Giúp sống khỏe với bệnh đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) có thể gặp hầu hết ở mọi lứa tuổi với nhiều nguyên nhân khác nhau. Ở người cao tuổi (NCT) thì tỉ lệ mắc ĐTĐ thường cao và sẽ gặp nhiều khó khăn và phức tạp hơn trong chăm sóc và điều trị.

Với nguyên tắc phòng bệnh hơn chữa bệnh, việc phát hiện bệnh ĐTĐ ở giai đoạn sớm chính là biện pháp phòng bệnh tốt nhất.

Nguyên nhân gây bệnh

Mặc dù có vai trò rất lớn của gen, nhưng các yếu tố môi trường và lối sống có thể làm gia tăng bệnh ĐTĐ khi tuổi già. Ngoài ra, NCT thường mắc các bệnh khác và buộc phải dùng nhiều loại thuốc (ví dụ như thuốc lợi tiểu thiazid). Những thuốc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những bất thường tiềm tàng về chuyển hóa glucose phát triển thành ĐTĐ lâm sàng. NCT bị thừa cân, béo phì, đặc biệt béo trung tâm (béo bụng) đã được xem là yếu tố đương nhiên dẫn đến bệnh ĐTĐ typ 2. Chế độ ăn ở NCT có nhiều chất béo bão hòa, đường đơn và ít carbonhydrat phức; thiếu hụt các nguyên tố vi lượng hoặc vitamin cũng có thể đóng góp vào sự tiến triển của bệnh ĐTĐ typ 2.

Khám, phát hiện biến chứng mắt do bệnh đái tháo đường. Ảnh: TM

Như vậy, có thể nói các nguyên nhân chủ yếu làm tăng tỉ lệ mắc ĐTĐ ở NCT là: Do thay đổi về chuyển hóa glucose; do rối loạn tiết insulin và kháng insulin tăng lên theo tuổi, do người cao tuổi thường phải dùng nhiều loại thuốc có ảnh hưởng đến đường máu, do lối sống tĩnh tại ít hoạt động và do họ thường có béo phì hoặc thừa cân.

Ða số các bệnh nhân ĐTĐ cao tuổi thuộc typ 2. Việc chẩn đoán được bệnh ở nhóm bệnh nhân này là tương đối khó khăn do các biểu hiện của bệnh thường không có hoặc không điển hình. Ví dụ, bệnh nhân không uống nước nhiều do không hoặc rất ít khát, ngược lại họ thường phàn nàn vì thấy yếu mệt, sút cân hoặc hay bị nhiễm trùng…

Biến chứng nguy hiểm và tử vong do ĐTĐ

Một người được chẩn đoán ĐTĐ ở tuổi 65 sẽ làm giảm tuổi thọ từ 4-5 năm và có thể tử vong đột ngột gấp 4,5 lần so với người không mắc bệnh ĐTĐ. Những biến chứng thường gặp ở bệnh ĐTĐ là giảm thị lực, cắt cụt chi dưới do bệnh mạch máu ngoại vi, bệnh thần kinh và bệnh nhiễm trùng, bệnh thiếu máu cơ tim, tai biến mạch máu não và suy thận mạn… Ngay ở thời điểm được chẩn đoán bệnh đã có 10-20% biến chứng mạch máu nhỏ (bệnh võng mạc hoặc bệnh thận); 10% bệnh tim mạch và bệnh thần kinh; bệnh tăng huyết áp và nhồi máu cơ tim còn có tỷ lệ cao hơn… Tất cả đều làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh ĐTĐ cao tuổi. Ngoài ra, NCT luôn ở trạng thái không bù đủ dịch bằng đường uống, vì thế có nguy cơ bị mất natri, mất nước, hạ huyết áp, tăng áp lực thẩm thấu, hạ kali máu (đặc biệt nếu dùng thuốc lợi tiểu), giảm bài tiết insulin và các biến cố tắc mạch. Khi bị nhồi máu cơ tim hoặc nhiếm trùng máu, những người bệnh cao tuổi hay bị shock, có thể nhiễm toàn lactic, đặc biệt ở người mắc ĐTĐ nhưng kiểm soát đường huyết kém. Những biến chứng như vậy có thể đe dọa tính mạng. Do vậy, việc phát hiện bệnh ĐTĐ và can thiệp kịp thời sẽ làm giảm mức độ hoặc ngăn chặn các biến chứng của bệnh.

Để chẩn đoán ĐTĐ sớm ở NCT, đòi hỏi mức cảnh giác cao trước tiên là từ phía thầy thuốc. Nhiều người mắc bệnh ĐTĐ không có triệu chứng. Trong thực tế, nhiều trường hợp ĐTĐ điển hình vẫn có thể bị bỏ sót. Các triệu chứng như sút cân nhẹ và vừa, mệt mỏi, thậm chí những triệu chứng kinh điển của tăng glucose máu như tiểu nhiều, khát, uống nhiều và ăn nhiều thường được lý giải theo bệnh khác của NCT (đái nhiều có thể nhầm là đái dầm do không nhịn được tiểu…). Điều này làm cho người bệnh ĐTĐ cao tuổi thường đến bệnh viện khi bệnh đã ở giai đoạn rất muộn hoặc với những biểu hiện bệnh lý của các biến chứng khác nhau.

Làm sao để điều trị và quản lý bệnh?

Bỏ hút thuốc là điều đầu tiên cần phải nghĩ tới. Với người bệnh béo phì, trước hết cần đạt mục đích giảm cân bằng cách kết hợp chế độ ăn cân bằng, hợp lý về dinh dưỡng, giảm thu nhập các đường đơn và chất béo, kết hợp cùng chế độ tập luyện thường xuyên, đúng kỹ thuật để cải thiện cân nặng cơ thể, tình trạng lipid huyết tương, huyết áp, tăng độ nhạy cảm với insulin và dung nạp glucose của mô đích. Tuy nhiên, trước khi điều trị, người bệnh cần được bác sĩ đánh giá về tình trạng hệ tim mạch, hô hấp và cơ xương… để đưa ra chế độ luyện tập hợp lý. Nhiều NCT mắc bệnh ĐTĐ typ 2 đáp ứng tốt chỉ với chế độ ăn và luyện tập và không cần dùng thuốc. Tuy nhiên, người bệnh cần phải được kiểm soát huyết áp, rối loạn lipid máu bằng thuốc nếu chế độ ăn và luyện tập không đáp ứng yêu cầu.

Với bệnh nhân tăng glucose máu có triệu chứng lâm sàng và mức glucose máu cao tồn tại dai dẳng mặc dù đã tuân thủ chế độ ăn và chương trình luyện tập người bệnh sẽ được điều trị bằng thuốc.

Các sulfonylurea là các thuốc hàng đầu được sử dụng ở những người không béo. Các sulfonylurea tác dụng ngắn không được ưa dùng vì người bệnh cao tuổi dễ bị hạ đường huyết. Thuốc cần được bắt đầu bằng liều thấp và tăng dần nếu lượng glucose máu không duy trì được ở mức cho phép. Trong quá trình dùng thuốc cần chú ý các dấu hiệu hạ đường huyết. Với người bệnh thừa cân, béo phì, metformin là thuốc uống hạ đường huyết hàng đầu được sử dụng hoặc bổ sung vào sulfonylurea để hỗ trợ nhằm làm giảm cân nặng. Metformin bị chống chỉ định khi có tổn thương tim, thận hoặc gan vì nguy cơ nhiễm toan lactic. Các chất ức chế alpha-glucosidase có đặc điểm an toàn; chúng có thể được sử dụng như thuốc hàng đầu, đơn độc hoặc kết hợp với sulfonylurea hoặc metformin và các chất ức chế alpha glucosidase cần được bắt đầu bằng liều thấp và tăng liều dần dần.

Đái tháo đường gây biến chứng tại nhiều bộ phận trong cơ thể.

Một số thuốc mới gần đây đã được đưa vào sử dụng trong lâm sàng, một số có ít nguy cơ hạ đường huyết hơn và đã được chứng minh là đặc biệt có ích ở người bệnh cao tuổi như: Thuốc ức chế DPP4, SGLT2. Các chất kích thích bài tiết insulin như repaglinide có thể thích hợp hơn sulfonylurea đối với người bệnh cao tuổi vì bắt đầu tác dụng nhanh và thời gian kéo dài tác dụng ngắn, do đó giảm nguy cơ hạ đường máu.

Người già cần tích cực tham gia rèn luyện thể lực tăng cường thể chất, bảo đảm cho tay chân hoạt bát, chống thừa mỡ dẫn đến béo phì. Tuy nhiên, vận động không thể quá mạnh, quá sức, chỉ nên áp dụng những hình thức nhẹ nhàng như: Bách bộ, tập thái cực quyền, đạp xe tại chỗ. Bên cạnh đó, cần bố trí thời gian vận động nhất định, với lượng vận động thích hợp. Nên ăn uống thanh đạm, hạn chế các loại thức ăn giàu protein như: Lòng đỏ trứng gà, nội tạng động vật...

Phòng chữa các chứng bệnh cùng phát sinh

Mối đe dọa lớn nhất đối với người bệnh ĐTĐ cao tuổi chính là các chứng bệnh cùng phát sinh theo ĐTĐ. Do đó, cùng điều trị những bệnh song song cùng ĐTĐ là rất quan trọng, nhằm duy trì tình trạng sức khỏe bình thường, khả năng sinh hoạt ổn định cho bệnh nhân cao tuổi và kéo dài tuổi thọ cho họ. Với người cao tuổi bị ĐTĐ thì còn cần phải lôi cuốn gia đình, người thân, những người trực tiếp chăm sóc người bệnh vào cuộc để đạt được mục tiêu phòng và điều trị cho người bệnh. Quản lý người bệnh ĐTĐ cao tuổi đặt ra những thách thức đặc biệt. NCT thường có nhiều bệnh đồng hành, do đó cần được phát hiện và ưu tiên điều trị theo từng giai đoạn biểu hiện bệnh lý. Tuy nhiên nguồn tài chính hạn hẹp và tâm lý chán nản, rối loạn nhận thức và trầm cảm ở NCT tạo ra những rào cản đối với biện pháp quản lý có hiệu quả. Do đó, việc phổ biến kiến thức là một khâu quan trọng trong quản lý NCT bị ĐTĐ. Những kiến thức về các yếu tố nguy cơ; chế độ dùng thuốc, cách lựa chọn thuốc; hướng dẫn cách tự theo dõi, tự xử lý những cấp cứu ban đầu cho bệnh nhân là việc làm bắt buộc của thầy thuốc đối với bệnh nhân. Ngoài ra còn cần phải lôi cuốn gia đình, người thân, những người trực tiếp chăm sóc người bệnh vào cuộc để đạt được mục tiêu điều trị cho người bệnh.

ThS. Phạm Thúy Hường

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/giup-song-khoe-voi-benh-dai-thao-duong-n137443.html