sẽ không sử dụng nữa”, Bảo Khánh chia sẻ.

Cũng tại diễn đàn, ông Võ Minh Thành, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, đại diện cho ban tổ chức Hội sách thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ tư, cho biết sẽ tiếp thu, ghi nhận các ý kiến của các chuyên gia, các bậc phụ huynh và nguyện vọng của các em thiếu nhi.

Trên cơ sở này, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM sẽ chủ trì, phối hợp với Sở, ban, ngành nghiên cứu, xây dựng các chương trình và tham mưu, đề xuất lãnh đạo thành phố nhằm định hướng và tạo hành lang bảo vệ cho các em trong việc sử dụng hiệu quả các thiết bị điện tử, tổ chức những tọa đàm chuyên sâu, các hoạt động phát triển văn hóa đọc cho các em.

Đông Miên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/giup-tre-su-dung-cong-nghe-mot-cach-thong-minh-va-an-toan-post1437853.html