Giúp những người lầm lỡ sớm tái hòa nhập cộng đồng

Những năm qua, Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Long An (xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa) giúp nhiều người 'lầm đường, lạc lối' có cơ hội làm lại cuộc đời.

Hoạt động thể dục - thể thao giúp các học viên cải thiện tinh thần, an tâm điều trị

Hiện Cơ sở quản lý gần 500 học viên (HV), trong đó, 4 HV cai nghiện tự nguyện, số còn lại cai nghiện bắt buộc. Khi tiếp nhận HV, Cơ sở thực hiện quy trình cai nghiện 5 bước, gồm: Tiếp nhận phân loại; cắt cơn điều trị; tư vấn tâm lý, giáo dục hành vi; lao động, học nghề và chuẩn bị tái hòa nhập. Trong đó, tư vấn tâm lý, giáo dục hành vi và lao động, giáo dục nghề nghiệp chiếm 70% thời gian HV cai nghiện tại Cơ sở.

Phó Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh - Võ Anh Tuấn cho biết: “Tư vấn tâm lý, giáo dục hành vi sẽ giúp cán bộ nắm được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của các HV, từ đó, có biện pháp tư vấn, giáo dục phù hợp với từng đối tượng. Đây là bước quan trọng để định hướng cho các đối tượng về tác hại của ma túy đối với bản thân, gia đình và xã hội cũng như chọn nghề nghiệp, việc làm trong tương lai. Còn bước lao động, học nghề sẽ giúp các HV nhận ra giá trị của sức lao động, lợi ích của việc học nghề và rèn luyện sức khỏe để chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng”.

Anh N.T.P. tưởng chừng cả cuộc đời mình sẽ chìm đắm trong ma túy không thoát ra được. Gia đình đã tìm nhiều cách giúp anh cai nghiện, từ bỏ ma túy nhưng không thành công. Cuối năm 2021, anh bị các ngành chức năng bắt giữ khi đang sử dụng trái phép chất ma túy, sau đó, tòa tuyên án đưa vào Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh cai nghiện bắt buộc 18 tháng. Khi vào đây, anh không chỉ cai nghiện, cắt cơn thành công mà còn hăng hái tham gia lao động, sản xuất. Anh P. trải lòng: “Cai nghiện thành công, lại được học nghề trồng trọt, tôi rất mừng! Được làm việc, lao động, tôi cảm thấy tinh thần thoải mái, vui vẻ hơn nhiều. Sau khi trở về, tôi sẽ tích cực lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, tránh xa ma túy để làm lại cuộc đời, nhất là không làm gánh nặng cho gia đình và xã hội”.

Được biết, Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh hiện có trên 100ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó, chia thành nhiều khu như trồng lúa, tràm, rau màu, chăn nuôi,... Ngoài mục đích trị liệu, nâng cao sức khỏe cho HV, lao động, sản xuất còn giúp người cai nghiện tiếp cận nhiều ngành nghề, duy trì thói quen lao động, thậm chí giúp họ tạo dựng vốn kiến thức phát triển sản xuất sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện trở về với cộng đồng.

Các học viên Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh tham gia lao động, sản xuất

Chăm lo đời sống tinh thần là một trong những biện pháp giúp các HV ổn định tư tưởng, an tâm điều trị. Vào các dịp lễ, tết, Cơ sở thường xuyên tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục - thể thao. Ngoài ra, Cơ sở còn bố trí 12 sân bóng chuyền nhằm giúp các HV rèn luyện, vui chơi, giải trí vào những buổi chiều. Điển hình như hưởng ứng Tháng hành động Phòng, chống ma túy năm 2023 từ ngày 01 đến 30/6/2023 với chủ đề: “Phòng, chống ma túy quyết liệt, hiệu quả, nâng cao trách nhiệm, chủ động phối hợp - Vì một cộng đồng sạch ma túy”, Cơ sở tổ chức thi đấu bóng chuyền cho các HV.

Anh P.V.G. cho biết: “Tôi vào Cơ sở được 5 tháng. Sau khi cắt cơn nghiện, tôi được tạo điều kiện tham gia các hoạt động thể dục - thể thao. Vào mỗi buổi chiều, sau khi ăn cơm xong, tôi cùng HV trong khu chia thành các đội thi đấu bóng chuyền. Việc chơi thể thao giúp tôi cải thiện sức khỏe, đỡ buồn và không còn cảm giác tù túng, từ đó, an tâm cai nghiện để sớm trở về với gia đình”.

Cai nghiện để làm lại cuộc đời không phải là điều dễ dàng, thế nhưng, những người lầm lỡ không hề đơn độc. Họ luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, trong đó, có sự hỗ trợ nhiệt tình của cán bộ, nhân viên tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh. Đây chính là động lực, niềm tin giúp những người lầm lỡ sớm tái hòa nhập cộng đồng./.

Nhã Lam

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/giup-nhung-nguoi-lam-lo-som-tai-hoa-nhap-cong-dong-a157721.html